Những món ăn đi cùng năm tháng trong dịp Tết Đoan ngọ

20/06/2015 14:42:08

Dù cuộc sống hiện đại có rất nhiều thứ để người ta lựa chọn, thì ngày Tết Đoan ngọ nhất định vẫn phải có rượu nếp, bánh tro, hoa quả thì mới đúng "vị".

Dù cuộc sống hiện đại có rất nhiều thứ để người ta lựa chọn, thì ngày Tết Đoan ngọ nhất định vẫn phải có rượu nếp, bánh tro, hoa quả thì mới đúng "vị".

 
Tương truyền, Tết Đoan ngọ vốn có gốc từ Trung Quốc và gắn liền với điển tích ông Khuất Nguyên. Nhưng cũng có tích kể rằng Tết này để tưởng nhớ ông Đôi Truân đã dạy người Việt cách trừ sâu bọ, bảo quản mùa màng. Dù chẳng rõ đâu mới là tích đúng nhưng cứ đến 5/5 âm lịch, người người, nhà nhà lại chuẩn bị sắm sanh để cúng Tết.
 
 
Có lẽ hiếm dịp lễ Tết nào mà đồ phải sắm lại đơn giản như Tết Đoan ngọ với bánh gio, vài loại quả, chút rượu nếp. Đó toàn là những thứ mua đâu cũng có, mua ngày nào cũng được nhưng trong 5/5, chúng bỗng trở nên trang trọng và có "địa vị hơn" hẳn.
 
Rượu nếp
 
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm là món không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ.  Người ta cho rằng vào mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh trong đường ruột thường ngoi lên và con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.  Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì diệt sâu bọ rất hiệu nghiệm.
 
 
Rượu nếp được làm từ xôi nguyên hạt lên men. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

Bánh gio (bánh tro ú)

Nếu ở miền Bắc có rượu nếp thì ở miền Trung Tết Đoan ngọ lại không thể thiếu được bánh ú tro (miền Bắc gọi là bánh gio). Bánh ú tro được chế biến từ 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và nước tro. Vẻ ngoài bánh tro giống như khối ngọc màu hổ phách trong vắt có thể nhìn thấu bên trong.  Bánh ú tro có hương vị ngai ngái, nồng nồng nhưng khi ăn vào có vị mát thanh khiết, rất tốt cho đường tiêu hóa. Cắt từng miếng bánh nhỏ, chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát hấp dẫn này.
 
 
Thịt vịt
 
Thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết “giết sâu bọ” của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch. Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi. 
 
 
Cơm rượu
 
Không có rượu nếp như miền Bắc, người miền Nam đón Tết Đoan ngọ bằng cơm rượu. Cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn, món ăn có nước tiết ra, pha thêm đường nên có vị ngọt đúng chất miền Nam. Ngoài ra nước cơm rượu còn có thể sử dụng để làm bánh bò cơm rượu và tạo thành cặp đôi hoàn hảo cho ngày giết sâu bọ.
 
 
Ngoài ra, Tết Đoan ngọ cũng không thể thiếu các loại quả trái tươi ngon. Ở miền Bắc, những loại quả thời vụ điển hình như mận, vải, đào đều không thể thiếu trong mâm cúng. Ngoài ra các mẹ, các chị hảo chua còn có thể gọt vài quả sấu xanh chấm muối để tăng tính "giết sâu bọ" trong ngày này.
 
 
Ở miền Nam, vì không có nhiều loại quả chua nên các loại trái cây nhiệt đới ngon nhất như chôm chôm, xoài, dưa hấu, măng cụt sẽ được lựa chọn để "trước cúng, sau ăn".
 
>> Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào là tốt nhất?

Theo HT (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật