Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao lại quyên góp áo dài mà không phải tiền bạc, quần áo, nhu yếu phẩm... gửi cho người dân vùng lũ lụt miền Trung sau khi họ vừa trải qua 5 cơn bão liên tiếp. Tuy nhiên cái gì cũng có lý do riêng, chẳng phải bỗng dưng nhóm thiện nguyện "Vì ta cần nhau" lại kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước để gom 10.000 chiếc áo dài gửi về miền Trung thương yêu.
Câu chuyện "10.000 chiếc áo dài" bắt đầu khi cô Đặng Kim Oanh, sống tại Phan Thiết (Bình Thuận) dọn dẹp tủ quần áo và tìm thấy vài bộ áo dài của mình cất trong góc. Bỏ đi thì phí, mà giữ lại thì cũng chẳng có dịp nào để mặc, cô Oanh đã nảy ra ý định quyên góp áo dài làm quà tặng cho các cô giáo miền Trung ở vùng bão lũ.
Nghĩ là làm, cô Oanh cùng với những người bạn trong nhóm từ thiện "Vì ta cần nhau" đã chuẩn bị rất nhiều thứ như quần áo trẻ em, người lớn, sách vở, đồ ăn... và những bộ áo dài làm quà cho riêng chị em phụ nữ.
Ngày đầu tiên kêu gọi quyên góp, cô Oanh đã nhận được hơn 100 bộ áo dài, sau 3 ngày thì số lượng tăng lên gấp 8, khiến cô vừa bất ngờ vừa thấy vui. Đến nay thì cô đã nhận được hàng nghìn chiếc áo dài từ khắp đất nước gửi về.
"Đem quà ra miền Trung tặng mà người ta mừng lắm, các cô giáo ở vùng lũ lụt được nhận đầu tiên, sau đó thì nhiều người dân cũng ngỏ ý xin áo dài để đi đám cưới, đi lễ. Tôi không nghĩ là bà con lại cần áo dài nhiều như thế, nên khi quay về Phan Thiết tôi đã bàn với mọi người trong nhóm để làm chiến dịch từ thiện "Áo dài 0 đồng", mỗi người phụ trách gom áo ở các khu vực khác nhau như Sài Gòn, Hà Nội rồi đóng gói cẩn thận gửi đến các tỉnh miền Trung cho chị em phụ nữ".
Trong chuyến đi đầu tiên ra miền Trung, cô Oanh đã được nghe rất nhiều lời tâm sự tha thiết như "Gần 20/11 mà cô giáo không có cái áo dài nào", "Bà con tụi tui đi lễ nhà thờ rất muốn có cái áo dài", "Tui muốn có một cái áo dài để đi đám cưới".... Thậm chí có những người bà người mẹ cả đời chưa 1 lần được chạm vào tà áo dài truyền thống, khiến nhóm thiện nguyện của cô Kim Oanh và bạn bè có thêm động lực để gom đủ 10.000 chiếc áo dài.
Cô Oanh tiết lộ thêm rằng ngoài việc đứng ra nhận quyên góp áo dài, nhóm cô sẽ bán thêm 1 tập truyện ngắn và tặng hết số tiền bán sách để ủng hộ đồng bào miền Trung. "Năm trước, cuốn sách bán được trên 300 triệu và được tặng hết để xây trường cho trẻ em vùng cao. Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục bán để gây quỹ dành tặng người dân khắc phục hậu quả bão lũ".
Trong thời gian ngắn ngủi thu gom áo dài, cô Oanh đã gặp rất nhiều người gửi có tâm khiến cô xúc động. Ví dụ như hội phụ nữ ở huyện đảo Phú Quý, dù chẳng giàu có gì nhưng họ vẫn gửi tận 434 bộ áo dài, có những bộ mới tinh chưa từng mặc, kèm theo ghi chú chiều cao cân nặng từng bộ rất cẩn thận.
Bên trong mỗi túi đựng áo dài lại có những tấm thiệp rất dễ thương, ghi vài lời giản dị như "Chúc các cô mặc đẹp", dặn dò rằng "Áo này làm bằng lụa, tơ nên hãy chú ý khi giặt"... Rồi có cả những lời nhắn nhủ chân thành như "Xin lỗi các cô, vẫn còn nhiều áo chưa đẹp, nhiều bộ cọc cạch thừa áo thiếu quần… nhưng mong mọi người hãy nhận và phản hồi thêm cho nhóm thiện nguyện biết".
Quá trình gói tặng áo dài cũng khá vất vả. Nhóm của cô Oanh ít người nhưng phải khuân vác, phân loại size, sắp xếp hàng nghìn bộ áo dài một cách thủ công. Tuy nhiên, rất may là có thêm nhiều cô bác lớn tuổi đến tình nguyện giặt đồ, phơi đồ, giúp đỡ sắp xếp… nên công việc được hoàn thành nhanh hơn.
Dip vừa rồi, nhóm thiện nguyện của cô Kim Oanh đã lên biên giới Việt Lào, tặng cả nghìn chiếc áo dài cho nhiều giáo dân bị lũ lụt trôi hết quần áo. Ngoài ra, họ còn ghé thăm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị... để gửi thêm đồ ủng hộ bà con.
Có nhiều kỉ niệm vui, nhưng ý nghĩa nhất với nhóm cô Oanh là nụ cười của các chị em khi được nhận áo dài. "Những người phụ nữ ở Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thử và mặc áo dài do các cô giáo ở Bình Thuận gửi ra. Nhìn họ tươi cười mà mình rưng rưng. Không chỉ có áo dài bình thường, chúng tôi cũng tặng vài chục bộ áo dài cưới xinh đẹp để các cô gái trẻ ở vùng sâu vùng xa được mặc miễn phí.
Áo dài cưới vốn rất đắt nhưng chỉ mặc 1 lần dù đi mua hay thuê, nhiều cô dâu nhà nghèo không có kinh phí, nên chúng tôi gửi về hội phụ nữ địa phương để ai có nhu cầu đều có thể đến mượn".
Dù mới bắt đầu chiến dịch "Áo dài 0 đồng" chưa lâu, nhưng nhóm của cô Kim Oanh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, người dân miền Trung còn gọi điện liên tục để xin thêm. Nhóm quyết tâm sẽ hoàn thành mục tiêu tặng đủ áo dài cho các cô giáo ở những nơi khó khăn do bão lũ vừa qua như Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Tuyên Hóa, Quảng Ngãi... trước ngày 20/11, để các cô giáo có áo dài đẹp mặc trong ngày ý nghĩa dành riêng cho nghề giáo.
Có thể những bộ áo dài từ thiện này không có giá trị vật chất gì nhiều, nhưng mỗi chiếc áo đều mang ý nghĩa tốt lành và mang đến niềm vui hiếm hoi cho hàng nghìn phụ nữ vùng quê miền Trung.
Theo Lynk (Pháp luật & Bạn đọc)