Nước Mỹ "thực dụng" và 3 câu chuyện đáng mơ ước về lòng tốt

06/04/2016 08:38:20

Ấn tượng mạnh nhất nước Mỹ để lại trong lòng tôi không phải là tiền bạc, trí tuệ hay công nghệ… Điều ám ảnh tôi là lòng tốt của con người, mối quan hệ tử tế, nhân ái giữa người với người. Xin kể 3 câu chuyện nhỏ mà tôi chứng kiến trong chuyến công tác Mỹ vừa qua...

Ấn tượng mạnh nhất nước Mỹ để lại trong lòng tôi không phải là tiền bạc, trí tuệ hay công nghệ… Điều ám ảnh tôi là lòng tốt của con người, mối quan hệ tử tế, nhân ái giữa người với người. Xin kể 3 câu chuyện nhỏ mà tôi chứng kiến trong chuyến công tác Mỹ vừa qua...

Câu chuyện thứ nhất – Bệnh viện phi lợi nhuận
 
Thành phố nào của Mỹ cũng có dân lang thang ăn xin. Nhiều người lang thang không phải không có trại xã hội cho họ sống mà họ thích sống ngoài phố hơn. Chẳng biết chính quyền địa phương quản lý đối tượng này như thế nào nhưng rõ ràng là vẫn có các hành động quan tâm rõ rệt.
 

Bệnh viện nhi CHOC ở bang California. T.A

Ông cậu tôi làm bác sĩ bên đó kể rằng cách đây hơn 10 năm có một trận tuyết rơi rất dày ở New York và nhiệt độ hạ thấp vào đêm giáng sinh. Thị trưởng thành phố ra lệnh mở tòa thị chính và tất cả bệnh viện đón dân lang thang vào trú rét. Ông cậu tôi đang nghỉ giáng sinh ở nhà bị huy động quay trở lại bệnh viện. Sau khi khám cho những người lang thang trú trong đó, ông lại phải bưng bình cà phê và khay bánh đi loanh quanh phục vụ họ. Một số người phàn nàn là cà phê nguội quá bắt ông đi hâm nóng lại, ông bảo “Tôi là bác sĩ chứ không phải bồi của các vị”. Họ bảo “Thì có ai bảo ông là bồi đâu. Nhưng chúng tôi đã vào đây rồi thì chí ít bác sĩ cũng cho tôi cốc cà phê nóng chứ”. Thế là ông cậu – đường đường một bác sĩ uy tín có hạng - lại lóc cóc đi hâm cà phê.

Qua mùa rét năm đó, dân “cái bang” ở New York tụ tập tổ chức một buổi meeting lớn. Họ cử đại diện ăn mặc lịch sự ra phát biểu trước công chúng cám ơn chính quyền thành phố đã cứu họ khỏi chết cóng. Chuyện rất khôi hài mà cũng hết sức nghiêm túc về mối quan hệ dân nghèo và chính quyền.
 

Ghế nghỉ bên ngoài ghi tên một gia đình có công đóng góp cho bệnh viện. T.A

Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ vừa vô cùng thực dụng vừa rất nhân bản. Tôi có dịp được tới một bệnh viện nhi tên là CHOC ở California nơi thằng em con cậu tôi làm tình nguyện viên. Đây là bệnh viện công ích và hoàn toàn phi lợi nhuận. Trông nó không có vẻ gì là bệnh viện vì nó quá sạch sẽ, sáng choang và đầy màu sắc từ ngoài vào trong.

Sảnh tiếp bệnh nhân có hình các con cá biển treo lơ lửng phía trên bàn đăng ký. Mỗi tầng của bệnh viện được thiết kế theo một chủ đề phong cảnh riêng. Có tầng là đại dương, có tầng là rừng núi hoặc đồng cỏ. Ở đây các em bé sẽ rất thoải mái và không có cảm giác mình đi chữa bệnh. Còn có những phòng đồ chơi riêng cho các bé chơi hàng ngày.
 

Sảnh chờ đăng ký khám bệnh. T.A

Phần lớn đồ chơi trong bệnh viện là do các tình nguyện viên đóng góp. Bệnh nhi nào khi xuất viện thích món đồ chơi gì thì có thể cầm về luôn coi như quà của bệnh viện. Cuối mỗi ngày các y tá lau sạch từng món đồ chơi bằng thuốc khử trùng để phòng tránh lây nhiễm.

Hồi thằng em tôi lên 5 nó mổ ruột thừa ở đây, nằm viện có 3 ngày mất 5.000 đô la chưa tính tiền thuốc. Bệnh viện công ích gì mà “giã” tiền con người ta ghê vậy? Cậu tôi giải thích rằng em tôi có bảo hiểm y tế nên thực chất số tiền trên cơ quan bảo hiểm phải trả cho bệnh viện chứ gia đình cũng không mất đồng nào. Bệnh viện dùng tiền thu được từ bệnh nhân có bảo hiểm như thằng em tôi để chữa miễn phí cho những người nghèo không có bảo hiểm và không có khả năng chi trả. Họ không từ chối khám chữa bất cứ ai kể cả các em bé thuộc diện nhập cư bất hợp pháp.

Nhìn quanh tôi thấy toàn dân nghèo thật, chủ yếu là dân Mê-hi-cô, dân da đen và dân Châu Á. Nhiều người ăn mặc nhếch nhác vô cùng tương phản với môi trường chỉn chu của bệnh viện. Tuy nhiên vẻ mặt họ rất thư giãn có lẽ vì họ yên tâm không phải trả một xu nào để có dịch vụ tốt như trong mơ. Trong cái khung cảnh đẹp đẽ và bình yên đó tôi chạnh lòng nhớ về những bệnh viện ồn ào, căng thẳng ở Việt Nam với người nằm ngồi la liệt khắp nơi. Tới bao giờ có một bệnh viện công ích như thế ở quê nhà?

Câu chuyện thứ hai – Ông bác sĩ nhận 7 đứa con nuôi

Ông bác sĩ này là đồng nghiệp của cậu tôi. Mặc dù đã có con, ông này nhận tới 7 đứa trẻ Trung Quốc làm con nuôi từ một trại mồ côi. Không chỉ có thể vợ chồng ông chọn những đứa trẻ xấu xí nhất trại và có bệnh tật mà không ai muốn nhận.

Để đạt yêu cầu luật pháp Mỹ cho phép nhận con nuôi, ông phải chứng minh thu nhập và sửa nhà để chuẩn bị sẵn cho mỗi đứa trẻ một phòng riêng.
 

Một gia đình nhập cư nghèo có con đang điều trị miễn phí tại bệnh viện. T.A

Cậu tôi chứng kiến việc nhận con của ông bác sĩ này mà hoảng “Bộ ông tính lập đội bóng gia đình hay sao mà nhận lắm vậy? Tôi có 2 đưa con đã muốn khùng cái đầu thì không biết ông sẽ ra sao?”. Ông bác sĩ kia bình thản trả lời “Chúa dạy tôi chia sẻ những gì mình có với những người bất hạnh. Những đứa trẻ thiếu may mắn này xứng đáng được chăm sóc tử tế. Chúng giờ là con của vợ chồng tôi. Vất vả vì con mình thì cũng xứng đáng thôi có gì mà ngại”. Rồi ông bà chữa bệnh cho từng đứa, dạy dỗ, cho chúng đi học.

Đồng lương bác sĩ của ông tuy rất khá nhưng cũng không phải là nhiều để cáng 8 đứa trẻ kể cả con ông. Vợ chồng ông bắt đầu phải chi tiêu tằn tiện và mua đồ giảm giá và đồ cũ. Một lần ông dẫn các con đi mua hàng tại một cửa hàng tiết kiệm. Nhìn ông ăn mặc lôi thôi dẫn theo một bầy con lẵng nhắng như đàn vịt thì một phụ nữ đi mua hàng nghĩ ông là dân lang thang thiếu đói nên động lòng thương. Bà bảo “Trông ông vất vả quá mà các cháu chắc đói rồi. Hôm nay là lễ tạ ơn. Tôi xin phép mời ông và các cháu tới nhà tôi ăn tối được không?”. Ông bác sĩ đáp “Cám ơn chị đã có tấm lòng. Chúng tôi cũng có một mái nhà và lũ trẻ tối nay có kế hoạch ăn với mẹ chúng ở nhà rồi. Tôi là bác sĩ cũng kiểm đủ tiền nuôi con tuy phải tiết kiệm”.

Không chỉ ông bác sĩ là người có tấm lòng nhân ái mà cả người phụ nữ kia cũng vậy. Thử hỏi ai lại dám mời người lạ hoặc với một lũ con về nhà mình ăn tối nếu không phải là người vô cùng hảo tâm?

Câu chuyện thứ ba -  về một người xa lạ

 Cách đây ít lâu, bà chị của mợ tôi cùng ông chồng lái xe từ Las Vegas về Arizona. Thật không may xe ô tô của bà bị thủng lốp ở đoạn đường vắng đi ngang qua sa mạc. Hai vợ chồng già không có đồ nghề sửa xe nên lo sốt vó. Đang loay hoay không biết làm gì thì một chiếc xe đi tới. Thấy dấu hiệu yêu cầu giúp đỡ, người đàn ông chở con đi qua dừng lại. Ông lập tức lấy đồ nghề ra vá lốp hộ giữa trời nắng chang chang trong khi đứa con ngồi đợi trong xe. Thấy ông lấm lem, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn nhiệt tình như người thân, bà chị mợ tôi cảm động lắm. Lúc sửa lốp xong bà nói “Lời cám ơn của tôi có lẽ không đủ để đáp lại lòng tốt của ông. Tôi biết làm gì cho xứng đây?”. Người đàn ông lạ mặt cười “Chị hãy giúp đỡ những người khác như tôi đã giúp chị hôm nay. Đó là cách cám ơn tôi tốt nhất”. Những lời nói của người đàn ông này in đậm trong tâm trí của bà chị của mợ tôi và không ngừng thôi thúc bà làm việc thiện.

Sau khi ở Mỹ một thời gian, một ni sư người Việt ở California chứng kiến quá nhiều việc tốt khiến bà suy nghĩ. Bà tâm sự với mợ tôi “Hóa ra ở đây có rất nhiều người tâm phật con à mặc dù phần lớn họ không theo đạo Phật. Nước Mỹ được chúa phù hộ nên mới giàu mạnh và sinh ra nhiều người tốt đến thế”. Tôi nghĩ cũng có thể là như vậy nhưng cũng có khi là ngược lại. Nước Mỹ có nhiều người tốt tới thì chúa mới phù hộ cho họ giàu mạnh. Dù thế nào thì chắc chúa luôn ở bên họ. Có thể vì thế mà câu quen thuộc của người Mỹ kể cả các tổng thống Mỹ là “God bless America” (Chúa phù hộ cho nước Mỹ).
 
 “Ấn tượng mạnh nhất nước Mỹ để lại trong lòng tôi không phải là tiền bạc, trí tuệ hay công nghệ vốn là thế mạnh của họ. Điều ám ảnh tôi là lòng tốt của con người và nó làm tôi liên tưởng tới câu nói của ông Lưu Á Châu, trung tướng không quân Trung Quốc “Sức mạnh của người Mỹ nằm ở tinh thần và đạo đức”.
 
Theo Lưu Tuấn Anh (Dân Việt)