Thông tin về vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn là cụ Lê Thị Dinh qua đời, hưởng thọ 102 tuổi đã rất được dư luận quan tâm. Được biết, cụ Dinh cũng là người có dòng dõi Hoàng tộc và từ lúc 8 tuổi đã vào ở trong cung với tất cả sự tận tụy và chuyên cần. Sau này, khi vua Bảo Đại thoái vị, bà đã ở lại Huế và cũng qua đời ngay tại thành phố này.
Trước đó, trong một vài cuộc phỏng vấn, cụ Dinh cũng đã kể lại một đôi nét về cuộc sống "thâm cung bí sử" chốn kinh thành, trong hoàng cung. Tuy nhiên cũng theo lời bà, chỉ có một số chuyện là bà công khai, còn lại vô số những điều khác, bà chọn cách giấu kín và mang theo trên hành trình sang thế giới bên kia.
Người con gái Hoàng tộc vào cung làm cung nữ
Mẹ của bà Dinh từng kể lại với bà rằng: "Từ thời vua Khải Định về trước, cung nữ được tuyển vào cung vô cùng khắt khe. Cung nữ có hai loại danh phận. Thứ nhất là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai đơn giản hơn là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp". Tuy nhiên, đến thời vua Bảo Đại thì lại không có lệ tuyển cung nữ nên bà Dinh khi đó 8 tuổi, cũng có nguồn gốc là con cháu Hoàng tộc, thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần đã được đưa vào phục vụ trong cung.
Năm đó, bà Dinh đang học lớp 5 trường Đồng Khánh (là trường Hai Bà Trưng bây giờ), bà được Thánh Cung Hoàng hậu - vợ vua Đồng Khánh, gọi vào cung. Khi bà 15 tuổi, Thánh Cung qua đời, bà chuyển sang hầu hạ Đức Từ Cung. Mỗi tháng bà được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo). Trong 4 cung nữ hầu hạ Từ Cung Hoàng Thái hậu thời đó, bà Lê Thị Dinh làm nhiệm vụ trang điểm cho Đức Bà. Thỉnh thoảng bà còn được sai viết thư thăm hỏi vua Bảo Đại mỗi lần vua đi du hí.
Quy định đối với các cung nữ cũng rất khắt nghe, ngặt nghèo vì dù phục vụ xuyên suốt thời gian nhưng họ không được ăn cơm, đi vệ sinh trong cung mà phải đợi đến lúc có người trực thay thì mới được về nhà ăn cơm rồi sau đó quay lại cung làm việc tiếp.
Ấn tượng về những nhân vật trong cung
Từ Cung Thái hậu và vua Bảo Đại là hai người mà cung nữ Lê Thị Dinh nhớ nhất. Với bà, Đức Từ Cung là người bà yêu mến và kính trọng nhất vì sự chu đáo, biết lo lắng cho vận mệnh của hoàng tộc và đặc biệt rất thương dân. Nếu biết một vùng quê nào đó có người dân đói khổ, ngài sẽ sai người phát lưng thực. Đức Từ Cung cũng rất thích nghe những bài vè những người phụ nữ khí phách của nước Nam như Huyện Thanh Quan, Triệu Ấu, công chúa Huyền Trân… Bà Dinh đã hầu hạ Đức Từ Cung tổng cộng 60 năm, cho đến khi ngài qua đời.
Bà Dinh từng kể rằng các bậc vua chúa đều rửa mặt bằng nước ngầm từ hoa hoạc nước nấu từ sả tươi, bưởi hoặc chanh. Trước khi đi ngủ, họ cũng rửa chân bằng nước ngâm hoa. Tới bữa ăn, chính bà Dinh sẽ là người kiểm tra các món ăn. Theo đó, bà cùng với 2 cung nữ khác sẽ kiểm tra lại lần cuối trước khi Đức Từ Cung và vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương ăn. Việc kiểm tra này nhằm mục đích xem món ăn có hợp khẩu vị và có độc hay không. Mỗi món ăn đều được đựng trong những chiếc đĩa nhỏ và bày biện ngay ngắn trên bàn. Ngoài ra, bà Dinh cũng là người trải chiếc cho Đức Từ Cung khi ngài đi ngủ.
Còn về phần vua Bảo Đại thì theo lời bà Dinh là một vị vua có nhiều cung tần, thứ phi nhưng vẫn hay tìm niềm vui bên ngoài. Chính Đức Từ Cung cũng phải cảm thấy ăn ngủ không yên vì vua Bảo Đại con trai bà suốt ngày chỉ biết đam mê tửu sắc mà không màng lo đến chuyện đại sự. Nói như vậy nhưng khi được hỏi thêm, bà Dinh chỉ lặng lẽ nói rằng bản thân là con cháu Hòng tộc nên không muốn kể những chuyện không hay ho về tiền nhân. Chuyện gì đã qua rồi thì để cho qua đi, kể cả những "thâm cung bí sử" cũng vậy.
Sau này, chính bà Dinh cũng là một trong số những người hiếm hoi chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại.
Cuộc sống sau khi rời khỏi cung cấm
Sau khi Đức Từ Cung qua đời, vì vừa là cung nữ vừa là con cháu hoàng tộc, bà Dinh chuyển đến phủ Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, TP. Huế) để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, từ năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại. Những năm về sau này, dù đã tuổi cao sức yếu nhưng bà Dinh vẫn thường xuyên đến thăm Đại nội như là một cách để nhớ về những năm tháng xưa kia.
Ngày 21/2/2020, bà Dinh trút hơi thở cuối cùng ở Huế, kết thúc cuộc đời của một cung nữ cuối cùng triều đại nhà Nguyễn. Bà Dinh là một nhân chứng lịch sử đặc biệt đã giúp nhiều người hình dung được một phần nhỏ về cuộc sống của triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta.
Tang lễ bà Dinh được gia đình tổ chức theo nghi lễ Phật Giáo và sau đó sẽ an táng tại nghĩa trang phía nam Thành phố Huế. Xin tưởng nhớ bà!
Theo Mộc Lan (Pháp luật & Bạn đọc)