Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

27/04/2018 07:45:33

Năm nay, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 rơi đúng vào thứ hai, thứ ba cho nên kỳ nghỉ lễ của người Việt Nam kéo dài bốn ngày, bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật. Bởi vậy, nhiều người đã lên kế hoạch tham dự những lễ hội diễn ra trên cả nước vào đúng dịp nghỉ lễ sắp tới.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, ở nhiều địa phương trên khắp mọi miền đất nước sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, lễ hội thu hút người dân và du khách thập phương.

1. Lễ hội Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) - tổ chức vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5

Lễ hội Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra từ tối ngày 28/4 với những tiết mục đặc sắc, rộn ràng tươi vui.

Lễ hội Carnaval - sự kiện lớn nhất mở đầu cho Năm Du lịch Quốc gia 2018 tại Quảng Ninh sẽ được thực hiện tại sân khấu biểu diễn lớn nhất ở trung tâm Quảng trường biển hiện đại bậc nhất Việt Nam với diện tích rộng 13 ha, chiều ngang rộng 150 mét, đủ sức chứa cho trên 10.000 chỗ ngồi và phần sân khấu có thể tập trung 1.100 diễn viên múa, ca sĩ, người mẫu cùng biểu diễn...

Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Lễ hội đường phố Carnaval Hạ Long

Bên cạnh đó, tại lễ hội không chỉ có các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước tham gia, Carnaval Hạ Long 2018 còn là sự giao thoa về văn hóa, nghệ thuật đến từ các đoàn nghệ sĩ vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới như: Brazil, Ukraine, Trung Quốc, Cuba…

2. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) - Từ 10/1 đến hết tháng 3 Âm lịch

Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân tại núi Yên Tử, xã Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - 1
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc… cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp.

Bên cạnh đó là hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.

3. Lễ hội Đền Đô - tổ chức từ ngày 15/3 - 19/3 Âm lịch

Bắc Ninh được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh gắn liền lịch sử. Trong đó, Đền Đô là một trong những địa điểm thu hút du khách.

Lễ hội Đền Đô được tổ chức từ ngày 15/3- 19/3 Âm lịch hàng năm tại làng Làng Ðình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhằm suy tôn 8 vị vua của nhà Lý.

Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - 2
Lễ hội Đền Đô - tổ chức từ ngày 15/3- 19/3 Âm lịch

Chính hội là ngày 16/3 có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô. Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ cởi trần, đóng khố và tay cầm trùy đồng cùng hàng trăm quân sĩ đi theo.

Du khách trẩy hội Đền Đô sẽ được giới thiệu về lịch sử triều Lý, lịch sử Đền Đô. Sau đó là tham gia các trò vui dân gian đậm bản sắc vùng quê Kinh Bắc và của làng Bảng xưa.

Có thể kể đến như: hát quan họ, hát tuồng, hát chèo, đọc và bình thơ, đấu cờ người, tổ tôm điếm, thi gói bánh phu thê, đấu vật, đấu bóng chuyền, cầu lông.

4. Festival Huế 2018 - diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 27/4- 2/5/2018)

Festival Huế 2018 diễn ra từ 27/4 đến 2/5 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản". Theo đó, hàng chục lễ hội, chương trình hấp dẫn dự kiến sẽ là điểm đến không thể bỏ qua với người dân, du khách.

Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - 3
Festival Huế 2018 - diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 27/4- 2/5/2018)

Festival Huế 2018 quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, là cơ hội để quảng bá Huế, thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam. 

Festival Huế năm nay có sự tham dự của 19 quốc gia và chủ nhà Việt Nam với tổng số hơn 500 nghệ sĩ hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.. Các nghệ sĩ sẽ trình diễn ở nhiều nơi ở TP Huế từ Đại Nội, quảng trường Ngọ Môn đến Cung An Định, công viên Nguyễn Văn Trỗi, bia Quốc Học, công viên Tứ Tượng... cho đến các vùng thôn quê như cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền).

5. Lễ hội Pháo hoa quốc tế Ðà Nẵng - bắt đầu từ 29/4 đến hết 30/6

Lễ hội Pháo hoa quốc tế Ðà Nẵng diễn ra đúng dịp cao điểm hè nhất là kì nghỉ lễ kéo dài 30/4- 1/5 dự kiến sẽ hút hàng triệu lượt khách đến với thành phố biển.

Chương trình Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018 (Da Nang International Firework Festival - viết tắt là DIFF 2018) diễn ra với chủ đề "Huyền thoại những cây cầu" tương ứng với 5 chủ điểm riêng, đó là: Nhịp cầu tình yêu, Nhịp cầu thời gian, Nhịp cầu hạnh phúc, Nhịp cầu khát vọng và Nhịp cầu hữu nghị thu hút sự quan tâm chú ý của người dân trên cả nước.

Những lễ hội không thể bỏ lỡ vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - 4
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Ðà Nẵng

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm nay có 8 đội thi, ngoài đội chủ nhà Việt Nam thì có 7 đội đến từ: Ba Lan, Pháp, Mỹ, Ý, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Hồng Kông. Với chủ đề xuyên suốt là "Huyền thoại những cây cầu". Lễ hội khai mạc tối 30/4 và kết thúc vào ngày 30/6, trình diễn trong 5 đêm.

Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng truyền tải những câu chuyện mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, truyền thống và kiến trúc của những cây cầu của các quốc gia tham dự.

Theo PV (Thời Đại)