Thông tin ông cụ viết thư tay cuối cùng ở Bưu điện Sài Gòn dừng việc sau 30 năm gắn bó với nghề khiến nhiều người tiếc nuối và có chút chạnh lòng. Một người bảo vệ ở Bưu điện thành phố cho hay, vì tuổi cao sức yếu cộng thêm mắt kém nên ông cụ sẽ dừng hẳn công việc viết thư thuê.
"Ông cụ viết thư tay cuối cùng ở Sài Gòn" chính là những thông tin đầu tiên khi người ta nhắc đến ông Dương Văn Ngộ. Ông khiến nhiều người mến mộ ngay từ những giây phút đầu tiên người ta thấy ông ngồi một góc ở Bưu điện Sài Gòn tay cầm chiếc kính lúp tròn, tay nắn nót viết từng nét chữ nào là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt.
Ông Ngộ năm nay đã được 91 tuổi, từng giữ chức Chánh sự bộ (thư ký) Bưu điện vào năm ông 18 tuổi. Ông gắn bó với công việc viết và dịch thư thuê vào thời điểm về hưu năm 1990, tính đến nay ông đã gắn bó với Bưu điện thành phố hơn 70 năm.
Ông Ngộ được cho là người "giữ hồn" cho những bức thư tay xuyên thế kỷ, từng là một phần liên lạc không thể thiếu cho người Việt Nam và người ngoại quốc.
Trước đó, cứ mỗi sáng ông lại đạp xe lạch cạch có mặt tại Bưu điện Sài Gòn để làm việc với đống giấy, bút mực và chiếc kính lúp nhỏ nhắn. Ông viết từ 3-5 lá thư tay mỗi ngày, giá cả do người thuê tùy tâm nhưng không vượt quá 30.000 đồng. Đến nay, những bức thư tay của ông đã đến tay nhiều người trên khắp thế giới như: Canada, Singapore, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc...
Nhiều gia đình có con du học hoặc định cư tại các nước đều đến đây muốn ông giúp viết bức thư tay gửi đến người thân xa xứ cho thỏa nỗi nhớ mong, một phần do không biết tiếng, phần do không biết sử dụng email. Sau này, ông được biết đến nhiều hơn nhờ tờ báo nước ngoài.
Vào năm 2009, ông Ngộ từng được công nhận kỷ lục là "người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam".
Dù không phải là người đi khắp 5 châu nhưng ông Ngộ luôn có nhiều bạn bè trên thế giới từ nghề viết thư thuê. Hằng năm, nhiều du khách đến Sài Gòn tham quan Bưu điện đã liên hệ với ông cùng trò chuyện như một người bạn lâu năm. Nhiều du khách sau khi trở về nước vẫn thi thoảng gửi vài bức thư tay đến bưu điện hỏi thăm sức khỏe của ông.
Khi ông Ngộ nghỉ, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ và luyến tiếc, bởi vì họ xem ông như một phần trong 'linh hồn' của Sài Gòn cổ xưa.
Theo Kelvin Hoàng (Pháp Luật & Bạn Đọc)