Lần nào bà cũng bảo cô Liên nhờ mua hộ cái nọ cái kia, nhưng tôi để ý thì thấy nàng rất ít khi thanh toán ngay cho mẹ tôi, có khi cả tháng sau mới sang trả tiền.
Cho đến một hôm, một cô nàng sang gõ cửa, tay cầm cuốn sổ rất to, tự giới thiệu là trưởng tầng, đến ghi tên và thông tin của cư dân mới. Tôi đọc tên, số điện thoại, nơi công tác theo đúng yêu cầu sau đó tiễn khách.
Thời gian đó tôi đang nghỉ sinh con nên ở nhà, thấy nhà tôi nhiều sách báo, nàng hay qua lại mượn về đọc và thường rất lâu sau mới trả. Ra vào nhiều lần nên cũng gần gũi hơn các hàng xóm khác. Có điều đặc biệt là nàng rất béo (nặng 80kg), da đen trũi, mặt mũi khó coi nhưng lại cực kì khéo mồm, nói năng ngọt ngào nhẹ nhàng đến con kiến trong lọ đường cũng phải bò ra.
Hết thời gian nghỉ sinh, mẹ tôi xuống trông con để tôi đi làm, về nhà thấy bà hay kể cô Liên (tên nàng) thường qua lại chơi với bà và con bé. Tôi thắc mắc sao cô ấy nhiều thời gian thế, mẹ tôi bảo: “Cô ấy khoe chồng làm ở ngân hàng lớn, lương tháng 60 triệu nên cho vợ ở nhà nội trợ với chăm con”.
Trông con cho tôi đến cuối tuần mẹ tôi lại tranh thủ về quê, mỗi lần xuống bà thường xách theo đủ thứ rau củ, thịt cá sạch để phục vụ “gái đẻ” ăn uống cho đảm bảo.
Lần nào bà cũng bảo cô Liên nhờ mua hộ cái nọ cái kia, nhưng tôi để ý thì thấy nàng rất ít khi thanh toán ngay cho mẹ tôi, có khi cả tháng sau mới sang trả tiền. Nàng lại rất hay sang xin, mượn những thứ lặt vặt như củ hành củ tỏi, chút mỡ gà nấu xôi gấc, máy xay thịt, xay hoa quả thì hầu như ngày nào cũng mượn rồi để luôn bên đó, đến khi tôi cần dùng phải sang tận nhà đòi mới chịu trả.
Ảnh: Hillsborokschamber |
Dịp gần tết, tôi hay buôn thêm món lạp sườn từ Lạng Sơn về bán cho các chị em trong cơ quan để kiếm thêm thu nhập, nàng ngon ngọt bảo tôi lấy thêm hàng để bán cho người quen.
Hàng gửi về, nàng cứ hồn nhiên lấy bán nhưng không bao giờ trả tiền gốc (mặc dù tôi chỉ lấy giúp chứ không ăn lãi) mà cứ om lại cả tháng trời. Hỏi thì ngại, vì cứ nhìn thấy mặt tôi là nàng cứ xoen xoét mai em gửi chị nhé, nhưng cứ đến “mai” là nàng lại có lí do nào đó để khất. Nào là đóng tiền học múa cho con mà chồng quên chưa đưa, nào là nộp tiền dịch vụ 6 tháng cuối năm nên chưa có gửi chị...
Một hôm vừa ăn cơm tối xong, nàng sang nhà tôi xán vào ngồi cạnh, giọng thủ thỉ rất tình cảm: “Chị ơi, mẹ em vừa gọi điện bảo gửi cho bà 5 triệu có việc gấp mà em mới có 3 triệu, thiếu 2 triệu nữa chị cho em mượn mấy hôm...”.
Nghĩ là mẹ nàng ở quê có việc gì khẩn nên tôi không ngần ngại rút ví đưa luôn tiền. Một tuần, hai tuần trôi qua không thấy nàng nói gì.
Đến tuần thứ ba, nàng sang với bộ mặt u sầu, bảo: “Chị ơi, em vừa bị sẩy thai...”. Tôi hốt hoảng: “Chết, thế giờ có sao không? Phải kiêng khem cho cẩn thận, một lần sa bằng ba lần đẻ đấy”. Chỉ đợi có thế, nàng thẽ thọt: “Vâng, cho nên em cũng phải bồi dưỡng thuốc thang chị ạ. Tiền của chị cho em khất lại vài hôm nhé”. Lúc này tôi mới chưng hửng, há miệng mắc quai rồi còn nói gì được nữa, đành đợi cái “vài hôm” của nàng.
Chờ mãi đến gần hai tháng không thấy động tĩnh gì, thực ra số tiền không lớn nhưng tôi rất bực thái độ vô trách nhiệm, thất hẹn liên tục đó, mà mở miệng ra đòi thì quá ngại.
Lúc này tôi đã giao lưu với nhiều hàng xóm khác, vì thấy họ cũng đều là những người tốt bụng, lịch sự và có ý thức. Cô Quế ngay cạnh nhà hay cho con sang chơi với con nhà tôi vì hai đứa sàn sàn tuổi nhau.
Hôm đó không biết nói chuyện gì đến tiền nong liên quan đến Liên, tự dưng tôi buột miệng: “Cô Liên cầm của mình 2 triệu hẹn mấy hôm trả mà hai tháng rồi chẳng nói năng gì". Cô Quế nhìn tôi phá lên cười: “Ha ha ha... Hóa ra chị cũng dính à? Ôi trời ơi, chị mới về nên không biết cả tầng này không ai dây dưa với Liên chuyện tiền bạc đâu. Vay khắp các nhà nhưng không bao giờ trả đúng hẹn. Có khi vay 1 triệu lại trả lẻ tẻ từng trăm một, nhiều người bực lắm nên cạch đến già luôn”.
Rồi Quế kể cho tôi biết nhiều chuyện khác: Cuối năm Liên hay kêu gọi cả tầng đi nhà hàng liên hoan, ăn xong chị Tú đứng ra thanh toán rồi về mọi người chia nhau ra để trả tiền cho chị ấy, nhưng nhà Liên thì mãi đến tận gần hết năm mới chịu trả, lần sau mọi người không dám rủ nữa.
Liên hay nhờ người nọ người kia về quê mua hộ thức ăn nhưng bao giờ cũng cân lại (nhà cô nàng có sẵn cái cân đĩa loại 2kg). Có lần bà Sáu mua thịt bò ở quê, cấp đông xong mới chở lên, Liên lấy về chờ rã đông đem ra cân lại thấy hụt mất 100gram nên nhất định chỉ trả tiền 9 lạng thịt thay vì 1kg. Bà Sáu ngậm ngùi bù lỗ vào số thịt bị rã đông theo nước đá và tự rút ra bài học không bao giờ mua hộ Liên cái gì cả.
Nghe Quế kể, tôi cứ há hốc miệng không thể tin nổi. Quế nói thêm: “Bọn em cũng thắc mắc là tại sao chị ấy khoe chồng làm ra nhiều tiền mà lại cứ suốt ngày đi vay mượn rồi chây ì không trả. Mà có khi còn mượn từ 50 nghìn để đi đổ xăng nữa cơ”.
Tôi chợt nhớ ra là mấy lần Liên rủ đi siêu thị thường hay dắt con đi cùng để con bé chọn một đống cặp tóc, nơ, bánh kẹo rồi ra quầy bảo tôi thanh toán một thể, nhưng sau đó không bao giờ trả tiền cho tôi. Số tiền không quá lớn, lại mua cho con bé nên tôi không tính toán gì, coi như mua quà cho cháu.
Nhưng giờ mới biết hầu như ai trong tầng này cũng bị vài vố như vậy. Chưa kể Liên sang chơi những nhà có trẻ con, cứ tùy tiện mở tủ lấy đồ ăn đưa cho con mình ăn và ngon ngọt bảo: “Em bé cho chị Quỳnh xin mấy cái nhé”. Nhiều người rất khó chịu nhưng không nỡ nói, vì miếng ăn đến miệng trẻ con không ai muốn mất vui.
Trở lại vụ buôn bán cuối năm của tôi, sau mấy chuyến hàng không thấy nàng ỏ ê gì đến chuyện trả vốn (mà tôi cứ phải ứng ra để trả trước cho chủ hàng), tôi buộc phải chọn lúc chồng nàng có nhà để sang nhắc, vì nàng luôn lấy lí do chồng chưa rút tiền về, hôm thì chồng quên ví ở cơ quan, hôm thì thẻ ATM bị lỗi.
Chồng nàng khá sượng sùng, bảo vợ: “Em lấy tiền gửi chị ấy đi chứ, để lâu thế ngại quá”. Nàng bảo tôi cứ về nhà, lát nữa sẽ sang thanh toán. Nhưng tôi chờ đến tận lúc con gái gắt ngủ vẫn không thấy, đành đóng cửa ru con ngủ.
Sáng hôm sau thì nàng biến mất, đến trưa tôi đành nhắn tin: “Liên làm ơn thanh toán tiền đúng hẹn giúp mình, sắp tết rồi mình cần gom tiền để về quê. Mình rất ngại nói nhiều đến chuyện tiền nong, Liên thông cảm cho”.
Đầu giờ chiều nàng về, hớt hải chạy sang vay Quế mấy triệu, nói dối là đưa con đi khám bệnh mà chồng chưa về kịp để đưa tiền, (vì nhà Quế sát nhà tôi nên nghe rõ những lời bịa đặt của nàng) rồi mang tiền đó sang trả cho tôi. Vừa đưa tiền nàng vừa chao chát thanh minh thanh nga: “Khiếp chị nhắn tin đòi tiền làm em ngại quá đi mất.
Chị em hàng xóm với nhau có chạy đi đâu được mà chị nói gay gắt thế, tối qua em sang thì chị đóng cửa rồi, sáng nay em có việc chạy ra ngoài nên chưa gửi được chị. Thôi lần sau em chả dám nhờ chị nữa đâu...”. Nàng cứ choang choác như thể tôi là kẻ ép người quá đáng, chỉ vì mấy triệu bạc mà đánh mất tình cảm láng giềng. Biết mình không đôi co được với kẻ mồm năm miệng mười như nàng nên tôi đành im lặng, đếm đủ tiền rồi đóng cửa lại.
Từ hôm đó tôi và nàng không trò chuyện mỗi khi giáp mặt nhau, y như hầu hết những người sống ở tầng nhà này. Tệ hại nhất là những lúc cần đóng góp quỹ gì đó của tổ dân phố, nàng là trưởng tầng nhưng không dám một mình đến nhà ai bảo đóng tiền mà phải có cả trưởng tòa đi cùng vì không ai tin nàng sẽ đem nộp đầy đủ.
Mọi người đều chán và sợ phải dây dưa với nàng, có nhà đã tìm cách bán rẻ căn hộ để chuyển đi nơi khác vì quá khó chịu mỗi lần ra vào phải nghe tiếng nàng, nhìn thân hình nàng. Nhưng có phải nhà nào cũng bán ngay được căn hộ mà đi nơi khác đâu...
Từ ngày em mở cửa hàng, các bà hàng xóm thường dẫn cháu sang ngồi điều hòa cho mát. Có bà còn mang theo cả cháo, cơm đút cho cháu ăn, rồi buổi trưa vô tư mượn gối "ngả giấc" ngay giữa quán.
Tôi lâu nay vẫn tâm niệm, mình cứ sống chân thật, hết lòng với mọi người thì sẽ có thêm những người bạn hàng xóm thân thiết. Hóa ra không phải vậy.
Độc giả Lê Nhi
Theo VietNamNet