Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn của dân tộc, 18 đời vua Hùng xuất hiện đều đặn trong các tác phẩm Văn học từ trước đến nay trong Sách giáo khoa và được đề cập cả trong Lịch sử. Tuy nhiên, có những điều rất thú vị về 18 đời vua cũng như ngày Giỗ Tổ mà nhiều người chắc chắn không biết.
Theo “Đại Việt sử lược”, 18 đời Hùng Vương trị vì khoảng năm 688-208 TCN. Vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi và vị vua thứ 18 là Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi 14 tuổi. Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt.
Ngày xưa, 10/3 không phải là ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Nhân dân tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.
Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao (Phú Thọ ngày nay) thì lấy ngày 11/3 kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng. Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.
Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã nhận thấy điều bất hợp lý nên làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương là 10/3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.
Trên tấm bia "Hùng miếu điển lệ bi" do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng vào mùa xuân năm 1923 đã ghi lại việc này rất chi tiết như sau:
"Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mùng Mười tháng Ba. Chiều ngày mùng Chín tháng Ba hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…"
Từ đó về sau, cứ vào ngày 10/3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bộ Văn hóa hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng. Trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 đã ghi rõ Lễ phẩm bao gồm:
Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh hướng dẫn đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau, đều có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Hùng được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 - 10/3 Âm lịch, gồm nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, trưng bày, triển lãm...
Ví dụ: Hung Kings Commemoration Day is a great way for young people to learn about their country’s ancestors and ancient rituals.
(Giỗ tổ Hùng Vương là ngày để người trẻ học cách ghi nhớ về lịch sử cũng như cội nguồn của mình.)
Theo Mai Anh (Helino)