Nhà hơn 2 m2, bố con phải nằm nghiêng khi ngủ giữa phố cổ Hà Nội

07/07/2017 07:40:00

Leo qua vài bậc cầu thang cũ mới đến căn nhà cạnh cầu thang của ông Cao. Căn nhà này có chiều dài khoảng 2,5 mét, chiều rộng khoảng 90 cm và chiều cao chưa đầy 1,5 mét.

Leo qua vài bậc cầu thang cũ mới đến căn nhà cạnh cầu thang của ông Cao. Căn nhà này có chiều dài khoảng 2,5 mét, chiều rộng khoảng 90 cm và chiều cao chưa đầy 1,5 mét.

Xem video:

Trái với sự sầm uất phía mặt tiền phố cổ Hà Nội, sâu trong các con ngõ là những căn nhà nhỏ đến mức khó tin. Nhà của cha con ông Chu Văn Cao (SN 1947, ở phố Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trường hợp như vậy.

Băng qua con ngõ nhỏ, tối và sâu hun hút, chúng tôi phải trèo lên vài bậc cầu thang cũ, nham nhở mới tìm đến được căn hộ - nơi cha con ông Cao tá túc hơn 20 năm qua.

Phố cổ Hà Nội, hoàn cảnh khó khăn

Căn hộ không có cửa, chiều dài khoảng 2.5 mét, chiều rộng khoảng 90 cm và chiều cao chưa đầy 1,5 mét. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ, nghỉ của hai cha con ông đều diễn ra ở đây.

Phố cổ Hà Nội, hoàn cảnh khó khăn

Căn hộ có chiều rộng chưa đến 90 cm. Buổi tối, khi ngủ hai cha con ông Cao phải nằm nghiêng. Ảnh: Vỹ Khúc

Trước đây, ông sống ở phố Khâm Thiên, Đống Đa với bố mẹ, sau đó ông chuyển về phố Thuốc Bắc ở trong căn nhà chưa đầy 16m2 ở tầng 1.

Căn hộ này vốn là gác xép gắn liền với căn phòng 16m2 ở tầng 1. Do làm ăn thất bát nên ông phải bán căn hộ phía dưới trả nợ, chỉ giữ lại phần gác xép để ở.

Ông Cao hài hước bảo, đây là căn hộ ba không, tức là không có điện, không có nước và không có cửa. Đồ đạc trong nhà ông không có gì giá trị, chủ yếu là sách, báo và  quần áo.

Việc vệ sinh, tắm rửa hàng ngày ông đều dùng chung khu nhà vệ sinh công cộng. Những ngày nắng nóng lên đến cực điểm, ông phải ra ngoài ngõ hoặc tìm chỗ bóng râm ngồi cho thoáng, đợi đến đêm khuya mới về ngủ.

"Muốn ngủ, hai bố con tôi phải nằm nghiêng mới đủ chỗ, chứ nằm ngửa như bình thường thì không có chỗ cựa mình. Trần nhà thấp, mỗi lần mặc quần là tôi phải nằm ra sàn mới mặc được vì đứng là phải khom người...", người đàn ông sinh năm 1947 cho biết.

Phố cổ Hà Nội, hoàn cảnh khó khăn

Chiều cao căn hộ hơn 1 mét, mỗi lần đứng dậy ông Cao đều phải khom lưng. Ảnh: Vỹ Khúc

Năm 1983, khi đã 36 tuổi, ông lập gia đình với một người phụ nữ ở Đông Anh, Hà Nội. Người phụ nữ này vốn đã có chồng nhưng do mẫu thuẫn nên hai vợ chồng ly thân. Số phận đưa đẩy, bà và ông Cao gặp nhau rồi nên duyên.

Người chồng cũ tìm mọi cách gây khó dễ, giữ hết giấy tờ nên bà không làm được thủ tục ly hôn. Bà đành gác chuyện ly hôn lại, cứ thế sống với ông Cao không có hôn thú.

Kết quả của cuộc hôn nhân này là người con trai sinh năm 1988. Không có giấy đăng kí kết hôn, khó khăn về thủ tục, cuộc sống  túng quẫn, ông Cao đành bỏ “quên” việc làm khai sinh cho con.

Sau này con trai ông  được địa phương và nhà trường hỗ trợ, anh cũng học được hết lớp 7.

Vẫn theo lời ông Cao, cuộc sống dưới chân cầu thang chật hẹp, tù túng vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn nên năm 1993, khi con trai mới 6 tuổi, vợ ông để lại con trai cho ông nuôi, bỏ về quê sinh sống. Từ đó ông một mình gà trống nuôi con.

Lời tâm sự của người đàn ông đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời thốt ra đầy bất lực và mệt mỏi. 

Tuổi cao, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động nặng nhọc nên một phần chi phí sinh hoạt của hai cha con ông Cao cũng được bà con xóm giềng tốt bụng hỗ trợ.

“Ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là rửa cốc chén ở quán cà phê…”, ông nói. Theo đó, mỗi bữa hai cha con ông Cao ăn hết 30 nghìn, mỗi ngày ông xin một chai nước lọc ở quán cà phê về uống. Thi thoảng ông đi làm thuê tự do, tiền công khi thì gói xôi, lúc thì vài chục nghìn. Với ông, thế là tươm tất lắm rồi.

Lúc rảnh rỗi ông thường lấy sách ra đọc - một thói quen từ lúc còn trẻ ông vẫn duy trì cho đến tận bây giờ. "Tôi đọc sách để quên đi những nỗi buồn và để mình suy ngẫm về cuộc đời".

Phố cổ Hà Nội, hoàn cảnh khó khăn

Cuộc sống khó khăn nhưng ông Cao vẫn duy trì thói quen đọc sách. Ảnh: Vỹ Khúc

Người con trai của ông năm nay gần 30 tuổi nhưng công việc cũng bấp bênh nên mọi việc trong nhà đều do ông lo liệu. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, quán cà phê vắng khách, ông chỉ dám ăn một bữa.

Anh Bách Tùng - nhà kinh doanh thiết bị ở đầu ngõ, cho biết, hàng xóm còn gọi ông Cao là ông giáo vì có thời gian ông từng đi dạy học.

Cách đây vài năm, ông Cao bị đục thủy tinh thể. Huy động bà con hàng xóm ủng hộ mỗi người một ít tiền, anh Tùng đưa ông Cao đi mổ mắt. Từ đó đến nay ông mới nhìn được bình thường.

"Cách đây mấy tháng, ông kéo điện nhà tôi về dùng, đủ thắp bóng đèn nhỏ và bật chiếc quạt cóc cho những ngày nóng bức. Gần đây chắc nhờ điện nhà nào trong ngõ nên không thấy ông kéo điện nữa".

Anh Tùng nói thêm: "Mọi người thấy ông khó khăn thì giúp đỡ nhưng ông chỉ nhận những gì đủ dùng, ăn uống đạm bạc. Cho ông cái gì, có cơ hội ông lại ra làm giúp việc lặt vặt...".

Theo V.Khúc-M.Anh (Tri Thức Trực Tuyến)