Những căn phòng trong khách sạn thường đánh lừa được khách hàng với hình ảnh tinh tươm, thoáng mát một là là nhờ thiết kế kiến trúc và hai là nhờ mùi thơm từ chai xịt phòng. Được biết, thời gian trung bình để làm sạch một căn phòng khách sạn là từ 30 đến 60 phút. Trong lúc đó, nhân viên dọn phòng thay vỏ ga gối, cọ nhà tắm và lau sàn nhà cùng những vật dụng khác. Đó là những thứ được làm sạch hàng ngày nếu khách sạn đông khách còn không thì ít nhất cũng là mỗi khi khách trả phòng. Còn lại, mỗi năm một lần, thảm và các tấm rèm cửa, chăn, đệm sẽ được làm sạch. Những thứ ít được làm sạch nhất chính là điều khiển ti vi và điều hòa.
Khi vào phòng khách sạn, có giường ngủ là chắc chắn chúng ta sẽ phải dùng nên hãy có bước kiểm tra thật kỹ xem chăn ga có thực sự sạch sẽ hay không. Nếu thấy nghi ngờ điều gì, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu nhân viên khách sạn thay ga (drap) gối mới mà không phải tốn thêm chi phí nào cả. Ngoài ra, có những vật dụng nếu được thì không nên dùng vì tồn tại trong đó tồn tại cả ổ vi khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người.
Yêu cầu đổi drap giường nếu thấy điểm bất thường sau
Drap giường của khách sạn thường là màu trắng vì nó tạo được cảm giác sạch sẽ, thoải mái. Và vì chúng là màu trắng cho nên việc kiểm tra độ sạch sẽ khi nhận phòng đối với khách hàng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thông thường, drap giường sẽ được giặt theo kiểu đổ đống cùng với chất tẩy rửa hoặc là vẫn được giữ nguyên từ khách vừa trả phòng nếu như không may gặp phải một nhân viên dọn phòng hơi lười một chút. Trong trường hợp 1, drap nếu dính chất bẩn như vết nôn hay sơn gel nào đó sẽ rất khó làm sạch triệt để nếu chỉ qua duy nhất 1 lần giặt. Cho nên nếu thấy bẩn thì hãy yêu cầu đổi ngay lập tức.
Còn nếu gặp phải trường hợp thứ hai, khi các nhân viên dọn phòng đã cố gắng ủi phẳng ga giường như một chiếc mới tinh nhưng chắc chắn sẽ vẫn có những vết nhàu hoặc xô lệch do áp lực từ cơ thể con người đè lên. Drap lúc đó sẽ không căng, phẳng như mới nữa. Nếu phát hiện ra điểm bất thường đó, khách hàng cũng đừng vì ngại mà cắn răng dùng lại đồ của người khác mà làm gì.
Nếu được thì hãy mang khăn tắm ở nhà đi thay vì dùng khăn của khách sạn
Thực tế, trong số các vật dụng tại khách sạn chưa đạt chuẩn thì khăn tắm là một trong những thứ bẩn nhất. Những chiếc khăn tắm này được "luân phiên" từ cơ thể vị khách này đến cơ thể vị khách khác. Chúng mang vô số những mầm bệnh như hắc lào, lang ben, viêm da, mụn nhọt…
Những chiếc khăn này thường được giặt đồng loạt trong dung dịch nước tẩy mạnh nên vô cùng độc hại đối với làn da. Vì khối lượng khăn không đủ cung cấp cho số lượng khách lưu trú nên nhiều khách sạn chỉ phơi hoặc dùng lại khăn cũ mà không qua xử lý. Và đó là cơ hội cho các vi khuẩn bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào cơ thể.
Vì thế cho nên, trong bước chuẩn bị hành lý đi du lịch, khách hàng nên mang theo chiếc khăn tắm cá nhân để đảm bảo sạch sẽ cho chính bản thân mình.
Bàn chải và kem đánh răng có sẵn đều là loại không thương hiệu, đừng có dùng
Kem đánh răng được sử dụng trong các nhà nghỉ, khách sạn đều là những thứ nếu không phải được bán rộng rãi tại các chợ đầu mối thì cũng là từ mối cung cấp của các công ty chuyên sản xuất hàng loạt không nhãn mác. Giá của chúng đương nhiên là rất rẻ và lại tiện lợi, còn các chủ khách sạn vì muốn tiết giảm chi phí nên chẳng ngại dùng cho khách.
Những sản phẩm này thường có nhiều vi khuẩn, tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng. Vì thế cho nên nếu được, trước khi đi du lịch, khách hàng nên chuẩn bị sẵn từ nhà bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt và một tuýp kem đánh răng nhỏ trong vali. Giá thành của những sản phẩm này không đắt mà đi chơi thì cũng chỉ có vài ngày nên sau khi chuyến đi kết thúc, du khách có thể mang những thứ đó về nhà để dùng tiếp cũng coi như một cách tiết kiệm.
Điều khiển ti vi, điều khiển điều hòa, công tắc điện cẩn thận vệ sinh tay sau khi dùng
Nếu thứ gì cũng cảnh báo bẩn thì chắc khi đi du lịch, vào phòng khách sạn, khách hàng chỉ mỗi đi đi lại lại rồi lên giường nằm ngủ mất. Nhưng kỳ thực là những chiếc điều khiển và công tắc điện là những thứ ít được làm sạch nhất trong khuôn viên phòng. Trong khi đó, chúng đã từng qua tay bao nhiêu người cầm và chứa đầy vi khuẩn gây bệnh.
Cách tốt nhất để dùng những đồ vật này là bọc nilon vào tay khi cầm điều khiển và lấy khăn giấy tẩm một chút nước tẩy để bôi vào công tắc rồi lau khô trước khi dùng. Có thể nhiều người sẽ nói bạn hơi kỹ tính một chút, nhưng vì sức khỏe của mình và những người thân thì làm vậy cũng đáng lắm.
Hạn chế dùng cốc thủy tinh vì chúng rất có thể được rửa bằng cả thuốc tẩy
Cốc thủy tinh trong khách sạn, nhà nghỉ tưởng sạch mà cực bẩn. Lý do là nhân viên nhà nghỉ sẽ không có thời gian rửa nó kỹ càng mà họ sẽ chỉ tráng qua loa, thậm chí dùng khăn bẩn để lau. Hoặc có một số khách sạn còn tiết lộ rằng họ thường ngâm cốc trong bồn rửa của toilet và làm sạch bằng dầu gội đầu, thuốc tẩy.
Vì thế, khi đi du lịch, du khách nên tận dụng chai nước suối để súc miệng thay vì dùng cốc có trong nhà nghỉ.
Bồn tắm khách sạn nếu không sạch thì chẳng khác gì đồ trang trí
Thật sự là như thế bởi bồn tắm là một trong những thứ đòi hỏi phải được vệ sinh thật kỹ. Còn nếu không sạch sẽ, vẫn còn vài mảng bám chưa được cọ sạch hoặc vài sợi tóc lạ vương vãi quanh bồn thì thiết nghĩ bạn nên tạm biệt chúng, chọn phương án dùng vòi sen thay vì tắm bồn vẫn tốt hơn.
Tuy nhiên đây sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn nếu bạn đã cất công tới một khách sạn sang trọng, hay resort đắt tiền để có một chiếc bồn đẹp “sống ảo” mà lại không được sử dụng đúng không!?
Thế nên lúc vừa check in phòng, bạn hãy dạo một vòng quan sát thật kỹ. Nếu có phát hiện lạ nào thì báo ngay với phục vụ để họ dọn dẹp hoặc thay phòng khác khi bạn không vừa ý.
Theo Nhân Mã (Helino)