Chúng tôi đã đợi Vân Anh hơn 7 tháng để thực hiện bài viết này. Bạn không thể tượng tưởng đằng sau cô gái 22 tuổi nhỏ bé ấy là cả một bầu trời nghị lực phi thường đến nhường nào đâu.
Vân Anh phát hiện ung thư máu chỉ 2 tháng trước khi kết thúc khóa học tại trường. Từ một cô gái có tất cả mọi thứ, bỗng chốc sau một lần xét nghiệm, Vân Anh tay trắng nhìn đời.
Còn nhớ tháng 8 năm ngoái, Vân Anh từng viết: "Mình vẫn còn nhiều ước mơ dang dở, vẫn chưa gặp được người thương mình cả đời, vẫn chưa được mặc váy cưới như mình từng mơ ước, vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ. Mình không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa nhưng với mình và cho cả các bạn, bài tập cuối cùng không có thời hạn...
Hãy sống thật hạnh phúc".
Được sự đồng ý của Vân Anh, chúng tôi xin phép chia sẻ lại toàn bộ hành trình hơn nửa năm qua, từ những khoảnh khắc nước mắt giàn giụa đến tháng ngày cứng cựa chống chọi với ung thư. Bạn sẽ thấy, một cô gái nhỏ nhắn, bề ngoài dạn dĩ tuổi đôi mươi, đã kiên cường tự viết lại cuộc đời mình như thế nào.
"Tại sao lại là em? Sao em khổ thế này?"
Chào các bạn, mình là Vân Anh, 22 tuổi. Hiện mình là sinh viên năm cuối ĐH Ngoại Thương, Khoa quản trị kinh doanh.
Theo mọi người đánh giá, mình là một người khá lạnh lùng, ít nói nếu chỉ tiếp xúc qua. Thật ra mình là một cô gái hơi... kì quặc, mình vừa có tính cách hướng nội lại vừa hướng ngoại. Nếu cho mình chọn một nơi thư giãn mình sẽ không thích chỗ ồn ào náo nhiệt, mình thích yên tĩnh, không thích giao tiếp quá nhiều. Trên hết mình xin tự nhận là một cô gái có cá tính rất... anh hùng.
Từ nhỏ mình đã kiếm ra tiền từ việc bán hòe, bán ngâu, bắt ốc, bắt ếch và được mọi người trong gia đình trêu là "Đại gia nhất nhà". Đó chỉ là nghịch ngợm thôi chứ bố mẹ nâng niu mình như cô công chúa nhỏ. Lên lớp 8 mình bắt đầu xa nhà và sống tự lập. Nhà mình lại ở quê, đó cũng là hành trang giúp mình mạnh mẽ chống chọi với sóng gió cuộc đời như vậy.
Đùng một cái, cuộc đời mình rẽ sang ngang sau xét nghiệm UNG THƯ!!!
Ngày 9/8/2018, mình được chẩn đoán ung thư sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Nhưng gia đình giấu không để mình biết.
Đến ngày 14/8/2018, mình chuyển lên Viện huyết học truyền máu Trung ương và bắt đầu nhận thức được sự thật. 21 năm sống trên đời trừ lúc bé chưa biết đến kim tiêm là gì, ngày đầu tiên sau thủ tục lấy máu trên tầng 7 Viện huyết học Hà Nội, mình bắt đầu dò hỏi. Đáp lời mình, một bác nói: Tầng này là bệnh bạch cầu hết cháu ạ".
"Bác nói luôn là máu trắng cho em nó dễ hiểu" - một anh khác đứng kế bên nói chen vào.
Mình bắt đầu tụt huyết áp, tay run run nhưng vẫn nghĩ là anh ý đùa, nên vài phút sau cũng quên tuột lời đùa định mệnh ấy. Sau một ngày một đêm vật lộn trong căn phòng gần 30 người cả bệnh nhân lẫn người thân, bác sĩ tên Ban vào nói với mình: "Em bảo người thân đến gặp bác sĩ tại phòng... Ngay bây giờ nhé!". Mình thề dù xem qua nhiều cảnh trong phim Hàn Quốc lắm rồi nhưng đây là cảnh bi kịch nhất cuộc đời mình.
Bố là người đi gặp bác sĩ, giây phút đợi chờ ông quay về dài hơn cả thế kỉ. Mình không thể quên hình ảnh bố đi thẳng qua căn phòng mình nằm, qua rèm cửa, bố khóc, mắt đỏ hoe.
Quay sang nhìn mẹ đang ngồi kế bên, mình bảo: "Bố đi gặp bác sĩ về rồi kìa mẹ".
3 phút sau, mẹ vừa đi vừa khóc. Ngồi xuống bên giường bệnh, mẹ cầm tay mình nói không nên lời. Khoảnh khắc đó mình đã nghĩ thầm trong bụng: "Vậy là hết, mình thật sự bị ung thư rồi. Trời ạ, cái quái gì đang xảy ra vậy. Thôi bình tĩnh, không được khóc, không được khóc".
Mẹ thông báo mình bị ung thư máu, cấp thể M2. Thú thật mình chẳng hiểu hay nghe rõ mẹ nói gì nữa. 30 con người giống như tiếng ve sầu bên tai, mình bước đi thẫn thờ khỏi phòng, loạng choạng ngoài hành lang, leo lên cầu thang tầng 8 gọi điện cho chị. Mình khóc "Tại sao lại là em? Ung thư máu là như thế nào? Sao em khổ thế này?" rồi tắt máy chạy vào nhà vệ sinh khóc.
Cho đến bây giờ mình vẫn không thể tin được là mình lạc quan đến vậy, tổng thời gian khóc lóc và buồn bã hoảng loạn của mình chỉ trong đúng một ngày. Mình khóc đúng 10 phút rồi gọi bố mẹ đi ăn cơm, mình vẫn nhớ bố vừa ăn vừa đỏ mắt nói: "Ăn đi con, con của bố mạnh mẽ mà, kệ nó, không sao cả".
Mình có quá nhiều điều tiếc nuối
Mình vẫn nhớ có đọc comment của rất nhiều bạn dưới bài báo về mình có nhan đề "Cô gái 21 tuổi ung thư máu thức tỉnh người trẻ hãy rời xa điện thoại và đừng thức khuya", rằng: "Nói vớ vẩn, vậy những người đi làm công việc bắt buộc phải thức khuya như tôi thì chết hết à?", "Tao nghịch điện thoại suốt có chết đâu?".
Hôm nay mình xin trả lời một cách chân thành và khoa học. Các bạn có thể sẽ không chết ngay nhưng chắc chắn sẽ mắc một căn bệnh nào đó đe dọa tới mạng sống. Trong cơ thể con người, hầu như ai cũng chứa mầm bệnh ung thư. Đó là những tế bào có khả năng rối loạ sẽ tùy từng cá nhân mới phát bệnh. Các bạn thức khuya, sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử, công nghệ quá nhiều, đặc biệt là sử dụng về đêm trong bóng tối. Các bạn lười vận động, ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn tràn lan trên thị trường hoặc ăn không đủ bữa. Tất cả đều đang tiệm cận tới ung thư, chỉ là chưa biết ngày nào sẽ phát tác.
Người ta vẫn hay nghĩ, ung thư là án tử, là cái chết. Mình cũng vậy thôi. Điều tiếc nuối nhất có lẽ là mình đã không dành thời gian tìm hiểu về khoa học ăn uống, về phật giáo và tham gia nhiều hơn các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng. Dĩ nhiên, ở cái giây phút sinh tử mình quá tiếc nuối vì đã không dành nhiều thời gian đi chơi với bố mẹ, gia đình nhiều hơn mặc dù mình là đứa con dành nhiều suy nghĩ cho gia đình.
Thời điểm đó, việc bắt xe về quê ăn cơm với bố mẹ, ông bà là điều thường xuyên. Một tháng đến 5, 6 lần vì mình luôn tâm niệm "Chẳng biết bố mẹ, ông bà có sống được 30 hay 50 năm nữa, vậy số lần gặp mặt họ chỉ đếm được trên đầu ngón tay". Nhưng mình không nghĩ là có một ngày, mọi người lại làm điều ngược lại đó với mình. Thật cay đắng và vô cùng đau khổ!
Mình còn chưa học xong, chưa tốt nghiệp, chưa được mặc bộ áo cử nhân hằng mơ ước.
Mình chưa được mặc váy cưới.
Mình không biết còn sống được bao lâu nữa, mình có quá nhiều điều tiếc nuối.
"Mọi người dậy truyền thuốc nào, bà Năm đã qua đời rồi..."
Để kể lại toàn bộ hành trình điều trị trong nửa năm có lẽ sẽ rất dài, nhưng có những khoảnh khắc mình ám ảnh mãi.
Mình còn nhớ như in, khung cảnh hỗn loạn tại căn phòng chờ, nơi la liệt bệnh nhân ung thư các loại về máu. Mình thuê giường gấp nằm dưới đất. Trời đất sẩm tối nhanh như một cơn gió. Các y tá bắt đầu tiêm truyền máu gấp cho mình. Chừng 3 phút sau, mình dị ứng tiểu cầu. Toàn bộ cơ thể, mặt mũi phồng rộp, đỏ ửng như con tôm luộc, các vết mề đay tràn lan trên người. Một tay cắm ống truyền, một tay mình ra sức gãi, nhưng vô tác dụng. Lúc ấy khoảng 11h đêm, cả phòng đã ngủ, mình vật lộn suốt một đêm dài trong sự đau đớn.
Hình ảnh nhiều người nằm la liệt, người thì cười khỏe mạnh, người thì ốm yếu khóc lóc, ai nấy đều bịt khẩu trang kín mặt, căn phòng không khác nào một nghĩa địa dành cho người sống. Ám ảnh nhất là một chị nằm cạnh giường mình. Đó là người yếu nhất trong 16 người ở phòng, không hiểu sao chị rất quý mình. Chị chia sẻ về cuộc sống đang hạnh phúc, có chồng và 2 con thơ, chị không muốn chết nhưng nằm trước mặt mình là người phụ nữ gầy còm ốm yếu, thều thào câu được câu chăng. Nhiều lúc bác sĩ vào hỏi thăm chị không thể mở miệng trả lời, nằm bất động và khóc. Đó là sự chứng kiến cái chết đang tiến gần đầu tiên xảy ra ngay trước mắt mình, không biết bây giờ chị còn sống không nữa. Bệnh nhân ngày một đông, mình được chuyển sang phòng khác. Lần này, mình nằm sát giường bà Tâm và Năm, đều khoảng 60 tuổi.
Ở bệnh viện, người ta nói về cái chết quá vô thường. Bởi hôm nay người này ra đi, hôm sau có biết khi nào lại đến lượt mình?
Một hôm, bà Tâm co giật, rét run cầm cập. Mọi người phủ hàng tầng chăn dày lên người nhưng bà vẫn co giật liên tục. Mình sốc và bàng hoàng quá, cả 21 năm sống, mình chưa bao giờ chứng kiến những cảnh tượng cận tử khủng khiếp như vậy. Mình như chôn chân xuống đất. Các y tá bắt đầu vào, khoảnh khắc 5, 6 anh chị kéo giường bà Tâm chạy xồng ộc qua mình, máy trợ thở hòa với tiếng khóc lóc ầm vang của người nhà.
Mình vào nhà vệ sinh cố rửa mặt để tỉnh táo và nói thầm "Không sao đâu, mày phải bình tĩnh". Và rồi, không bao giờ mình thấy bà Tâm quay lại nữa.
Ngày hôm sau, tầm 23h, bà Năm cũng bắt đầu sốt rét, co giật. Cả phòng đang ngủ lại tức tốc dậy, mặt ai nấy đều sợ hãi, đặc biệt là mình. Lại điệp khúc kéo giường, mọi người chìm dần vào giấc ngủ trong sự hoang mang tột độ. Đến tầm 6h sáng căn phòng tối om tự nhiên sáng đèn, một tiếng người thông báo: "Mọi người dậy truyền thuốc nào, bà Năm đã qua đời rồi...".
Mình tỉnh dậy, sợ hãi xen lẫn sững sờ. Vậy là chỉ còn mỗi mình nằm giữa 2 chiếc giường không người? Lúc ấy mình thực sự đã khóc, ôm con gấu bông được tặng. Mình thầm nghĩ về một kết cục không mấy nhẹ nhàng.
Có những ngày, mình thầm cầu xin ông trời được giải thoát!
Khi truyền hóa chất, mình bị rất nhiều tác dụng phụ, đó là điều hiển nhiên của bệnh nhân ung thư.
Mình nhớ, lần đầu truyền hóa chất, khi đang tắm dưới vòi hoa sen, mình thấy nước tắm có mùi tanh và không giống nước thông thường. Để ý kĩ một chút nữa, mình nhận ra mũi đang chảy máu ồ ạt. Hóa ra mình tắm nãy giờ toàn nước với máu trộn lẫn nhau. Mình cố trấn an bản thân, rút vội khăn tắm bịt mũi và ngẩng cổ về phía trước. Một lúc sau, máu đông lại.
Chuỗi ngày thảm hại nhất đời mình bắt đầu.
Mình ho khạc ra máu, đau họng nghiêm trọng. Lần bị đau dạ dày, mình vật lộn trên giường đến mức không còn sức để kêu, bố mẹ chạy loạn lên gọi bác sĩ. Mình chỉ lờ mờ thấy bố mẹ mắt đỏ hoe, bác sĩ nhấn bụng hỏi nhưng mình không thể trả lời. Giây phút đó mình đã nghĩ rằng mình sẽ chết, mình đã cảm nhận được khoảnh khắc chia ly thực sự, cố gắng nhìn bố mẹ lờ mờ như lời chào cuối, thật sự rất buồn. Cho đến bây giờ, hệ lụy của cơn đau đó vẫn còn khiến mình chướng bụng.
Hành trình cận tử, mình cảm nhận về cái chết sau đó rất nhiều. Hóa chất khiến mình lả đi, thiếp dần. Nó giống như một loại axit đang cố gắng ăn mòn ruột của bạn. Một ngày 3 lần, mỗi lần truyền hóa chất từ 6h sáng hôm nay đến tận 3h sáng hôm sau, mình gần như không được ngủ và thậm chí không đủ sức để kêu.
Quãng thời gian mà cái chết gần kề mình đã tự nhủ rằng không thể chết một cách vô ích như vậy. Mình không muốn quên đi một gia đình hạnh phúc, không muốn quên đi đã từng có người bố, người mẹ tuyệt vời, người chị sinh tử có nhau... Mình đã dùng hết sức bình sinh ngồi dậy nhờ mẹ thông táo bón. Khi thuốc kích vào người tạo nên một cơn đau thắt dữ dội khiến mình quỳ xuống sàn nhà vệ sinh ôm bụng. Để có thể sống sót, mình phải ăn bất chấp kể cả khi buồn nôn. Mình bịt mũi, vừa ăn vừa khóc.
Các bạn cứ tưởng tượng một cơ thể vừa buốt tủy lưng, vừa đau đầu, đau bụng, buồn nôn, táo bón, sưng lợi, mọc răng số 8 phải ngồi ăn cơm nó như thế nào. Cảnh tượng đó đã diễn ra suốt nửa năm trong sự chống chọi điên cuồng giành giật sự sống. Đã có những ngày ngồi lặng lẽ bên ô cửa sổ tầng 8, cầm viên thuốc giảm đau trong tay, mồ hôi toát ra nhễ nhại sau một ngày vật lộn, mình thầm cầu xin ông trời được giải thoát!
Nhưng rồi lại cố gắng tiếp tục, có thể chết không khi mà mình đã cố gắng rất nhiều để lạc quan nghĩ mình là người đặc biệt nhất?
Không ai nói với ai, nhưng tất cả đều cảm nhận được sự biệt ly luôn thường trực
Mình vẫn nhớ câu nói của một người bạn, rằng "Mọi bệnh nhân ung thư đều lạc quan cho đến khi họ đứng trước cái chết", và mình cũng không ngoại lệ.
Không ít lần đứng trước cái chết, khoảnh khắc đó mình đã không còn có thể lạc quan được nữa. Thậm chí mình còn cố gắng cầm điện thoại nhắn tin mọi mật khẩu từ số tài khoản ngân hàng, Facebook, Zalo... cho chị gái và dặn kĩ chị phải ghi nhớ. Có lẽ giây phút ấy, mình đã làm chị đau lòng.
Mình vào Facebook đặt liên hệ thừa kế cho chị. Đến bây giờ Facebook nhắc lại quyền thừa kế, mình thấy hài hước quá. Đó là lúc mình đang cố gắng làm tất cả trước khi rời đi.
Ngoài sự bi quan đó, chuỗi ngày lạc quan vô lo vô nghĩ của mình đã hoàn toàn chấm dứt vào lần cuối cùng điều trị. Trong một ngày không mấy đẹp trời, khi vừa đặt bát cháo sáng lên bàn, mở điện thoại thì tin đầu tiên đập vào mắt mình là thông báo một người anh rất thân từng nằm cùng phòng với mình, vừa qua đời. Đó có lẽ là khoảnh khắc sốc nhất cuộc đời mình, chỉ mới hôm qua anh còn ngồi đó, bên cạnh mình cười nói vui vẻ kể chuyện, thi thoảng khỏe lại rủ mình đi chơi. Anh mắc ung thư máu dòng L2 đã kháng thuốc vào đợt 3 và dừng đánh hóa chất. Cuộc nói chuyện cuối cùng anh đã yếu nhưng sau trao đổi về phương pháp điều trị khác, trong ánh mắt anh, mình đã tin rằng qua Tết anh sẽ lên đánh hóa chất tiếp và chưa từng nghĩ anh có thể rời đi nhanh đến vậy.
Từ ngày đó mình trở nên lầm lì và buông thả cảm xúc, không còn lẩm bẩm "Không được khóc" nữa. Mình nhắn tin trong điên loạn xin lại tấm ảnh ở viện của anh. Giờ đây, anh chỉ còn lại trong những bức ảnh và trí nhớ của mình. Đó cũng là lần mình yếu thậm tệ, sụt 5 cân và không ăn uống gì ngoài rau. Hôm nay chia sẻ với các bạn cũng vừa tròn 49 ngày anh mất. Mình thật sự đã không hề khóc lóc hay suy nghĩ quá nhiều về căn bệnh trong một khoảng thời gian dài cho đến ngày anh mất.
Các bạn à, hãy dành thời gian gặp người bạn yêu quý đi, trước khi người đó chưa biến mất mãi mãi trên cõi đời này.
Quãng thời gian chiến đấu với ung thư, những người luôn bên cạnh động viên an ủi mình nhất là bố mẹ, chị gái, ông nội, cô ruột và một người bác. Mỗi lần bước lên xe đi Hà Nội điều trị là mỗi lần không ai nói với ai, nhưng tất cả đều cảm nhận được sự biệt ly luôn thường trực. Mình quay đầu ngoái nhìn lại, bóng dáng ông nội và cô đứng thẫn thờ nhìn theo xe khuất dần, nó giống như những kí ức cuối cùng vậy.
Một người bác thân yêu đã luôn bên cạnh động viên và chia sẻ, cũng chính bác là người đưa mình tiếp nhận tri thức đạo phật, giúp mình lạc quan đến vậy kể cả trong giờ phút sinh tử. Bác từng nói với mình: "Nếu như con từ bỏ sự sống thì cũng được thôi nhưng thật tiếc là con sẽ từ bỏ mất một người rất thấu hiểu, chia sẻ với con, một con đường và một tương lai tươi sáng phía trước đang chờ con". Sau, mình tỉnh hẳn dậy, nhìn qua cửa sổ và tiếp tục hô thầm "Được thôi, nhất định phải chiến thắng" và mình đã sống. Bác xuất hiện như một vì sao và biến mất như một ông bụt hiền hòa vẫy tay chào tạm biệt khi mình đã khỏi bệnh và vững bước. Giờ đây bác chỉ còn trong trí nhớ và trái tim của mình thôi, một người thầy đáng kính!
Nói về gia đình mình, bố mẹ đang làm quán kinh doanh rất ổn tại cổng viện Thái Bình. Ngày mình phát bệnh sau đúng 3 ngày, bố mẹ bán hết đồ đạc và trả cửa hàng vì không còn tâm trạng làm việc. Mặc ai khuyên, một người lên chăm thôi còn cửa hàng để lại làm ăn, bố mẹ cũng không nghe, bán hết.
Quãng thời gian nửa năm hóa chất khiến mình thay đổi tính cách, hay cáu gắt, nhưng phải nói mẹ là một người cực kì nhẫn nhịn, thậm chí mẹ còn cười và nhẹ nhàng chuyển chủ đề. Có những ngày mình thèm ăn lúc nửa đêm, bố đi bộ hơn 2 cây số mua đồ ăn mà mình cứ thấp thỏm chờ bố về vì sợ xe cộ Hà Nội đêm hôm nguy hiểm. Bố vẫn đi, bất kỳ lúc nào. Mình cần gì sẽ đều có ngay lập tức. Viết đến đây mình cảm thấy thật bất hiếu vì chẳng làm được gì cho bố mẹ mà lại để họ trông nom đứa con ốm yếu tội nghiệp này.
Phải khẳng định rằng nếu không có bố mẹ tuyệt vời như vậy mình có lẽ đã chết từ lâu rồi, hơn nữa mình có một người chị gái đã cùng mình trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Chị mình rất mạnh mẽ vậy mà ngày mình bị bệnh, hai chị em ngồi trên cầu thang im lặng khóc. Chúng mình đã đùm bọc nhau sống một cuộc đời hoàn mỹ.
Sau cùng, mình xin gửi lời cảm ơn tới thầy cô, bạn bè trường Đại học Ngoại thương - nơi mình theo học, các bạn sinh viên Luật, Kinh tế quốc dân đã luôn bên cạnh dõi theo từng bước chân của mình trong suốt 6 tháng qua.
Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai
Mình chính thức lùi bệnh hoàn toàn sau 6 tháng điều trị.
Các bạn thân mến, trọn cuộc đời, chưa lúc nào mình sống trọng vẹn như bây giờ. Đêm hôm trước đợi chờ kết quả vô cùng căng thẳng, khi một vài chỉ số không tốt. Nay cầm tờ giấy xuất viện trên tay mình không khỏi xúc động. Vậy là tử vận và kế hoạch của thiên đình đã trôi qua một cách khác rồi. Phép màu đã linh nhiệm.
Mình hiện có rất nhiều kế hoạch nhưng cũng giống như một chú khỉ vừa bị vứt từ cũi sắt trở lại rừng, mọi bước đi đều đang trong quá trình được xây dựng lại và sắp xếp một cách có chủ đích. Tốt nghiệp Ngoại thương là một điều tất yếu mình sẽ làm để hoàn thành nốt chặng đường mình đã đổ công sức học tập suốt 4 năm qua, nhưng kế hoạch quan trọng với mình bây giờ có lẽ sẽ không giống những người bình thường khác.
Trước đây mình đã từng đặt rất nhiều mục tiêu cho tương lai, hầu hết với mục đích kiếm tiền và thành đạt nhưng ngày hôm nay khi thoát khỏi tử thần, mình cần thay đổi một chút. Mình có cái nhìn khác về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ "Tiền nhiều để làm gì?" cũng là kế hoạch cho chặng đường còn lại trong cuộc đời đặc biệt của mình. Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này hộ mình.
Lời sau cùng, mình xin gửi sự đồng cảm sâu sắc tới các bệnh nhân ung thư nói riêng và các bệnh nhân đang mắc các chứng bệnh nan y, những người đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật nói chung. Mình có thể cảm nhận được những nỗi đau mà các bạn đã và đang trải qua. Mình chỉ muốn nói rằng, ung thư không phải là dấu chấm hết, nó đơn giản là một căn bệnh của quá trình tiến hóa "nghèo quan tâm" đến cuộc sống của cá nhân. Chúng ta bị bệnh vì đã không yêu thương và trân trọng cơ thể của mình, chỉ cần các bạn quay lại nâng niu và bảo vệ nó, các bạn sẽ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Đối với những người may mắn được sống trọn kiếp người, mình mong mọi người sẽ dành nhiều thời gian quan tâm đến cơ thể của mình, lắng nghe và tìm hiểu về chúng, dành thời gian ở bên bố mẹ, gia đình nhiều hơn, những điều nhỏ nhặt mà biết bao bệnh nhân đang ngày đêm khao khát có được.
Thế giới này không phải là công xưởng sản xuất điều ước nhưng lại sinh ra những con người có đủ khả năng để đấu tranh với số mệnh của cuộc đời. Hãy nhớ rằng, dù điều gì có xảy ra thì từ bỏ lúc này vẫn là quá sớm. Khi bạn không coi bệnh tật là một vật kiểm soát thì nó chắc chắn sẽ không thể kiểm soát bạn nữa, chính bạn đã thoát khỏi tử vận và kế hoạch của thiên đình rồi.
Nỗi sợ hãi của bệnh nhân ung thư là sợ bị rơi vào quên lãng, sợ phải bước đi trên con đường đến thế giới khác một mình. Vậy bạn hãy nhớ, sẽ đến một thời điểm mà không còn người nào sống và nhớ xem ai đã từng hiện diện trên cõi đời này. Tất cả mọi thứ đều trở về con số không tròn trĩnh. Có thể thời điểm đó sẽ đến sớm hay muộn, nhưng dù bạn có may mắn sống sót thì cũng không sống mãi được, ai rồi cũng phải chết chỉ khác nhau rằng ai đã từng sống có ý nghĩa hơn ai. Và nếu như việc bị lãng quên hay sợ hãi làm bạn lo lắng thì mình khuyên chân thành hãy quên nó đi và lạc quan đến hơi thở cuối cùng, đó mới là điều ý nghĩa.
Một lúc nào đó những nỗi đau này sẽ trở nên hữu dụng, bạn sẽ bình thản thấy mình như đang đứng ngoài quan sát nỗi đau của chính mình.
Sau tất cả, nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)