Chị bạn tôi đang mắc COVID-19 ngày thứ 4. Nửa đêm chị gọi điện cho tôi giọng khản đặc đầy lo lắng. Chị bảo trước đó thấy rất ổn dù mắc bệnh nhưng tâm lý thoải mái, vẫn làm viện online, tự dọn dẹp phòng. Ngoài triệu chứng húng hắng ho chị rất lạc quan, vui tươi, ăn ngủ tốt.
Thế rồi tới khi có một người bạn trên Facebook nhắn tin nhắc nhở chị: “Đừng chủ quan nhé, khoẻ thế thôi nhưng bệnh này đang cười bỗng tụt oxy đột ngột cái là rơi vào suy hô hấp ngay đó, không kịp trở tay đâu”.
Người kia còn sợ chị bạn tôi chưa đủ lo, bồi tiếp: “Thấy bảo bệnh này nguy hiểm nhất ngày thứ 4 và thứ 8 đó”. Thế là bạn tôi rơi vào hoang mang cực độ, cứ ngồi thấp thỏm lo tụt oxy đột ngột rồi đếm từng giờ để qua được ngày thứ 4 của bệnh, sợ hãi khi ngày thứ 8 đang đến gần.
Những lời hỏi thăm đối với bệnh nhân COVID-19 cần tránh làm họ thêm hoang mang (Ảnh minh hoạ) |
Ngay chính tôi, khi mắc COVID-19 mới thấy lời thăm hỏi mà vô duyên còn tàn phá hơn cả con virus. Một cô bạn gọi cho tôi hỏi bây giờ hai vợ chồng đều dương tính rồi thì cách ly con như thế nào, đủ an toàn không. Sau khi tôi bảo rằng vợ chồng tôi và các con ở riêng phòng, hai cháu dùng nhà vệ sinh riêng (nhà tôi có hai nhà vệ sinh) thì cô bạn lại hỏi tới: “Hai đứa con không có nhà vệ sinh khép kín trong phòng à? Dùng riêng mà vẫn phải bước ra khỏi cánh cửa phòng thì lây là chắc rồi, tránh thế nào được”.
Cô bạn không biết câu nói vô ý vô tứ đó khiến tôi lo lắng nhường nào. Điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác. Nhà 4 người có 2 nhà vệ sinh. Một nhà vệ sinh khép kín trong phòng ba mẹ, nhà vệ sinh còn lại nằm ở khu vực bếp. Hai vợ chồng tôi đang F0, ngay từ đầu đã dùng nhà vệ sinh riêng trong phòng mình.
Tuy các con tôi không có nhà vệ sinh khép kín nhưng khi các cháu ra dùng nhà vệ sinh ở bếp thì không giáp mặt vợ chồng tôi. Mọi người đều đeo khẩu trang, xịt khuẩn tay, hạn chế ra khỏi phòng mình. Nhà ngay từ đầu thiết kế như vậy và chúng tôi phải thích ứng tốt nhất với điều kiện mình có. Hỏi thăm là để động viên nhau chứ không phải gợi ra những vấn đề không có cách giải quyết khiến bạn bè lo lắng thêm.
Đôi khi lời hỏi thăm có ý tốt nhưng vô duyên khiến bệnh nhân thêm mệt mỏi, ảnh hưởng tâm lý nặng nề (Ảnh minh hoạ) |
Không chỉ bạn bè mà ngay cả họ hàng, khi hỏi thăm người thân bị F0 nhưng cứ tỏ ra sợ hãi quá, nghiêm trọng quá cũng khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý. Chị gái tôi ngày nào cũng gọi điện bắt gia đình tôi làm test nhanh xem đã một vạch chưa.
Vẫn hai vạch, chị lại xoắn xuýt: “Giời ơi chết rồi, sao lâu âm thế. Người ta 5 - 7 ngày làm PCR âm hết rồi mà nhà mày 10 ngày vẫn chưa âm. Càng lâu âm virus ở lâu trong cơ thể càng tàn phá các cơ quan đấy”.
Làm sao tôi biết được lý do mình lâu về một vạch. Tôi cũng muốn mau hết bệnh lắm chứ. Cả nhà tôi đã quá mệt mỏi vì bệnh nay cứ phải trả lời tin nhắn, điện thoại của bao nhiêu người hỏi những câu đại loại: “Sao lâu âm thế, sao nhà chị cũng bị mà không có triệu chứng như nhà mày đâu…”
Mẹ tôi mới đây khóc nức nở gọi cho tôi: “Con ơi chắc mẹ bị COVID-19 nặng lắm rồi, chắc tổn thương phổi sâu rồi”. Tôi tá hoả hỏi sao mẹ biết, thì bà bảo: “Anh Tuấn hàng xóm nghe tiếng mẹ ho. Anh ấy gọi điện thoại bảo nghe tiếng ho là biết vào phổi rồi. Nhà anh ấy bị COVID-19 nhưng không ai ho cả”.
Tôi nghe mẹ nói mà chán chường, khuyên bà mỗi người một triệu chứng khác nhau, không phải cứ ho là vào phổi, bình thường chẳng bị COVID-19 bà vẫn ho đấy thôi.
Đấy, các bạn thấy sự tai hại của những lời hỏi thăm vô duyên đối với bệnh nhân COVID-19 chưa? Chúng ta không phải bác sĩ nên đừng kết luận về tình trạng bệnh của họ. Họ đang rất lo lắng nên đừng làm họ lo và rối thêm nhé. Thực ra tâm ta tốt, chỉ muốn hỏi han, chia sẻ với bệnh nhân nhưng vì không khéo trong lời ăn tiếng nói mà thành ra phản tác dụng.
Theo Nhã Quỳnh (Phunuonline.com.vn)