Tục lệ kiêng kỵ của các cụ ngày xưa trong dịp tết cổ truyền có nhiều, tùy phong tục tập quán từng địa phương, tùy dân tộc, tùy tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa vùng miền và tùy theo gia phong của mỗi dòng họ.
Có những thứ nghi lễ đặt ra cho thêm phần long trọng mang tính nhân văn truyền thống, có những thứ kiêng kỵ do kinh nghiệm… Nhưng có những thứ kiêng kỵ sa đà vào mê tín, trở thành hủ tục do trình độ văn hóa chưa được cải thiện.
Kiêng kị mùng 1 Tết không được quét nhà (vì coi rác nhà là "lộc", nếu quét sạch đi thì mất "lộc":
Kiêng kị ngày mùng 1 Tết không được quét nhà (vì coi rác nhà là "lộc", nếu quét sạch đi thì mất "lộc". Đây là điều si mê, bởi vì "lộc" phải là những thứ thanh tịnh, mới mẻ, sạch sẽ, thơm tho và phải "dùng được" chứ lộc đâu phải là đồ rác rưởi bỏ đi?
Những đồ rác rưởi đáng bỏ đi mà không được dọn sạch, không được thanh lý thì lấy đâu không gian để chứa đựng những "bổng lộc cao quý và thanh tịnh"? Rốt cuộc là cả năm chỉ đi hứng chịu những sản phẩm xấu xa, cặn bã, rác rưởi mà thôi.
Không dám tỉa chân hương khi bát hương đã đầy
Nhiều nơi còn không dám tỉa cả chân hương khi bát hương đã đầy.
Người dân cần biết là khi thắp hương phần có mùi thơm đã cháy hết. Phần chân hương chỉ là rác, giống như bông hoa đã tàn thì cái cuống hoa là rác, phải bỏ đi.
Nếu để chân hương quá nhiều thì sinh bụi bặm, không khí ô nhiễm, người nhà hay bị bệnh mũi hoặc bệnh đường hô hấp.
Hơn nữa, cây hương đốt lên chỉ là "tướng hương" mà thôi, chưa mang ý nghĩa tâm linh nếu như người thắp hương chưa đặt tâm vào hành vi đó.
Không được cho hàng xóm xin lửa
Nhiều người còn kiêng không được cho hàng xóm xin lửa, vì cho rằng "lửa" là vận đỏ, may mắn, cho đi là "mất cơ hội"…
Những ý nghĩa của tục lệ kiêng kỵ này xuất phát từ sự mê tín, ích kỷ, tham lam, trái hẳn với tinh thần nhân văn "lá lành đùm lá rách, tối lửa tắt đèn có nhau"…
Trên thế giới này có hai thứ càng cho đi càng giầu thêm, và trong ngày Tết càng cho đi 2 thứ này thì càng may mắn, đó là ánh sáng trí tuệ và tình thương yêu. Ví dụ như nhà giáo, càng dạy nhiều, càng "cho đi trí tuệ" càng nhiều thì càng giỏi hơn chứ không hề dốt đi. Tình thương yêu cũng vậy, khi thương yêu đùm bọc người khác càng nhiều thì tình càng được đáp đền bù đắp nhiều hơn.
Có nhiều điều kiêng kỵ mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay không còn phù hợp nữa, điển hình là những có những thứ kiêng kỵ mang màu sắc mê tín dị đoan như: Kiêng phụ nữ xông nhà, kiêng ra ngõ gặp gái; Kiêng hướng xuất hành không hợp tuổi; Kiêng thăm gái đẻ, gái chửa trong ngày tết; Kiêng ăn cơm 2 nồi trong một bữa; Kiêng bị đòi nợ đầu năm; Kiêng xuất hành hoặc khởi công, khai trương ngày 3, ngày 7, ngày 13…; Kiêng ngôi nhà số 13, hoặc nhà tầng số 13… Đó là những thứ kiêng kỵ hủ tục, mê tín dị đoan, thiếu cơ sở khoa học.
Có những việc kiêng kỵ lành mạnh như cùng nhau làm những điều lành, tránh xa điều ác, trồng cây để cải tạo môi trường, không đánh chửi nhau, không cãi cọ nhau, không nói lời hiểm độc sâu cay, thậm chí hôm trước còn giận nhau thì hôm tết lại xóa bỏ hận thù và niềm nở chúc lành cho nhau.
Ngày Tết mọi cử chỉ phải cẩn thận, khéo léo, tránh "ăn đổ làm vỡ"... Đầu năm thường phải thực hành nghi lễ báo hiếu, đền ơn đáp nghĩa uống nước nhớ nguồn… - đó là những kiêng kỵ lành mạnh, cần giữ gìn và phát huy.
Có nhiều điều kiêng kỵ mang tính văn hóa truyền thống tốt đẹp, như nhờ người có phúc đức, tuổi thọ cao, mạnh khỏe để xông đất, mở cửa hàng, khai trương, chúc phúc… Mong được người tuổi cao đức trọng chúc phúc, được lì xì (mừng tuổi) để được may mắn, lấy phúc... làm cho đời sống tinh thần của người dân được vui vẻ, hưng phấn thì cần được phát huy, giữ gìn nhằm tăng cường mối giao hảo trong cộng đồng, chủ yếu là liệu pháp tâm lý, và chẳng có hại gì.
Nhưng có những thứ kiêng kỵ liên quan tới tâm lý, thì cũng cần nghiên cứu và cân nhắc, ví dụ như Những người làm trong nghề kinh doanh thì họ hay kiêng xuất quỹ hoặc kiêng phải "chi" trong ngày đầu năm, thậm chí kiêng xuất tiền trong ngày đầu tháng.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Giadinh.net.vn)
http://giadinh.net.vn/o/nhung-kieng-ki-ngay-tet-khong-con-phu-hop-voi-ngay-nay-20200123225346327.htm