Nạn nhân của những trận đòn "hội đồng" có thể là bất kỳ ai, nhưng dù có là ai, thì điểm chung giữa họ là tình trạng hoảng loạn ngay tức khắc khi bạo lực xảy đến, rồi chính sự hoảng loạn sẽ "bó chân, bó tay" khiến nạn nhân chỉ còn cách đứng yên chịu trận và hứng trọn những cơn "mưa đòn" ác thú của đồng loại.
Cần tự rèn kỹ năng phòng, chống cướp giật Kỹ năng cơ bản phòng chống trộm, cướp đột nhập Công an vào cuộc điều tra vụ một học sinh bị đánh hội đồng và bắt liếm chân2 Xem "bạn gái" hành hung bạn rồi đánh chết người1 Xác minh clip nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng
Bị đánh trên đường
Phân tích đặc điểm của những cuộc "tập kích" có đông đối tượng tham gia trên đường giao thông, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên Điều tra viên cao cấp, Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội) cho biết: "Đặc điểm phổ biến đó là loại án này thường là có dự mưu từ trước bởi kẻ tấn công. Chúng theo dõi "con mồi", chuẩn bị sẵn lực lượng, chọn địa điểm và thời điểm tấn công sao cho nạn nhân bị bất ngờ nhất và không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Nạn nhân bị "đòn hội đồng" tối tăm mặt mũi, mất khả năng kháng cự nên thường bị đánh đập rất dã man. Ác tính trong tâm lý kẻ tấn công cũng có tính "lây lan" và không có điểm dừng, nên hậu quả của những vụ án kiểu này thường rất nặng nề.
Nhiều người bị đánh đập dã man, dẫn đến đa chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Điều đáng ngại là kỹ năng ứng xử để thoát hiểm của người dân còn rất kém, đa phần không biết phải làm gì ngay khi bạo lực phát sinh với mình".
Một vụ ẩu đả trên đường. |
Tư vấn về cách ứng xử khôn ngoan trong trường hợp đó, Thượng tá Vân nói: "Nếu đang đi trên đường bằng xe máy, mà bị một nhóm đối tượng đuổi theo, chặn lại gây sự, thì cần nhanh chóng xuống xe, khóa cổ, cầm theo chìa khóa rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hô cướp.
Tuyệt đối không nên hỏi han, đôi co, cãi vã. Nếu đã bị đối tượng vây kín, không nên đứng giữa vòng vây mà hãy tựa lưng vào tường, cột điện, cây cối, để tránh bị đánh lén từ phía sau. Có thể chống trả rồi quan sát thật nhanh, chủ động xông vào đánh tên yếu nhất, mở đường máu để bỏ chạy.
Trường hợp bị vây không chạy được, thì cần bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như bộ hạ, thái dương, gáy, bụng bằng cách liên tục di chuyển (không nên đứng im một chỗ).
Hãy la hét kêu cứu thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác. Nạn nhân được quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công, tự bảo vệ mình. Nếu vơ được gậy gộc, gạch đá làm vũ khí, được phép tự vệ, đánh lại đối tượng đang tấn công mình.
Nếu đối tượng dính đòn, hãy bỏ chạy ngay khi có thể, vừa chạy vừa hô: "cháy nhà" hoặc "cướp", sẽ thu hút sự tò mò của người dân, khiến kẻ gây sự ngại mà bỏ đi. Những nơi cần chạy đến như trụ sở cơ quan Công an, các tổ CSGT trên đường.
Tình huống bỏ chạy vào nhà dân, nên chạy vào phòng có cửa an toàn, đóng lại, gọi điện báo Cảnh sát 113 và người nhà. Hãy nói với chủ nhà bị cướp và xin trốn, nhờ họ đóng cửa, giấu người, báo Cảnh sát.
Quá trình tiếp cận đối tượng, hãy cố gắng hình dung, quan sát đặc điểm đối tượng, biển số xe của nhóm gây sự, để trình báo Công an khi đã an toàn".
Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên Điều tra viên cao cấp, Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội). |
Né đòn của bạn
Những clip nữ sinh hành hạ, đánh đập bạn học dã man được "post" lên mạng, khiến các bậc phụ huynh rùng mình sợ hãi khi chợt nghĩ nếu người bị nạn kia là… con mình.
Tư vấn cho học sinh trong một buổi giáo dục kỹ năng tại Trường THCS Đô thị Việt Hưng (Hà Nội), thầy Đinh Công Lịch - (Giáo viên, HLV võ thuật Nhất Nam) nói: "Nếu biết trước rằng mình sẽ bị đánh, các em cần chủ động thông báo trước sự việc với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hoặc đơn giản là gọi điện cho người nhà, hay báo một số bạn bè của mình biết để bảo vệ.
Cũng có thể nhờ người có uy tín với nhóm đối tượng (như học sinh lớp trên...) để nói chuyện trước với họ, hoặc nếu thấy an toàn (có thầy cô giáo, người thân, nhóm bạn... bên cạnh) thì có thể chủ động gặp đối tượng để nói chuyện, nhằm ngăn chặn sự việc xảy ra.
Điều cần nhớ là hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, chứ đừng đi lại một mình. Đông người bao giờ cũng an toàn hơn, nếu có bạn bè ở bên cạnh thì kẻ bắt nạt sẽ không dám làm gì. Lưu ý không ngoan ngoãn đi nói chuyện theo yêu cầu của đối tượng. Trong hoàn cảnh mình yếu hơn, tốt nhất là cố gắng tránh gặp kẻ bắt nạt, ở trường hay ở trên đường, nhưng đừng tỏ cho họ thấy điều đó.
Nếu họ biết các em đang sợ hãi, họ sẽ càng lấn tới. Nếu họ cùng đường đi với các em, hãy đi đường khác, vì khi không nhìn thấy thì họ cũng không thể bắt nạt các em.
Tình huống buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt, sẵn sàng đương đầu và đối tượng sẽ trả giá thích đáng nếu bắt nạt mình. Vì tâm lý kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình. Nếu cảm thấy không an toàn, chúng sẽ nhụt chí.
Đừng để kẻ bắt nạt thấy các em khóc. Nếu thấy phản ứng ủy mị như thế, họ sẽ càng bắt nạt các em nhiều hơn. Trước khi tình hình diễn biến phức tạp, việc thủ sẵn trên tay vật dụng nào đó... và thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói, sẽ làm đối tượng chùn bước. Vì sự quyết liệt của nạn nhân sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong kẻ tấn công.
Khi bị vây, không đứng chịu trận, phó mặc cho số phận. Hãy nhớ nguyên lý chạy chỗ (chạy vòng tròn) nếu đối tượng bắt đầu ra tay. Hãy chống trả quyết liệt bằng tất cả sức mạnh bản năng, chớp cơ hội xô ngã đối tượng yếu nhất rồi bỏ chạy đến nơi an toàn, như phòng giáo viên, ban giám hiệu, phòng hội đồng (nếu bị đánh trong trường học), hoặc trụ sở cơ quan Công an, các tổ CSGT trên đường, nhà dân... khi bị đánh trên đường.
Quá trình chống trả, hãy hô hoán thật to, kêu cứu để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, đối tượng thường cũng sợ hãi việc đánh người bị bắt quả tang (bị đuổi học, bị xử lý)...
Ngay khi thoát khỏi đối tượng, cần tính đến việc các đối tượng tiếp tục phục kích để đánh, hãy gọi điện cho người nhà, báo thầy cô giáo, báo Công an... để chủ động giải quyết sự việc".
Đối với bạn của nạn nhân, thầy Đinh Công Lịch tư vấn: "Nếu biết tin bạn mình có thể bị đánh, cần báo trước cho nạn nhân biết để chủ động đề phòng và ngăn chặn hậu quả. Khi chứng kiến bạn bị vây đánh, cần gọi người giúp, xét thấy không an toàn thì không xông vào can ngăn, vì như vậy sẽ bị cuốn vào, thậm chí bị đánh hội đồng theo.
Vẫn có thể giúp được bạn, bằng cách công khai hô hoán kêu cứu hoặc bấm máy gọi Cảnh sát 113, gọi người lớn trợ giúp. Cách này phù hợp nếu ở gần nhà dân, trường học, gần chỗ có người lớn.
Nhưng khi đã can thiệp (gọi trợ giúp), chắc chắn sẽ sinh mâu thuẫn với nhóm đánh hội đồng, có nguy cơ bị trả thù về sau. Vì thế, sau đó phải báo cáo với bố mẹ và thầy cô giáo vì chỉ có họ mới có thể giải quyết được sự việc. Lúc này, bố mẹ làm việc với thầy cô, với từng người trong nhóm đánh hội đồng bạn, với bố mẹ của các đối tượng đó.
Thậm chí, nhờ cả Công an vào cuộc, gọi hỏi, bắt viết cam kết... Để ngăn ngừa các hành động mất kiểm soát sau đó. Cách khác an toàn hơn và tránh bị trả thù về sau, là lẳng lặng chạy đi gọi người lớn, hoặc chạy ra khỏi chỗ đó rồi mới gọi Công an, gọi bố mẹ hoặc người lớn, để nhóm đánh hội đồng không biết ai gọi trợ giúp, xử lý vụ việc".
Một vụ nữ sinh "đánh hội đồng" bạn học. |
Dàn cảnh để cướp
Gần đây các vụ án cướp hay cướp giật tài sản bằng thủ đoạn dàn cảnh trên đường, đã xảy ra ở nhiều nơi. Bằng lý do như hỏi đường, va quệt giao thông, ăn vạ, dàn dựng cảnh đánh ghen, giả danh cảnh sát, giả làm người quen nhận nhau..., các đối tượng chặn xe nạn nhân, rồi quát mắng, tỏ ra giận dữ, vu khống, đánh lộn… nhằm tác động vào tâm lý, cảm xúc, nỗi sợ hãi, sự bất ngờ của nạn nhân, khiến họ bị động, lúng túng, mất khả năng tự vệ... Nhân cơ hội đó, đối tượng chiếm đoạt tài sản của họ rồi tẩu thoát.
Trao đổi về kỹ năng thoát hiểm, Thượng tá Trịnh Kim Vân nói: "Đột xuất xảy ra sự cố trên đường, người dân cần nhanh chóng trấn tĩnh bằng cách hít thở sâu vài lần và nhớ ngay đến khối tài sản đang mang theo. Cần thiết thì dừng xe lại, khóa cổ, cất chìa khóa vào người, bảo quản túi xách cẩn thận. Nếu bị đánh, được phép chống trả lại kẻ tấn công và hô hoán kêu cứu thật to (những câu ngắn gọn và dễ hiểu).
Cảm thấy không tự vệ được thì hãy bỏ chạy, vừa chạy vừa hô cướp. Nên chạy đến các chốt CSGT, chặn các phương tiện... để thu hút sự chú ý của người dân, kêu gọi sự giúp đỡ. Cần nhớ không nên đôi co, phản ứng khi đối tượng kiếm chuyện dù là tiêu cực hay tích cực khi đi trên đường.
Ngoài ra, người dân không mang theo nhiều đồ giá trị khi ra đường. Kẻ cướp thường nhắm đến những "con mồi" trông có vẻ nhiều tài sản. Việc trưng diện đồ trang sức đắt tiền, túi xách hớ hênh… là "mời" cướp đến. Càng kín đáo, càng không nổi bật, bạn càng an toàn. Nếu có đeo trang sức thì khi đi ra đường nên ngụy trang bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo che kín.
Phát hiện những biểu hiện đáng ngờ trên đường, cần tập trung tư tưởng, vững tay lái và tìm cách cắt đuôi đối tượng tại thời điểm đèn đỏ, bằng cách lẻn vào giữa đám đông, hoặc dừng tại chốt CSGT trên đường, vào một đồn Công an hoặc các tòa nhà, công ty có bảo vệ để chạy vào tìm sự giúp đỡ. Chẳng may bị cướp, không nên cố đuổi trong nguy hiểm theo để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Ghi nhớ đặc điểm nhận dạng đặc biệt của tên cướp như giới tính, độ tuổi, giọng nói, quần áo, giày dép, mũ kính, biển số xe... để trình báo. Nếu đối tượng giới thiệu là CSHS, cần yêu cầu đối tượng xuất trình giấy tờ, thẻ ngành và tuyệt đối không giao tài sản cho họ".
Theo Đào Trung Hiếu (Cảnh sát toàn cầu)