Những điều bố mẹ nên làm khi con bị mắc kẹt
Khi con rơi vào tình thế mắc kẹt nguy hiểm như trên, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là bình tĩnh, nhắc con không nên cố rút chân, tay, đầu… ra khỏi chỗ bị kẹt bởi càng làm thế càng thít chặt vào hơn.
Ưu tiên hàng đầu khi trẻ bị kẹt là xem đường hô hấp của bé có bị ngạt không. Nếu có hãy tìm mọi cách để giúp trẻ thở được thoải mái trước khi tìm cách giúp bé thoát khỏi chỗ kẹt.
Khi con bị kẹt trong cửa kính hoặc cửa sổ, đừng tìm cách phá vỡ kính ở cửa để kéo con ra bởi làm như vậy sẽ khiến thủy tinh sắc nhọn làm thương bé.
Nếu tay chân bé bị kẹt, hãy lấy xà phòng hoặc chất gì bôi trơn để dễ dàng rút ra.
Gọi cứu hỏa hỗ trợ ngay lập tức nếu tình huống ngoài khả năng xử lý của cha mẹ.
Những nơi, vật dụng bé dễ bị mắc kẹt nhất mà bố mẹ nên để ý
Cửa: Chấn song cửa sổ, cửa kính, cửa xoay ở nơi công cộng là nơi rất dễ bé bị mắc kẹt.
Ghế: Khi trẻ nhỏ bị mắc kẹt vào ghế, bố mẹ đừng vội kéo trẻ ra vì làm thế sẽ khiến trẻ đau và dễ làm bé bị thương. Hãy quan sát thật kỹ để tìm cách lách ra hoặc nhờ người giúp nếu ngoài khả năng của mình.
Lan can: Một số trẻ hay nghịch ngợm thò đầu qua những thanh chấn song ở lan can, hàng rào, rồi không rút đầu ra được.
Thiết bị tập thể dục nơi công cộng: Những thiết bị này thường có những khe hở lớn không phù hợp với trẻ nhỏ và đó chính là cái "bẫy" với các bé.
Đồ chơi trẻ em: Thứ tưởng như vô hại này cũng có thể khiến trẻ bị mắc kẹt ngón tay, chân nếu cha mẹ không tìm mua loại phù hợp với tuổi của con.
Máy kiểm tra an ninh: Hãy để trẻ tránh xa những thiết bị chuyển động như vậy để không bị nguy hiểm.
Ống nước: Trẻ hay tò mò và rất dễ có hành động chui vào ống nhựa to để nghịch rồi không rút đầu ra được.
Xe đạp: Khi cho trẻ ngồi phía sau xe đạp để chở, bạn nên có ghế xe, nếu không trẻ rất dễ cho chân vào nan hoa xe.
Thang cuốn: Không để trẻ đi một mình và dặn trẻ không được đứng sát vào hai bên mép của các bậc thang cuốn vì rất dễ bị mắc chân hay quần áo vào đó.
Theo An Nhiên (Helino)