Niềm hạnh phúc của người cha ăn xin tích cóp tiền 2 năm để mua váy mới tặng con gái

20/04/2017 09:06:00

Người cha khuyết tật ngày ngày kiếm sống bằng cách ngồi xin tiền trên phố và sau 2 năm dành dụm, cuối cùng anh cũng có thể mua tặng con gái một chiếc váy mới.

 

Người cha khuyết tật ngày ngày kiếm sống bằng cách ngồi xin tiền trên phố và sau 2 năm dành dụm, cuối cùng anh cũng có thể mua tặng con gái một chiếc váy mới.

Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, niềm hạnh phúc nhất trên đời là được cha mẹ ban cho một sinh mệnh? Bên cạnh tấm lòng như "biển cả" của mẹ, còn có cánh tay "vững chắc" và đôi vai "to rộng" của cha. Dù có nghiêm khắc đến đâu, thì trái tim cha vẫn ấm áp hơn tất cả, mãi là điểm tựa cho ta trong cuộc đời.

Hồi đầu tháng, khi tình cờ đi ngang qua công viên, anh G.M.B.Akash - nhiếp ảnh gia phóng sự người Bangladesh đã may mắn ghi lại được cảnh tượng người cha cụt một tay đang mải mê dùng điện thoại di động để chụp ảnh cho con gái. Người cha ấy tên là Kawsar Hossain, kiếm sống bằng cách ngồi xin tiền trên phố.

Cứ tưởng chẳng có gì đặc biệt, nào ngờ khi nghe được câu chuyện về cuộc đời bi đát của ông bố khuyết tật, anh Akash liền chia sẻ bức ảnh vừa chụp lên trang Facebook cá nhân và nó đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.

niem hanh phuc cua nguoi cha an xin tich cop tien 2 nam de mua vay moi tang con gai - 1

 Người cha khuyết tật vui vẻ chụp ảnh cho con gái. Câu chuyện của anh đã lấy đi không ít nước mắt của cộng đồng mạng.

Dưới đây là toàn bộ câu chuyện của ông Kawsar Hossain, người cha đã phải tích cóp từng đồng một trong suốt 2 năm để mua tặng cho con gái một chiếc váy mới.

“Sau 2 năm tích cóp, cuối cùng tôi đã có thể mua được một chiếc váy mới cho con gái mình. Khi tôi đưa 60 tờ tiền mệnh giá 5 Taka (tương đương chưa tới 90.000 đồng) cho nhân viên bán hàng, cô ta bỗng tỏ ra khó chịu và liên tục to tiếng hỏi tôi có phải là một người ăn xin hay không.

Lúc đó, Sumaiya (con gái Kawsar Hossain - PV) nắm chặt lấy tay tôi và bắt đầu khóc. Con bé kéo tôi rời khỏi cửa hàng rồi nói không cần mua váy mới. Thấy vậy, tôi chỉ biết ôm con gái vào lòng và cũng lặng lẽ rơi nước mắt. Thực sự lúc đó tôi không dám nhìn vào mắt con bé.

Đúng vậy, tôi là một người ăn xin. Vụ tai nạn cách đây 10 năm trước đã biến tôi trở thành kẻ ăn mày khốn khổ. Dù may mắn sống sót nhưng tôi lại mất đi một cánh tay và sức khỏe thì giảm sút nghiêm trọng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải ngồi bệt trên đường phố để xin tiền bố thí từ người khác, nhưng ở đời không ai học được chữ "Ngờ".

Sau 2 năm tích cóp, cuối cùng cũng có ngày con gái tôi được mặt một chiếc váy mới. Đó là lí do vì sao tôi đưa con đến công viên chơi. Có thể trong ngày hôm nay, tôi không kiếm được thêm bất cứ đồng tiền nào nhưng tôi muốn có thời gian vui chơi bên cạnh con gái mình.

niem hanh phuc cua nguoi cha an xin tich cop tien 2 nam de mua vay moi tang con gai - 2

 Bên cạnh tấm lòng như biển cả của mẹ, còn có cánh tay vững chắc và đôi vai to rộng của cha.

Tôi đã giấu vợ mượn chiếc điện thoại di động cũ từ một người hàng xóm để giúp con gái nhỏ có thể lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong ngày hôm nay. Một ngày nào đó, nếu kiếm đủ tiền mua điện thoại, nhất định tôi sẽ chụp thật nhiều bức hình ý nghĩa cho con cái của mình. Tôi muốn chúng luôn nhớ về quãng thời gian vất vả nhưng cũng đầy ngọt ngào này.

Rất khó để gửi các con đến trường nhưng chúng tôi đang cố gắng dạy dỗ con theo cách riêng của mình. Đôi khi các con không thể tham dự các kỳ thi bởi không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ tiền để trẻ lệ phí thi. Những lúc đó, tôi cảm thấy rất buồn.

Qua ngày hôm nay, tôi sẽ phải tiếp tục đi ăn xin và Sumaiya sẽ đứng chờ tôi bên một cột đèn giao thông gần đó trong tư thế cúi đầu. Trong khi chìa tay xin tiền từ mọi người, tôi vẫn không quên ngoái nhìn về phía con bé. Những lúc ấy, tôi cảm thấy xấu hổ khi để con chứng kiến cảnh như vậy.

Nhưng con bé chưa bao giờ muốn bỏ rơi tôi. Con luôn sợ một chiếc xe mất lái nào đó sẽ cán trúng cha mình nên nhất quyết đứng đợi cho tới khi tôi gọi nó đi về. Sau khi kết thúc một ngày, chúng tôi cùng nắm chặt tay nhau và trở về nhà. Sumaiya luôn nắm chặt tay tôi và thường nhận xách đồ sau mỗi lần đi chợ. Chúng tôi cũng rất yêu thích việc đi dưới mưa rồi cùng nhau nói về những ước mơ trong tương lai xa vời...

Trong những ngày không kiếm được tiền, tôi cảm thấy thật tồi tệ nhưng vào ban đêm, khi các con sà vào lòng rồi ôm chặt tôi ngủ, tôi lại thấy cuộc sống này không tồi tệ một chút nào”.

Chính câu chuyện cảm động của Kawsar Hossain đã khiến vị nhiếp ảnh gia G.M.B.Akash phải tin rằng, ngày hôm đó người cha nghèo khuyết tật không phải là một kẻ ăn mày mà người cha ấy là một vị vua và Sumaiya sẽ là một nàng công chúa thực sự.

Theo Thanh Loan (Khampha.vn)

Nổi bật