Ô sin 15 năm tuổi nghề
Chị Lam không biết rằng là do may mắn hay do điều gì khác mà chị chưa từng gặp vấn đề khúc mắc với người giúp việc. Người đầu tiên đến ở cùng nhà chị chắc có lẽ cũng sẽ là người cuối cùng, bởi đã 15 năm qua chị giúp việc (tên Hoa) đã ở cùng gia đình chị từ đầu chí cuối. Thậm chí năm nào chị cũng ở lại ăn Tết với nhà chủ vì thương cô chủ. Chị Hoa bảo: "Nhà tôi mọi người vẫn ở đó, tôi về sau vẫn được gặp người thân, vui sau cũng chẳng sao". Vì thế chị Lam cũng không có tư tưởng muốn trải nghiệm thêm bất cứ ô sin nào khác, cũng không có tư tưởng phải thay người giúp việc bao giờ.
Khi chuẩn bị sinh con, là lúc chị bắt đầu thuê giúp việc. Chị Hoa cũng chẳng phải là mối quen kiểu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà chị thấy trong khu dân cư có người đăng giới thiệu giúp việc "biết cư xử", vì nhà chủ cũ đi định cư nước ngoài nên có tâm muốn chị tìm được chốn mới tốt. Lúc phỏng vấn chị có hỏi rằng, điều quan trọng nhất cần có ở người giúp việc là gì, chị bảo đó là sự trung thực và chân thành. Thế là chị Lam mời chị ngày mai tới làm việc. Chị Lam nghĩ nhiều người hay chọn yếu tố nhanh nhẹn, có làm được việc, có kỹ năng không lên đầu, nhưng chị nghĩ người có tâm họ sẽ làm được tất cả. Còn có những điều kia mà thiếu cái tâm thì cũng không thể bền lâu.
Lúc đầu chị cũng quan sát chị Hoa, thấy chị làm việc cẩn thận, việc này xong mới làm sang việc khác, cư xử lễ độ, phải phép, chị rất ưng. Có lần chị Lam cố tình đánh rơi tờ 100 ngàn trong gầm bàn, lúc về thấy tờ 100 ngàn đã được đặt ngay ngắn trên bàn, chặn bên trên là cốc nước.
Sau này chị Lam coi chị Hoa như một người bạn, chuyện gì chị cũng có thể tâm sự. Vợ chồng cãi nhau, stress vì công việc lúc nào chị cũng có thể kể với chị Hoa. Chị thậm chí còn vô cùng ngạc nhiên, khi một người chỉ học đến lớp 10 có thể nói với chị rằng: "Cuộc sống không phải cái gì cũng như ý được. Khi mình nghĩ thoáng ra, đối phương cũng tự khắc sẽ điều chỉnh theo. Quan trọng nhất của cuộc sống này chẳng phải đơn giản chỉ là sự bình an trong 1 ngôi nhà, 1 công việc có nhiều nhiệt huyết để cống hiến thôi".
Khi ô sin biến thành... nhà tâm lý học
Thậm chí có lần chồng chị Lam còn "đi lạc đường" ngoại tình với đồng nghiệp nữ. Lúc chị Lam nghĩ đến việc bỏ chồng vì nghĩ: "Có ngoại tình lần 1 sẽ có lần 2...". Nhưng chị Hoa lại bình tĩnh bảo: "Lúc này mới là lúc cần hơn bao giờ hết tình yêu của em thể hiện. Có thể, cậu ấy vì phút giây say nắng thì sao? Nếu Lam xử lý và vượt qua được chuyện này thì có lẽ sau này sẽ có khả năng bền vững hơn.
Chị cũng là người đã từng đưa chồng về trong cơn say với 1 cuộc vui có mùi phản bội. Chị nghĩ bỏ thì có nhiều cơ hội, làm cho người ta tỉnh ra mới là chuyện khó. Nếu lần này anh ấy không biết quay đầu thì chị quyết định sau cũng chưa muộn. Lam cứ nghe chị. Sau này nếu không thể ngồi lại cùng nhau thì chia tay cũng chưa muộn. Lúc đó có dứt áo ra đi cũng đỡ phần đau đớn".
Nghe lời chị giúp việc, chị Lan đã xử lý khéo léo câu chuyện chồng ngoại tình chứ không "lành làm gáo vỡ làm muôi" như ban đầu nữa. Chồng chị dường như nhận ra có được người như vợ "của hiếm", chồng ngoại tình nhưng lại vẫn cao thượng tha thứ, còn cho họ sự tôn trọng, nâng niu. Vì thế nên anh đã thay đổi hẳn cách ứng xử và khẳng định chuyện ngoại tình không bao giờ lặp lại. Sau đó, tình cảm của gia đình đi lên, tình cảm của chủ và ô sin càng ngày càng khăng khít. 2 đứa trẻ con đều tay chị chăm sóc, lúc đi công tác, lúc vắng nhà chị Lam đều yên tâm tuyệt đối.
Có nhiều việc vì chị Hoa nhanh và biết điều, cũng như biết được nhà chủ tín nhiệm nên tự biết cách xử lý những trường hợp điện, nước hỏng hóc. Thậm chí mẹ chồng chị Lam lên chơi, lúc con dâu chưa kịp về thì chị Hoa đã đón tiếp nồng nhiệt để bà không có cảm giác cô đơn khi tới chơi nhà con.
Chị Hoa hoàn hảo như thế, hỏi có nhược điểm không?
Chị Lam thành thật nói rằng vẫn có. Tính chị Hoa là người đôi lúc hay quên nên có những thứ chị cất đồ ở đâu mà không thể nhớ. Vì yên tâm rằng chị là người tin tưởng trong gia đình nên chị Lam cũng cho chị Hoa có quyền được làm những việc ngoài phận sự ô sin.
"Có lúc chị cất cho mình cuốn visa rồi đến ngày bay nháo nhào tìm mới không thấy. May mà phút chót trí nhớ đểnh đoảng của chị bỗng nhớ ra nên mọi chuyện cũng ổn, ra sân bay vừa phút cuối. Mình vẫn không bao giờ trách mắng chị vì đã coi chị là người thân trong nhà rồi. Có điều những thứ sau này liên quan đến sổ sách, giấy tờ mình rút kinh nghiệm không để chị trông coi nữa. Ai cũng có nhược điểm, mình cũng có nhiều. Quan trọng nữa là cũng phải chấp nhận nhau, coi như 1 tính cách mình phải chung sống", chị Lam kể.
Ở 1 tình huống khác, khi đứa thứ 2 nhà chị bị sốt vào lúc mẹ chị đang công tác Sài Gòn không thể về ngay. Chồng chị thì đi công tác nước ngoài. Bố mẹ đôi bên thì ở xa. Thì chị Lam là người đưa con chị vào viện, 1 tay lo hết mọi việc. Lúc vợ chồng chị về nhà, con bé con đã ổn, nhà cửa vẫn gọn gàng tinh tươm. Vì những câu chuyện như thế chị cũng chiều chị Hoa lắm. Có gì chị cũng cho, không tiếc chị Hoa bất cứ thứ gì và thực sự coi như chị em gái.
Ô sin từ chối tháng lương thứ 14: "Đi làm bằng cái tâm thì nghề nghiệp này dễ thở hơn rất nhiều"
Chuyện tháng lương thứ 13 để thưởng Tết cho chị Hoa là chuyện bình thường. Chắc vì thế, nên chị Hoa cũng không bao giờ đòi hỏi hay vòi vĩnh bất cứ thứ gì từ nhà chủ. Có năm chị còn được thưởng... tháng lương thứ 14. Tuy nhiên chị Hoa từ chối: "Chị cũng chỉ làm trong bổn phận của mình. Em không phải lo dùng vật chất để giữ chân chị đâu. Chị xác định đi làm là có sự chân thành, thậm chí sự trung thành. Ai cũng có nỗi khổ của mỗi người. Người giàu cũng khóc cơ mà. Nên chị được làm việc trong nhà cô chú, biết điều và ôn hòa như thế là chị mừng rồi. Cô yên tâm".
Khi chị Lam càng đối xử tốt với chị Hoa thì ở chiều ngược lại, chị Hoa cũng tình cảm chẳng kém. Mỗi dịp từ quê lên, lúc nào cũng xách thêm đồ quê, con gà, mớ rau sạch, lạc, khoai... Chị Hoa tâm sự: "Tôi nghĩ sống bằng cái tâm của mình sẽ nhận lại được bằng cái tâm như thế từ người khác. Vì thế nên tôi không nề hà câu nệ tính toán bất cứ thứ gì cả. Vẫn giữ đúng mực của người giúp việc với nhà chủ, nhưng khi thân thiết hơn tôi cũng không quá khách sáo nữa, nhưng vẫn giữ đúng mực không cho phép mình làm cái gì quá. Tôi vẫn tin rằng nghề nghiệp nào cũng là một loại nghề, đều có danh dự nghề nghiệp như nhau.
Khi nhà chủ không cho rằng ô sin là người ở mà là người đi làm kiếm đồng lương như mình, họ cho người giúp việc sự tôn trọng thì có lẽ họ cũng nhận lại được lối ứng xử như thế.
Nhưng tôi cũng không đồng tình với những người khi chưa chuẩn bị hành trang gì về kỹ năng làm người giúp việc nhưng tư tưởng luôn muốn vòi vĩnh, hoặc giữ nguyên những tật xấu kiểu lề thói của lũy tre làng thì cũng được vài ngày là dừng việc.
Có thể người ta sẽ có việc làm khác ngay nhưng đó sẽ là 1 cuộc chiến. Đi làm cũng phải vui vẻ mới có thể yên tâm mà làm việc, không gây ức chế cho chủ cũng như chính mình. Có như thế bản thân mình cũng mới có được hạnh phúc. Không thể nào bạn có thể cảm thấy vui vẻ khi nhà chủ lúc nào cũng lườm nguýt và đề phòng mình được đúng không? Nên cái tâm thật sự quan trọng đấy".
Theo ĐX (Pháp luật & Bạn đọc)