Nỗi lo gạch, dao rơi xuống khi sống ở chung cư

26/12/2018 22:45:13

Không chỉ túi rác, bịch bỉm bị vứt xuống sân chung cư Hà Nội, TPHCM..., mà cả những thanh sắt, dao, thớt đã rơi xuống.

Chiều tối 25/12, một bé trai 3 tuổi chơi dưới sân chung cư Lotus House TP Vinh (Nghệ An) bị một mảnh vữa từ tầng thượng chung cư rơi xuống khiến em tử vong. Vụ việc đau lòng vẫn chưa xác định được là do vô tình hay cố ý. 

Đây không phải là lần đầu tiên những "vật thể bay" gây tai nạn hoặc gây lo ngại cho cư dân chung cư. Giữa tháng 8 vừa qua, một thùng sơn chứa vôi vữa rơi từ cao xuống với lực rất mạnh, xuyên qua mái tôn một nhà hàng ăn tầng trệt ở chung cư 41 tầng thuộc Hoàng Mai (Hà Nội). Rất may không trúng vào ai. 

Trước đó một năm cũng tại chung cư này, "vật thể bay" cũng đã trở thành giai thoại khiến nhiều người kinh sợ. Đó là một con dao inox cỡ lớn và chiếc thớt nặng gần 5kg rơi xuống dưới sân chung cư. Dao và thớt sau đó được xác định là của một hộ dân trên tầng 11.

Nỗi lo gạch, dao rơi xuống khi sống ở chung cư
Bỉm bẩn, chổi, ca cốc, thậm chí dao kéo đã được ghi nhận rơi xuống tại nhiều chung cư cả ở Hà Nội, TP HCM...

Tình huống tương tự cũng xuất hiện ở một chung cư tại quận Bình Thạnh (TP HCM) vào tháng 2 vừa qua. Một người dân đã chia sẻ khoảnh khắc thót tim khi hai con dao rơi vèo ngay trước mặt.

Trên các diễn đàn, nhiều cư dân chia sẻ "vật thể bay" là một trong những nỗi bất an lớn nhất khi sống ở chung cư. Đó không chỉ là bỉm, băng vệ sinh mà còn là những vật có thể gây chết người như chai thủy tinh, thanh sắt, chậu cây, gạch, vữa, dao thớt...

"Điểm lại thì chung cư nhà chúng ta cũng có rất nhiều vật rơi, bát, chổi lau nhà, chai thuỷ tinh, thanh sắt... đều là những vật có thể gây tử vong, may mắn là chưa trúng vào đầu như em bé xấu số kia. Cá nhân tôi cảm thấy rất bất an khi đi xung quanh toà nhà và rất hạn chế đi. Nếu làm mái che, bạn sẽ thấy sau một năm sẽ có những gì nằm lại trên mái", một cư dân ở một tòa chung cư tại Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ sau vụ việc bé trai Nghệ An bị vữa rơi trúng.

Lo lắng cho sự an toàn của mình, người dân tại một số khu chung cư đưa ra một số giải pháp, trong đó hai giải pháp được bàn đến nhiều nhất là lắp camera an ninh để phát hiện người ném đồ và lắp mái che.

Nỗi lo gạch, dao rơi xuống khi sống ở chung cư - 1
Vụ việc em bé bị vật thể rơi trúng gây tử vong đang khiến người dân ở nhiều khu chung cư lo lắng và bàn cách bảo vệ mình. 

Trước tình trạng vứt rác bừa bãi, từ tháng 2/2017, Hà Nội đã áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) chia sẻ, năm ngoái anh tư vấn cho một trường hợp bị ngã chấn thương do đang đi xe máy thì trượt vào chiếc vỏ chuối bị ném ra đường. Người ném vỏ chuối đã phải chịu toàn bộ chi phí thuốc thang khi người kia đi viện. 

Anh Hưng Giáp, thành viên ban quản trị một khu chung cư tại Hoài Đức, Hà Nội cho biết, sau hơn một năm cư dân về ở, tại đây nhiều lần xảy ra tình trạng rơi, ném đồ từ trên cao xuống. "Ban quản trị vừa được thành lập một tuần nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ phải đề ra các quy định và chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp làm rơi, ném đồ từ trên cao xuống để hạn chế việc gây ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm cho người khác", anh Giáp nói.

Một cán bộ thanh tra xây dựng Hà Nội cho biết, hiện trạng người dân các khu chung cư ném hoặc làm rơi đồ từ trên cao xuống khá phổ biến. Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã ghi rõ hành vi bị nghiêm cấm là "ném bất cứ vật gì từ cửa sổ, ban công của căn hộ". Việc xử lý các hành vi này cũng được ghi rõ, nhưng việc thực hiện tới đâu lại liên quan tới ý thức của người dân và trách nhiệm nhắc nhở, xử lý của các ban quản trị tòa nhà.

Ông cho biết, việc cư dân lắp lưới, mái che... nhằm hạn chế tình trạng này là không được phép vì vi phạm trật tự xây dựng.

Tại các nước trên thế giới, nhiều biện pháp đã được triển khai xử phạt vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Cơ quan chức năng của Đức xử phạt chủ yếu dựa vào hình ảnh ghi lại từ các camera được bố trí dày đặc trên tuyến phố, khu dân cư, đồng thời sử dụng tin báo từ người dân.

Ở Nhật Bản, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị sẽ bị xử rất nặng. Nhật còn cho phép chụp ảnh người làm xấu bộ mặt đô thị rồi dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo.

Trong khi đó, Singapore ngoài lắp camera giám sát còn huy động đội ngũ tình nguyện viên để ngăn chặn việc xả rác. Mức phạt ở nước này thường tăng lũy tiến theo số lần vi phạm. Hong Kong còn phân tích ADN từ mẩu rác của người vứt, từ đó phác thảo chân dung rồi dán khắp phố để thông báo về người đã xả rác bừa bãi.

Theo Phan Dương - Minh Thùy (VnExpress.net)

Nổi bật