Việc thờ cúng trong gia đình dòng tộc Việt Nam nói chung nhà nào cũng có ban thờ tổ tiên, và mỗi vùng miền, mỗi nhà có khác. Nhà có điều kiện thì làm hẳn phòng thờ, án thờ. Nhà thì dùng ban thờ, tủ thờ, ban thờ treo…
Người miền núi có thêm ban thờ ngoài sân (nhưng nhà có, nhà không). Từ miền Trung trở vào Nam thì ban thờ có cả trong nhà, ngoài sân, trên nóc với nhiều kiểu ban thờ...
Chất liệu thì nhà treo trên tường, nhà xây bệ thờ kiên cố bằng xi măng, ốp đá.... Việc bốc bát hương cũng khác nhau, nhà thì 3 bát , nhà thì 1 bát, nhà thì 5 bát, 7 bát hương...
Việc bài trí thì nhà có ảnh các cụ, có nhà không, có nhà có bài vị, có nhà chỉ có bát hương và đồ thờ đơn giản như chén đĩa, lọ hoa…
Chuyện thờ cúng là tự tâm, là điều ý nghĩa trong tâm, không có luật lề, ranh giới đúng sai.
Ảnh minh hoạ |
Vài trăm năm trước, khi hầu hết người dân không biết chữ thì các thầy đồ kiêm luôn thầy cúng. Các thầy đọc sách thánh hiền nên nói là dân nghe theo, mà sách thì do các thầy viết ra, truyền lại. Và đương nhiên, văn hoá thờ cúng mơ hồ hình thành như vậy.
Ngày nay nhiều bài báo mạnh dạn viết ra những luận điểm, thêm một câu chuyện nào đó về cúng gà, nào là do con gà gáy mới có mặt trời, nào là dũng sĩ bắn cung tên rụng mặt trời… Đó là truyện cổ tích dành cho trẻ em, không phải chuyện để người lớn đọc và thờ cúng. Nhưng nhiều báo và cư dân mạng đã copy lại những thông tin đó, và nhiều năm sau người dân vẫn coi đó là một sự thật dân gian, cổ truyền.
Truyện cổ tích chỉ hợp với trẻ thơ, như truyện bánh chưng, bánh dầy, như chuyện trái đất hình tròn, không phải hình cái bánh chưng. Còn xưa người ta cho rằng trái đất hình vuông, đi mãi sẽ gặp cột chống trời – đó là truyện cổ tích.
Cái gì thuộc về xa xưa chưa chắc đã đúng. Thế kỷ 21 rồi, sao chúng ta cứ lôi ra những thứ không có cơ sở thực tiễn để áp dụng trong thế giới hiện đại, rồi đôi khi phải suy nghĩ đắn đo, rồi hoang mang, lo lắng.
Cúng gà năm Dậu?
Năm nay là năm Đinh Dậu, và nhiều người bảo là “năm gà không được cúng gà”, năm Tỵ cũng không được cúng gà vì “sợ rắn nuốt gà”. Lý do là “thấy người ta bảo thế” - chắc do các ông bà thầy cúng đưa ra với những lý lẽ thuyết phục.
Vậy không cúng gà năm Dậu thì năm nay có kiêng ăn gà không, hay chỉ kiêng dịp Tết? Mà nếu kiêng thì cả gia đình kiêng luôn - thế mới hợp lý.
Theo tôi, năm Đinh Dậu chỉ là tên gọi theo cách tính lịch của người xưa, chứ nó không liên quan gì tới con gà (cách tính âm lịch dựa vào chu kỳ của mặt trăng, tính theo lục thập hoa giáp, và áp quy luật thiên can địa chi, hàng chi thì lấy tên 12 con giáp trong đó con gà đứng thứ 10 – năm Dậu).
Khi ta kiêng cúng gà năm Dậu vô tình lại đưa con gà thành linh vật, lâu dần nó lại thành “một nét văn hoá” thì không ổn. Bởi như thế một ngày nào đó, một thầy nào đó phán rằng: Năm Tý chúng ta không được giết chuột, năm Sửu không được giết trâu, năm Mùi không được thịt dê, năm Tuất các nhà hàng thịt chó đóng cửa… và câu chuyện lan truyền thì… nghe càng không ổn.
Tệ hại hơn là nếu không rõ điều gì thì hỏi “bác Google”, vậy là ra một loạt các thông tin copy của nhau, và chỉ một bài viết dù đúng, hay sai cũng có thể ảnh hưởng tới lối sống của cả một thế hệ. Nhất là chuyện tâm linh vốn không có quy chuẩn rõ ràng, nên rất dễ bị bóp méo và biến thành một cái gì đó khác thường.
Theo chủ quan của tôi, Tết đến cúng gì cũng được, tùy khả năng và điều kiện của từng nhà. Gia chủ cúng sao cho tâm mình thanh thản, nhẹ nhõm, cảm thấy mãn nguyện là được.
Nhà Phật dạy: "Vạn pháp do tâm sinh, vạn pháp do tâm diệt", ý nghĩa dâng cúng là biết ơn trời đất, thần phật và những bậc tiền nhân cho ta cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay.
Vũ Cường
Câu lạc bộ Phong thủy xứ Đoài Thăng Long
Theo Gia Đình & Xã Hội