Trong vài năm trở lại đây, tội phạm do "ngáo đá" gây ra có dấu hiệu gia tăng và diễn biến ngày một phức tạp.
Mới đây nhất, 13h30 ngày 6/11, một nam thanh niên khoảng 25 tuổi có biểu hiện "ngáo đá" đi chân trần leo lên cột điện cao thế trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông (TP. Hà Nội). Người này leo đến độ cao hơn 30m rồi ngồi lì trên đó, miệng liên tục nói nhảm và la hét.
Tiếp nhận tin báo, các cơ quan chức năng đã đến hiện trường để thuyết phục nam thanh niên leo xuống. Hai tấm đệm hơi lớn đã được đặt dưới chân cột điện đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Khoảng 17h10, sau hơn 3 giờ cảnh sát dùng loa thuyết phục, nam thanh niên tự leo xuống. Công an quận Hà Đông đã mời anh ta về trụ sở làm việc.
Một câu chuyện hy hữu khác liên quan tới đối tượng nghi "ngáo đá" xảy ra cách đây vài tháng tại địa phận tỉnh Bình Dương. Cụ thể, giữa buổi trưa ngày 23/4/2019, ngoài trời như đổ lửa, trên tuyến đường đoạn Bến Cát – Bình Dương, một thanh niên nghi "ngáo đá" không mặc quần áo, trần truồng lao ra dải phân cách nằm giữa đường.
Nhiều người tham gia giao thông hoảng hốt tưởng nam thanh niên đã tử vong thì một lúc sau, đối tượng này tự ngồi dậy, cánh tay phải có dấu hiệu chảy nhiều máu, gãy thành nhiều khúc nhưng vẫn đứng lên đi lại bình thường, không có biểu hiện của đau đớn.
Sự việc đã thu hút sự chú ý của nhiều người, gây ùn ứ một thời gian dài. Tuy nhiên, không ai dám vào khuyên nhủ hay hỏi thăm tình hình của thanh niên trên vì sợ, khi mà người "ngáo đá" không làm chủ được nhận thức và hành vi của mình có thể gây ra những việc làm không ai có thể lường trước.
Sáng 8/1/2018, một người đàn ông 38 tuổi có biểu hiện "ngáo đá" cũng leo lên trụ điện cao thế 30m trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân đòi tự tử, la hét. Cơ quan chức năng phải đưa nệm hơi đặt bên dưới. Lúc đó, nếu không ngắt điện, nhiều khả năng nạn nhân mất mạng, còn ngắt điện sẽ ảnh hưởng toàn thành phố. Phương án đưa ra là ngắt điện nhưng cố gắng xử lý nhanh nhất để giảm thiệt hại. Khi lính cứu hộ leo xe thang tiếp cận thuyết phục, thanh niên này la hét chống trả đồng thời một mực yêu cầu gặp một lãnh đạo TP.HCM, nếu không sẽ nhảy xuống đất tự tử.
Trước tình thế cấp bách, chiến sĩ cứu hộ giả gọi điện thoại và đáp ứng yêu cầu của thanh niên này. Khoảng 15 phút thuyết phục, chiến sĩ cứu hộ chỉ xuống dưới đất nơi có người dáng giống lãnh đạo và tiếp tục thương thuyết. Tới tận lúc này, nam thanh niên mới chịu cho tiếp cận và đưa xuống đất an toàn.
Ma túy "đá" là tên lóng của methamphetamine hydrochloride (viết tắt là meth) ở dạng tinh thể. Đây là một dạng ma túy tổng hợp được sản xuất từ ephedrine, một chất có trong các thuốc chữa bệnh ho và thuốc làm giảm cân.
Ma túy "đá" có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng. Khi mới sử dụng ma túy "đá" thì thấy khỏe khoắn, lâng lâng, tỉnh táo, không cảm thấy đói, mất cảm giác mệt mỏi.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu tâm lý tội phạm cho biết, "ngáo đá" là biểu hiện xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Vậy nên, để đảm bảo an toàn lâu dài cho bản thân và những người xung quanh, cần có kỹ năng nhận biết những người nghiện ma tuý đá.
Những dấu hiệu của đối tượng bị "ngáo đá" có thể kể đến như: Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tiếp; uống nước nhiều; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo; không có cảm giác ngon miệng khiến người giảm cân nhanh trong một thời gian ngắn; mất tập trung; "miệng meth" – tức: Có hiện tượng sâu răng, đen răng, thiếu răng và nướu răng đỏ đau; thường xuyên đổ mồ hôi có mùi giống nước tiểu mèo; mùi răng bị hôi và thối; thường xuyên có những suy nghĩ hoang tưởng, nghi ngờ có người theo làm hại mình; không có nhu cầu ngủ; ngứa ở nhiều vùng da khắp cơ thể; tâm trạng thất thường hay có thể gặp ảo giác của hội chứng "kiến bò dưới da"…vv.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phát hiện người thân bị "ngáo đá", còn kiểm soát được thì cần trợ giúp, trấn an, cho đối tượng uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn thì phải sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng tới hỗ trợ.
Khi đang đi gặp đối tượng bị "ngáo đá" có thể tránh sang hướng khác. Tuyệt đối không hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần.
Trường hợp bất ngờ bị đối tượng khống chế, không kịp chạy thoát, chống trả, cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng. Đồng thời, người bị khống chế phải bình tĩnh, không được la hét, gào khóc vì sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động, dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích. Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải nhẹ nhàng hỏi han xem họ có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì, nhằm kéo dài thời gian chờ lực lượng chức năng có đầy đủ chuyên môn tới phối hợp, xử lý.
Theo Đại Phong (Giadinh.net.vn)