"Có nên cho con luyện viết chữ đẹp?", câu hỏi tuy không mới nhưng mỗi khi được ai đó đặt ra đều kéo theo vô vàn tranh luận khác nhau. Mới đây, nhà báo Trương Anh Ngọc lại lần nữa "hâm nóng" đề tài này bằng một bài viết trên trang cá nhân. Chia sẻ của anh nhận về hơn 3 ngàn lượt thích cùng cả ngàn lượt bình luận.
Với quan điểm giáo dục dựa trên sự tôn trọng trẻ, cho phép trẻ phát huy năng lực cá nhân và tư duy chứ không đặt nặng vào hình thức đơn thuần là vở sạch và chữ đẹp, anh viết:
Bạn ở Châu Âu kể rằng, một hôm kiểm tra vở của con, thấy chữ con xấu quá, tức khí, cô dắt con đến gặp cô giáo và hỏi rằng, tại sao chữ con xấu thế mà cô giáo và trường học chẳng có ý kiến gì.
Cô giáo kiên nhẫn nghe bà mẹ Việt phàn nàn xong thì mỉm cười, không nói gì, mở cặp tài liệu của mình ra và cho cô xem bài viết của khoảng chục học sinh khác trong lớp. Bà mẹ thấy chữ đứa nào cũng không đẹp, thậm chí có đứa còn vẽ cả ra trang giấy nữa. Thế rồi cô giáo nói rằng, chữ viết của mỗi người là cá tính, là cái riêng, là bản sắc của người đó.
Trong môi trường giáo dục này, điều mà cô cũng như các giáo viên khác làm là giúp trẻ duy trì những cái riêng ấy, chứ không ép các con vào một khuôn, một chuẩn theo kiểu chữ phải đẹp hay sách vở phải sạch sẽ thơm tho đúng theo một quy định nào đó (vốn không tồn tại ở đây). "Mỗi một đứa trẻ là một con người khác biệt. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ấy, và chúng tôi dậy bọn trẻ cũng làm điều tương tự với những người khác", cô kết luận.
Có một sự xung đột văn hoá ở câu chuyện này. Bà mẹ Việt lớn lên trong cái gọi là chuẩn về quan niệm thẩm mỹ theo kiểu "vở sạch chữ đẹp", "nét chữ nết người", ai viết xấu sẽ bị điểm xấu, ai viết tay trái thì bị cô đánh thước kẻ đau điếng. Người ta muốn gò học sinh vào một khuôn mẫu, coi đó là cái chuẩn phải theo và không quan tâm đến cá tính cũng như thái độ, tâm trạng của trẻ.
Những đứa trẻ ở thế hệ của bà mẹ đã lớn lên như thế, và sau này, khi thành những ông bố bà mẹ cũng muốn con như thế, và rồi khi họ ra nước ngoài vẫn không thay đổi, cho đến khi họ gặp gỡ trực tiếp với người làm giáo dục và lắng nghe họ nói về sự tôn trọng những khác biệt mang tính cá nhân.
Bạn bảo, hoá ra ở đây họ nhìn nhận vấn đề thật khác, theo hướng không hình thức mà thực chất. Mà nếu xét theo chuẩn của Việt Nam mình, chữ của người nước ngoài thật là xấu, chẳng hề lãng mạn bay bướm hay thẳng hàng thẳng lối như các cuốn tập viết hồi lớp 1, 2 ở nhà. Nhưng cá tính riêng được tôn trọng, quan điểm riêng được lắng nghe, và trẻ được khuyến khích tự lập và phát triển theo năng lực cá nhân từ khi còn nhỏ chứ không ép buộc. "Họ quan trọng việc anh là ai, anh làm được gì, khả năng của anh ra sao, chứ không phải anh trông thế nào, anh viết lách ra sao", bạn kết luận.
Khi mình post cái ảnh tài liệu viết tay tốc kí của mình cũng là để test phản ứng của mọi người, dù mình đã thòng một câu, "đây là mình viết cho riêng mình đọc", nhưng chẳng thấy ai để ý. 100% bảo chữ ấy xấu, thậm chí còn trêu là tại sao không làm bác sĩ.
Đấy là một định kiến rất không hay ho về nghề nghiệp và giá trị của những con người thông qua hình thức. Đừng bao giờ đánh giá người khác theo một chuẩn, một định kiến bị đóng khung liên quan đến hình thức. Hình thức có thể đánh lừa bạn và khiến bạn duy trì những định kiến ấy nếu bạn không cởi mở.
Hãy nhìn rộng ra về những giá trị thực sự của họ, bên ngoài cái vỏ hình thức kia. Mình là mình, vì chỉ có mình viết như vậy. Bạn là bạn, vì chỉ có bạn viết như vậy. Chúng ta khác nhau và có giá trị theo cách của riêng mình, thể hiện ở công việc mà chúng ta làm và những gì ta đóng góp cho xã hội, chứ không phải là vì ta mặc gì và viết như thế nào, phải vậy không?
Những ý kiến trái chiều
Ngay lập tức, chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc thu hút hàng trăm ý kiến đồng tình. Nhiều người cho rằng, viết đẹp là tốt nhưng nếu lấy chữ đẹp như một thước đo thành tích học và dạy là một cách tạo áp lực cho học sinh. Ghi chép chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc tiếp thu kiến thức, không phải hình thức biểu diễn tài nghệ. Theo những người này, văn hóa quy đồng mẫu số sẽ làm thui chột cái tôi, sự sáng tạo của trẻ.
"Ở nước ngoài không ai khuyến khích các con thói cẩu thả, nhưng không cần thiết bắt trẻ mất thời gian trong việc luyện chữ. Thời gian đó để làm những việc sáng tạo hơn, cắt, dán, vẽ, đọc sách, âm nhạc, thể thao, hay đơn giản để thời gian cho các con vui chơi. Nên coi trọng thông điệp, sự sáng tạo trong bài viết của các con, thay vì "nhan sắc" của chữ", một phụ huynh nhận xét.
Trái ngược với ý kiến phản đối việc cho trẻ luyện chữ đẹp, có khá nhiều quan điểm cho rằng việc rèn chữ vẫn rất cần thiết vì nó đem lại nhiều lợi ích tốt như rèn tính kiên nhẫn, cần cù, cẩn thận. Không luyện để chữ xấu quá dễ gây khó chịu và mất thời gian cho người đọc. "Có thể trường học nước ngoài họ không coi trọng chữ viết nhưng văn hóa phương Đông coi trọng, đó là sự khác biệt văn hóa. Đừng cái gì cũng Tây tốt hơn ta".
"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng cho rằng nhà báo Trương Anh Ngọc đang "đánh tráo khái niệm".
"Có nhiều cách để dạy con, đâu chỉ mỗi viết chữ?"
Nói về các quan điểm này, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết: "Trên thực tế, các bài viết về con gái tôi luôn nhắc đến điều này, dù là đề cập trực tiếp hay gián tiếp. Không phải ai viết chữ xấu cũng thiếu cẩn thận, cẩu thả, bản thân tôi viết chữ không đẹp, nếu không muốn nói là rất khó đọc nhưng chưa có ai nhận xét tôi là kẻ bất tài, vô dụng hoặc thiếu ý chí, kém cỏi cả".
"Việc quan niệm xưa về "nét chữ nết người" đã in đậm quá sâu trong tiềm thức nhiều người, khiến họ cho rằng, chữ là con người. Điều đó sai, và tôi phản bác lại quan điểm đó. Một đứa trẻ lớn lên phải là tổng hoà của nhiều yếu tố. Nó không chỉ khoẻ mạnh về thể chất mà còn phải tự lập, có thể không ngại nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình (bất luận đúng sai tính sau) và được rèn về kĩ năng sống từ khi còn nhỏ.
Không thể chỉ nói rằng rèn con viết là rèn kỉ luật được, có rất nhiều cách để dạy con, đâu chỉ bằng cách dạy viết chữ? Trẻ chỉ cần viết đọc được, là được, không nên rập khuôn theo một mẫu nhất định được".
Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, chính anh cũng là "nạn nhân" của quan điểm và cách dạy quá khuôn mẫu. Tuy nhiên trẻ ở thời hiện đại cần rất nhiều điều để lớn lên, và một trong những điều quan trọng nhất chính là suy nghĩ cởi mở, văn minh từ bố mẹ và nhà trường.
"Trẻ con hiếu động lắm, chúng nó khó có thể ngồi cả tiếng chỉ để viết cho đẹp, vừa mỏi lưng, vừa dễ hỏng mắt chỉ để thoả mãn tư tưởng rèn chữ cho con của bố mẹ. Có nhiều cách để luyện cho con tính kiên nhẫn, cẩn thận từ cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn bố mẹ cùng con dọn nhà rồi khuyến khích con làm việc nhà theo cách của mình.
Con tôi cũng thế, hồi nhỏ cũng nguệch ngoạc lắm, nhưng không ai có ý kiến gì. Lớn lên con tự điều chỉnh, viết chỉn chu hơn, ít tẩy xoá hơn, cẩn thận hơn. Đó là một quá trình con tự điều chỉnh khi thấy điều ấy là đúng, chứ không phải con bị ép phải theo một chuẩn nào đó để rồi có một tuổi thơ quá tải vì chạy theo những điều tất cả mọi người khác đang làm", anh nói.
Những em bé đang học lớp một bây giờ sẽ tham gia thị trường lao động trong nhiều năm sau. Tương lai các em sẽ phải cạnh tranh với công dân trên toàn thế giới để có việc làm trên chính đất nước mình, các kỹ năng sống và làm việc toàn cầu mới là những điều cần trang bị cho trẻ.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng việc luyện chữ cho con vẫn cần thiết nhưng chữ viết chỉ cần rõ ràng, dễ đọc là được chứ không nên ép quá tạo áp lực cho trẻ nhỏ. Ngoài giờ học trên lớp, phụ huynh có thể tự rèn luyện thêm cho con ở nhà chứ không cần phải vào lò nào cả để viết được chữ đẹp.
Hiện bài viết này của nhà báo Trương Anh Ngọc vẫn đang được nhiều người quan tâm và tranh luận.
Trương Anh Ngọc được biết đến là phóng viên quốc tế, biên tập viên thể thao, bình luận viên bóng đá, phóng viên thể thao, nhà văn và nhiếp ảnh gia. Anh có một cô con gái sinh năm 2003.
Quan tâm đến mọi vấn đề trong xã hội, chính vì thế mỗi bài viết, bài chia sẻ của Trương Anh Ngọc đều mang những chiều sâu nhất định, có những tác động tích và nhận được sự yêu mến của bạn bè và người hâm mộ.
Theo Hạ Uyên (Trí Thức Trẻ)