Giống như ở Việt Nam, các gia đình Malaysia cũng đang quây quần, tụ họp, ăn mừng Tết nguyên đán. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có cơ hội được ở bên những người thân yêu của mình trong ngày đầu năm mới.
Theo Asiaone, TC Lam, cụ ông 91 tuổi, sống trong viện dưỡng lão ở ngoại ô Kuala Lumpur, phải đón Tết cùng với những người bạn già khác khi gia đình không ai liên lạc.
"Tôi muốn về nhà. Khi tôi ở với con trai và vợ, họ chỉ biết mắng mỏ, phàn nàn về tôi. Tôi đã già yếu và quên nhiều thứ nên khiến họ khó chịu. Có một ngày họ bỏ tôi ở nhà và biến mất trong vòng 3 ngày. Sau đó tôi mới biết họ đi du lịch. Không ai nói cho tôi biết và không ai trò chuyện với tôi", ông Lam buồn bã nói.
Ông đồng ý vào đây nhưng không mong gia đình cắt đứt liên lạc với mình. Vậy nhưng 8 tháng nay, ông không có tin tức gì về họ. Những ngày đầu năm mới, ông cũng không nhận được bất cứ cuộc gọi nào.
Câu chuyện của ông Lam không phải là trường hợp cá biệt ở Malaysia. Các chuyên gia cho biết hiện tượng lạm dụng và bỏ bê người cao tuổi dần trở nên phổ biến tại quốc gia này.
Dù không có số liệu chính thức, các nghiên cứu về chương trình Ngăn chặn bạo hành và lạm dụng người cao tuổi Malaysia cho biết cứ 20 người lại có một người bị lạm dụng ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này ở đô thị xấp xỉ 1/10. Lạm dụng tài chính phổ biến nhất ở khu vực nông thôn, trong khi ở thành thị lạm dụng tâm lý phổ biến hơn cả.
Richard See, một người đàn ông làm bất động sản, cho biết nhiều người trẻ hiện nay phải lo công việc vì chi phí sinh hoạt quá cao nên họ không có thời gian chăm sóc cho cha mẹ già.
"Chi phí sinh hoạt quá cao, một người làm việc không đủ để trả nợ xe hơi, tiền mua nhà và tiền học cho con cái. Vì vậy, mọi người trong gia đình đều phải làm việc. Nếu bạn giữ cha mẹ lớn tuổi ở nhà, ai có thể chăm sóc họ? Thế nên nhiều đứa con không còn cách nào khác là đưa cha mẹ mình tới những nhà dưỡng lão tốt", Richard See nói.
Tuy nhiên, See cho biết, có không ít những đứa con cố tình đưa các đấng sinh thành đau ốm, già yếu vào các trung tâm dành cho người già, vì không muốn gánh vác trách nhiệm. "Những trường hợp như thế này chính là dạng bỏ bê, ngược đãi cha mẹ. Đó là một trong những điều đau lòng nhất", See nói.
Nhu cầu về các cơ sở dưỡng lão ngày càng tăng cao ở Malaysia khi dân số ngày càng già và mọi người ngày càng làm việc nhiều hơn. Dù các cơ sở đã được cải thiện và mở rộng, tổ chức các hoạt động cho người cao tuổi để không bị trầm cảm, các chuyên gia cho biết điều quan trọng nhất vẫn là gia đình cần giữ mối liên hệ với cha mẹ của mình.
"Nhiều người đã bỏ rơi cha mẹ, họ thậm chí còn không đến thăm. Một số người có trình độ học vấn cao, lương cao nhưng họ còn không thèm gọi điện kiểm tra tình hình sức khỏe của cha mẹ. Một cụ bà 98 tuổi mà chúng tôi chăm sóc đều khóc mỗi ngày khi một năm nay không ai trong gia đình gọi cho cụ. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại có thể làm như vậy", một nhân viên trong viện dưỡng lão cho hay.
Theo Mộc Miên (VnExpress.net)