Theo đó, sở này tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, phụ huynh các biện pháp phòng bệnh, theo dõi trẻ hằng ngày, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời.
Theo đó, những bệnh dịch hè – thu cha mẹ cần có kiến thức để phòng tránh, bảo vệ con mình gồm:
Bệnh sởi
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương dự báo trong năm 2018, dịch sởi có thể xuất hiện tại miền Bắc. Do đó, những bậc cha mẹ có con từ 9 tháng đến 15 tuổi cần lưu ý thông tin này. Đặc biệt, bệnh sởi có tốc độ lây truyền cao và dễ bùng phát thành dịch lớn.
Mặc dù tỉ lệ tử vong do sở không cao (100 trẻ tử vong trong số 5.000 trẻ mắc bệnh) nhưng căn bệnh này sẽ để lại những biến chứng do không điều trị, chăm sóc đúng cách. Cụ thể, trẻ dễ bị virus sởi gây viêm thanh quản, khó thở, viêm phế quản, viêm phế quản – phổi (thường gây tử vong trong bệnh sở), biến chứng về thần kinh như viêm não, màng não, tủy cấp…
Khi con bạn có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt, hãy nghĩ đến bệnh sởi. Sởi còn khiến cơ thể phát ban theo thứ tự và theo ngày: Ngày thứ nhất ban sẽ mọc từ đầu, mặt và cổ; ngày thứ 2 xuất hiện ở ngực, lưng và cánh tay; ngày thứ 3 ban nổi ở bụng, mông, đùi, chân; khi ban “di chuyển” tới chân, trẻ sẽ hết sốt và ban bắt đầu bay.
Để phòng ngừa, cha mẹ cần nhắc các con vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đại tiện ở trên trường lẫn về nhà, giữ gìn vệ sinh nơi ở, ăn uống đầy đủ chất…
Bệnh tay chân miệng
Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, với các biểu hiện nhiễm độc thần kinh như quấy khóc dai dẳng, sốt cao không hạ (trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ, thuốc hạ nhiệt không có tác dụng), giật mình, đau họng, tổn thương vùng niêm mạc miệng và da như phồng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông…
Đây là căn bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch. Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ nên nhắc con rửa tay đúng cách thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, vệ sinh ăn uống, đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc, cho con cách ly với người mắc bệnh và không đi học nếu bị bệnh.
Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virrus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ở nước ta, bệnh dại được lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương do chó, mèo gây ra.
Trẻ em lại là đối tượng hay tiếp xúc, chơi đùa với chó, mèo nên rất dễ có nguy cơ bị thương bởi các con vật này. Do đó, cha mẹ cần giữ con cẩn thận đối với chó, mèo không rọ mõm, thả rông; không cho con đùa nghịch với chó mèo đang ăn…
Khi bị chó mèo cắn, cần rửa kỹ vết thương 15 phút với nước và xà phòng, sau đó dùng cồn 70 độ sát khuẩn để giảm lượng virus. Sau đó, cha mẹ hãy dẫn bé đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại, đồng thời theo dõi con vật 15 ngày kể từ ngày cắn con bạn.
Bệnh cúm
Bệnh cúm là chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, dễ tấn công trẻ em do sức đề kháng kém, đặc biệt những lúc giao mùa. Bệnh cúm lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, bệnh cúm có thể gây biến chứng trở nặng và nguy hiểm.
Khi bị cúm, sau 2 ngày ủ bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện sốt nhẹ rồi tăng dần (có thể trên 39 độ C), ớn lạnh, ho, đau họng, đau tai, chảy nước mắt mũi, mệt mỏi, kém ăn, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, đau cơ.
Khi con bị cúm, cha mẹ nên tiến hành vệ sinh đường hô hấp mũi, miệng bằng dung dịch muối sinh lý. Ngoài ra, cần bù nước và bổ sung vitamin qua đường ăn uống cho con bằng cách cho uống nhiều sữa, nước trái cây, oresol…
Để phòng bệnh, bên cạnh việc tiêm phòng vắc-xin cúm, cha mẹ cần vệ sinh cơ thể, giữ ấm cho trẻ vào mùa thu đông, nửa đêm…
Theo Duy Anh (Sohuutritue.net.vn)