Tôi cho rằng về phía chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm chấn chỉnh tệ trạng tăng ni đốt vàng mã, bói toán vì đó không phải là tăng ni - không đúng theo giáo pháp Phật giáo. Đồng thời, nên có hình thức vận động, tuyên truyền, giáo dục, thậm chí ban hành những quy định hạn chế đốt vàng mã
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Đốt vàng mã không có trong đạo lý Phật giáo
Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".
Thượng tọa Thích Đức Thiện - tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết từ nhiều năm qua, đến mỗi mùa lễ tết và lễ Vu lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có công văn khuyên dạy phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã.
Cho rằng tục đốt vàng mã ở Việt Nam do có từ lâu đời nên đã trở thành nét văn hóa, nhưng đang bị lạm dụng như một sự mê tín, thượng tọa Thích Đức Thiện nhắn nhủ:
"Trong đạo Phật không có chuyện đốt vàng mã. Nhưng vì đây là nét văn hóa nên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên dạy phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo hội không cấm những gì thuộc về văn hóa, nhưng cần loại bỏ những mê tín".
Vì đây là công văn của giáo hội nên chỉ giới hạn trong các cơ sở thờ tự Phật giáo. Nhưng mong muốn của chúng tôi là ngoài các cơ sở thờ tự Phật giáo, đồng bào phật tử không đốt vàng mã ở mọi nơi. Ông bà, tổ tiên không nhận được những cái chúng ta đốt đi
Thượng tọa Thích Đức Thiện
Nên có biện pháp quản lý chặt chẽ
Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (phó Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết: "Cùng với việc thờ Phật, việc thờ tự trong nhà chùa bao gồm cả các vị thần thánh như Mẫu Liễu Hạnh, đức Thánh Trần hay Quan Công... đã có từ các triều đại trước nhà Nguyễn.
Trước đây, từng có giai đoạn nhà chùa tràn lan hoạt động mê tín, bói toán, vàng mã, đồng bóng, cúng tế đầu bò, đầu heo... Tôi còn nhớ hòa thượng Thích Tố Liên đã quả quyết Phật giáo không hề có chuyện đồng cốt, vàng mã. Ngài nói rằng nếu ai tìm thấy cơ sở việc đốt vàng mã trong Phật giáo thì ngài xin nguyện vào địa ngục để chịu tội…
Vào thập niên 1930, nằm trong phong trào chấn hưng Phật giáo, các vị khởi xướng đã rất khéo léo dẹp bỏ các tệ đoan này.
Trong đó, các chùa chính thức nằm trong Giáo hội Phật giáo thì tuyệt đối cấm việc đốt vàng mã, đồng bóng, không cho cúng mặn các vị thần thánh thờ tự trong chùa nữa mà là cúng vật thanh tịnh, hoa quả, hương trầm...
Kết quả là tục đốt vàng mã cũng như sát hại loài vật để cúng tế cùng nhiều tệ đoan khác giảm đi rất nhiều; đời sống chùa chiền thanh tịnh hẳn trong mấy mươi năm".
Tuy nhiên, theo ông Sơn, sau mấy chục năm cấm đoán cực đoan, đến giai đoạn phục hồi tràn lan bất cứ tập tục, tín ngưỡng tốt xấu, từ đó dẫn đến bùng phát nhiều tệ nạn mê tín, đặc biệt trong các cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian.
"Hiện nay, cả một số chùa chiền tuy nằm trong Giáo hội Phật giáo nhưng không chịu sự quản lý chặt chẽ của giáo hội, vẫn phát triển tràn lan những hoạt động lệch lạc để thu lợi là chính. Tôi nghĩ giáo hội nên có biện pháp quản lý chặt chẽ, sâu sát hơn"...
Ông Sơn cũng cho rằng giáo hội cần có sự hợp tác với cơ quan quản lý văn hóa để bài trừ những tệ nạn nói trên.
Theo V.V.Tuân - Thái Lộc (Tuổi Trẻ)