Tại tọa đàm "Con thay đổi khi chúng ta thay đổi" do Tổ chức giáo dục IEG tổ chức ngày 28/7, phụ huynh, chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân khiến học sinh cấp 2 có biểu hiện chống đối và chán học.
Chị Thúy Hằng, phụ huynh ở Hà Nội, từng gặp những rắc rối với con gái học lớp 8 khi con bắt đầu vào cấp 2. Chị Hằng cho biết bản thân có kinh nghiệm dạy tiếng Anh và rất tự tin dạy cho con ngay từ nhỏ. Nghĩ rằng tiếng Anh đặc biệt quan trọng, chị đã tự áp đặt con phải học thật giỏi và luôn sắp xếp để con dành 90% thời gian cho việc học loại ngôn ngữ này.
Hàng ngày, dù học môn gì, cứ đến 9h tối, con gái chị sẽ có một tiếng để học tiếng Anh với thời gian biểu rõ ràng hôm nào học nghe, hôm nào học đọc. Việc áp con như vậy đã tạo cho con thói quen trong suốt 5 năm và mang lại một số hiệu quả nhất định. Con trở nên đam mê môn tiếng Anh. Đến lớp 5, con giành nhiều thành tích tốt. Tại tất cả kỳ thi ở trường hay thi lấy chứng chỉ quốc tế, kết quả của con chị đều vượt với tuổi khoảng 3 năm.
Đến khi lên lớp 6, chị Hằng quyết định cho con luyện thi IELTS theo lời khuyên của nhiều thầy cô. Kết quả, con thể hiện sự chống đối rõ ràng và bắt đầu học như một cái máy chứ không còn đam mê.
"Con rất thích viết theo cách sáng tạo của riêng mình. Vì vậy, đến khi học IELTS, con chán nản vì phải làm theo khuôn mẫu. Con bắt đầu giở đáp án để chép thay vì ngồi suy nghĩ, con cố viết đủ số từ theo quy định của đề bài mà không hề có một ý tưởng nào hay trong bài. Khi đó, tôi đã mắng, dọa con rất nhiều", chị Hằng kể lại.
Sau thời gian dài khó khăn, chị nhận ra đã quá nặng nề trong việc tạo cho con thói quen mà quên mất rằng nhu cầu học của con sẽ khác nhau khi ở những độ tuổi khác nhau. Hơn nữa, lớp 6 là khoảng thời gian tâm sinh lý thay đổi, lại chuyển từ tiểu học lên trung học, môn học nhiều hơn, con không còn nhiều thời gian cho tiếng Anh nữa trong khi mẹ vẫn giữ cách sắp xếp và áp đặt như cũ.
Nhận ra điều đó, chị Hằng quyết định thay đổi để con không bị đóng khung tư duy. Chị bắt đầu cân bằng dần việc kiểm soát con. Cho con tự học những thứ con thích và theo cách con muốn. "Bản thân giải phóng được áp lực nên các con cũng giảm được áp lực học hành", chị Hằng nói.
Có con trai đang học lớp 10 ở một trường công lập của Hà Nội, chị Thanh Nga nhận định nguyên nhân sâu xa khiến con không tìm thấy niềm vui trong học tập chính là hiện thực giáo dục và cách dạy học không sáng tạo, không gắn liền với thực tế mà chỉ mang tính lý thuyết của giáo viên.
Chị Nga cho rằng môi trường học tập ở Việt Nam đang rất dập khuôn, máy móc. Các bài giải hầu hết do thầy cô đưa ra và học sinh không có sự sáng tạo nào trong cách giải. Nếu có sáng tạo và làm sai lệch so với cách giải mẫu, ngay lập tức con có thể bị trừ điểm. Điều này vô tình tạo cho con thói quen không tốt và khiến chúng chán học.
Chị Nga kể lại câu chuyện khi lên lớp 7, con trai rất yêu thích môn Lịch sử, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam nhờ những tập truyện tranh mẹ mua và cách cô giáo kể nhiều câu chuyện ngoài sách. Thế nhưng, chỉ hai tuần sau, con khẳng định không thích môn Sử nữa vì lý do lịch sử trong sách giáo khoa không đúng sự thật.
"Những cuộc chiến tranh của nước ngoài đều được kể diễn biến chi tiết, bên thua, bên thắng rõ ràng. Nhưng tới lịch sử Việt Nam, các triều đình, các cuộc chiến tranh luôn thắng lợi mà không có bất kỳ một thất bại nào trên chiến trường trong khi những gì con tìm hiểu trên Internet lại khác. Vì vậy, con bắt đầu mất tình yêu với môn học này", chị Nga kể lại và phân tích điều này cho thấy giáo dục Việt Nam chưa phù hợp với thực tế, chưa hấp dẫn học sinh.
Cách dạy ở trường có thể chưa phù hợp nhưng con không thể không theo học. Chị Nga cho rằng phụ huynh cần có những thay đổi, suy nghĩ tích cực, đồng hành cùng con để giúp con có cảm hứng học tập tốt hơn. Với chị Nga, điều quan trọng là bố mẹ luôn tin tưởng con và cân bằng trong chuyện kiểm soát việc học. "Càng không tin tưởng, con càng học đối phó", chị khẳng định.
Tiến sĩ chỉ ra ba nguyên nhân khiến học sinh cấp 2 chán học
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, người thầy với hơn 10 năm trong nghề, tiếp xúc và tham gia giảng dạy hơn 5.000 học sinh, cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến biểu hiện chống đối, không muốn học hành ở học sinh cấp hai.
Lý do thứ nhất liên quan đến việc sắp xếp thời gian. Anh Hiếu cho rằng thời gian biểu của học sinh đang bị phụ huynh lạm dụng.
"Tôi thường hay ví 5 năm tiểu học của học sinh hiện tại như những ngày trong tuần của người lớn và năm lớp 6, 7 giống như thứ bảy, chủ nhật vậy. Người lớn làm việc liên tục từ 7h đến 21h các ngày trong tuần thì thứ bảy sẽ rất khó dậy sớm. Học sinh cũng rơi vào tình trạng tương tự và thường có những biểu hiện không tốt vào thời điểm này", anh Hiếu nói.
Cựu thủ khoa MBA của Đại học Oxford nhận định người lớn, bao gồm cả nhà trường, thầy cô và phụ huynh đang lạm dụng 5 năm đầu của học sinh vì cho rằng trẻ tiếp nhận mọi thứ tốt nhất vào khoảng thời gian này. Về thời điểm tiếp nhận kiến thức có thể không sai nhưng theo anh Hiếu không nên vì điều này mà lạm dụng quá để rồi lớp 6, 7, học sinh chán nản mà buông việc học.
Nguyên nhân khác khiến học sinh chán học là cách dạy "công thức hóa" của nhiều giáo viên hiện nay. Anh Hiếu đưa ra ví dụ khi đặt câu hỏi "Bạn là ai" cho học sinh, 9/10 em trả lời theo mẫu "Tôi tên là A. Năm nay tôi 10 tuổi, học lớp 4, trường Tiểu học B" vì từ nhỏ tới giờ các em luôn học như thế.
"Chỉ cần một học sinh trả lời khác đi, tôi sẽ đánh giá rất cao vì một cách ý thức hay vô thức nào đó, trong bao năm qua, thầy cô đã không áp một cái khuôn vào dạy học sinh", anh Hiếu nói và cho rằng việc dạy theo công thức một, hai lần không sao nhưng cứ mãi như vậy sẽ khiến các em bị cùn tư duy và mau chán.
Lý do cuối cùng khiến học sinh chống đối là tư tưởng của phụ huynh, đặc biệt trong việc khen chê. Thực tế, học sinh cứ làm gì đúng, tốt, nhận được nhiều huy chương là bố mẹ rất khen nhưng sai một chút là bắt đầu chê. "Tôi cho rằng điều đó là phi giáo dục", anh Hiếu thẳng thắn chia sẻ.
Theo Dương Tâm (VnExpress.net)