"Cậu nên kiếm người giàu hơn cho mình mới phải"
Nếu bạn níu giữ một mối quan hệ chỉ bởi muốn có lợi ích nào đó, có lẽ bạn đang sai đường. Theo các nhà tâm lý, tính toán lợi ích thường không phải là lý do thích đáng để bắt đầu hay kết thúc một mối quan hệ. Nếu làm vậy, bạn có thể phá hoại một cuộc hôn nhân hạnh phúc hoặc bắt đầu cuộc sống chẳng mang lại chút niềm vui nào.
"Phải thể hiện để vợ/chồng thấy ai có quyền. Đừng để họ lấn át bạn".
Trước hết, vợ chồng có thể gánh trách nhiệm thuộc các lĩnh vực khác nhau trong một mối quan hệ và hoàn toàn bình thường khi một trong hai người đứng ở vị trí chèo lái con thuyền gia đình.
Chỉ sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa hai người mới có thể tạo nên hôn nhân thành công và bền vững.
"Phải đòi hỏi bạn đời thật lãng mạn"
Các nhà tâm lý cho rằng thường có một giai đoạn lãng mạn trong bất cứ mối quan hệ nào và đôi lúc điều này sẽ bị mai một đi. Hai vợ chồng không thể sống bên nhau mãi mãi giống như hai diễn viên chính trong bộ phim tâm lý hài và sẽ có lúc nổi điên lên khi thấy nhau.
Đó là lý do bạn không thể yêu cầu bạn đời lúc nào cũng chiều chuộng, ngọt ngào như thời trăng mật. Mỗi mối quan hệ có các giai đoạn phát triển khác nhau và bạn cũng đừng nhìn người khác để so sánh với nhà mình.
"Hãy cố nhịn, đừng làm mọi chuyện tệ hơn"
Tránh xung đột trong hôn nhân hầu như là điều bất khả thi. Tuy nhiên, tốt hơn là giải quyết các mâu thuẫn khi nó vừa xảy ra. Bạn không nên cố chôn giấu cảm xúc của mình và đợi chờ mọi việc tự ổn thỏa bởi việc này chỉ hủy hoại hôn nhân. Đừng đóng vai nạn nhân. Thay vào đó, hãy bày tỏ cảm xúc của mình và thảo luận mọi việc với bạn đời.
"Cứ đọc tin nhắn, đoạn chát của chồng đi. Cậu có quyền đó"
Can thiệp vào đời sống cá nhân của bạn đời - xem lịch sử cuộc gọi, đọc lén tin nhắn, theo dõi địa điểm họ đến - được coi là các hành động kiểm soát thái quá. Nó có thể khiến bạn đời cảm thấy ngột ngạt và không được tôn trọng.
"Chỉ cần nhắc cho chồng biết tiền anh ta kiếm được chưa đủ"
Lời khuyên này là một cách hiệu quả để biến hiểu lầm nhỏ thành mâu thuẫn lớn giữa hai vợ chồng. Đừng đánh vào điểm yếu của bạn đời, nhất là liên quan tới tài chính.
Các chuyên gia cho rằng bạn không nên thảo luận những vấn đề như thế này trong các cuộc trò chuyện hằng ngày và cố gắng đừng nhắc tới trong một cuộc tranh luận lớn.
"Hãy nhìn tớ mà học tập"
Dạy bảo bằng cách lấy mình làm gương sẽ hiệu quả hơn với trẻ con chứ không phải với người trưởng thành. Bạn không còn là một đứa trẻ và bạn không nên bắt chước hành vi của người khác.
Khi trải qua khó khăn trong hôn nhân, đừng nhìn vào các gia đình khác và áp dụng cách sống của họ. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn vào các lỗi họ mắc và tìm cách tránh.
Thay vì tìm kiếm những lời khuyên bên ngoài, hãy lắng nghe chính mình và bạn sẽ biết tìm ra cách phù hợp.
Bạn có thể tham khảo thêm về sự kết hợp lý tưởng để có được tình yêu lâu bền:
Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)