Bài trí bàn thờ Thần Tài lộn xộn
Những việc quan trọng cần làm trong ngày vía Thần Tài đó là: Lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng và làm lễ cúng.
Bàn thờ Thần Tài phải được bố trí gọn gàng, không bài xếp lộn xộn, bày biện quá nhiều thứ vừa gây rối mắt mà không thể hiện được sự thành tâm.
Tượng Thần Tài - Thổ Địa thường được đặt hai bên bàn thờ. Theo nguyên tắc, vị trí đặt (nhìn từ ngoài vào) sẽ là tượng Thần Tài bên trái, tượng Thổ Địa bên phải.
Tượng Phật Di Lặc thường được đặt bên trên bàn thờ Thần Tài. Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy được đặt ở giữa hai tượng Thần Tài - Thổ Địa.
Bát nhang được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển. Tượng Ông Cóc được đặt bên trái bàn thờ, ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong.
Đặt bàn thờ ở những nơi không sạch sẽ
Bàn thờ Thần Tài được đặt dưới đất nhưng phải là tại nơi sạch sẽ, trang nghiêm để hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính. Tuyệt đối gia chủ không được đặt bàn thờ Thần Tài ở gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp.
Ngoài ra, không chỉ vào ngày vía Thần Tài, mà mọi ngày trong năm đều phải nhớ giữ ban thờ Thần Tài sạch sẽ. Chủ nhà có thể dùng nước sạch hoặc rượu, dùng khăn sạch để lau dọn bàn thờ.
Thỉnh Thần Tài, Thổ Địa vào bát hương
Có thể bạn không biết rằng trong những điều kiêng kỵ ngày vía Thần Tài, có 1 điều chính là trong đúng ngày này không nên thỉnh Thần Tài, Thổ địa nhập vào bát hương hay tượng thần.
Người ta cho rằng làm như thế sẽ khiến cho việc làm ăn kém bề suôn sẻ, may mắn đâu không thấy mà có khi còn gặp phải xui xẻo, tai họa bất ngờ.
Cúng hoa, quả giả
Hoa cúng Thần Tài không nên dùng hoa giả, gia chủ cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được. Người dân nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.
Dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến
Thời đại thay đổi, có nhiều đồ thờ cúng cũng được thay đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng có 1 điều kiêng kỵ mà gia chủ cần phải biết trong ngày cúng vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, đó là không dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu.
Người ta cho rằng dùng bóng đèn điện hay đèn nháy có thể sinh ra những trường khí không tốt, ảnh hưởng đến việc thờ cúng nên cần phải lưu ý.
Thái độ không nghiêm túc, quần áo không chỉnh tề
Điều đầu tiên thể hiện sự kính cẩn của gia chủ khi làm lễ cúng đó chính là giữ tâm thành kính. Điều này thể hiện qua thái độ nghiêm túc, trang phục nghiêm chỉnh gọn gàng khi dâng lễ.
Khi tiến hành lễ cúng Thần Tài, người làm lễ không nên ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm. Trang phục không cần đẹp, đắt tiền nhưng cần phải sạch sẽ, gọn gàng.
Theo phong tục dân gian, thái độ kính cẩn, sự thành tâm mới là điều quan trọng nhất trong các lễ cúng thần linh, gia tiên.
Cúng ngoài trời
Nhiều người làm lễ ở nhà riêng thường đặt mâm cúng trước cửa hay ngoài sân, ban công. Thực tế, cúng ngoài sân hay ngoài cửa được coi là không tốt. Tốt nhất ở nhà riêng gia chủ nên đặt mâm cúng trong nhà.
Người làm kinh doanh thờ thần Tài cũng nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng giữ của cho gia chủ.
Nói tục, chửi bậy, đánh chửi nhau trong ngày cúng vía Thần Tài
Thờ cúng tốt ở lòng thành kính, nếu tâm không thành thì có cúng cầu thế nào cũng chẳng linh nghiệm, không được thần Phật chứng giám. Trong ngày làm lễ cúng vía Thần Tài, gia chủ nên lưu ý chớ nên sinh sự, gây chuyện cãi vã, đánh chửi, mắng mỏ nhau, gia đạo bất an thì thần linh quở phạt.
Trong khi làm lễ, trước và sau khi cúng lễ không được nói lời thô tục, chửi mắng người khác, kẻo thần Phật mất lòng mà trách phạt, khiến cho việc làm ăn thất bát, tài lộc không thấy vào mà chỉ thấy đi.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!
Theo Việt Hương (Đời sống & Pháp luật)