Nếu xét về danh vọng, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân có thể được coi là đã đứng trên đỉnh cao và gần như có tất cả. Bà được hàng triệu khán giả Việt biết đến với danh xưng "Đầu bếp quốc dân", "Nghệ nhân Ẩm thực Dân gian" hay "Huyền thoại của gian bếp Việt" nhưng cuối cùng, đến tuổi 65 lại chọn buông bỏ hết đằng sau cánh cửa tu hành. Bà nương nhờ nơi cửa Phật, sống đoạn đời không gì cả ngoài hai chữ "bình an". Có lẽ, khi trưng qua hết những năm tháng phấn đấu, có thăng có trầm và mấy chục năm tu đạo, bà ngộ ra mình chưa thể hạnh phúc nếu tâm chưa an.
1. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân - Cô con gái út ôm giấc mơ bảng đen phấn trắng
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sinh ra trong một gia đình trí thức đông anh chị em tại Hà Nội, sau đó theo chân bố mẹ vào Gia Lai sinh sống lập nghiệp. Bà là con gái út nên được bố mẹ ông bà vô cùng cưng chiều. Tuy nhiên, chính sự cưng chiều này đã làm cho bà trở nên nghịch ngợm ngay từ thuở bé, ngày ấy dù là con gái nhưng bà không hề thích bếp một chút nào. Bước đến tuổi thiếu nữ, bà được bố mẹ gửi gắm vào Sài Gòn học nội trú. Ra trường với văn bằng học sinh giỏi môn Văn, bà tiếp tục học tiếp để theo đuổi ngành giáo viên.
Đúng như ước vọng, không lâu sau đó bà trở thành cô giáo dạy văn của trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền. Rồi bà cưới chồng, sinh con. Ngày bà đi lấy chồng, mẹ bà dặn một câu mà bà nhớ mãi: "Muốn gia đình hạnh phúc thì bếp lửa trong nhà phải luôn luôn ấm". Đó gần như là kim chỉ nam để bà rèn nữ công gia chánh cũng như truyền lửa bếp núc cho bao phụ nữ Việt về sau.
Quay lại chuyện Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân khi còn làm cô giáo. Sự nghiệp bảng đen phấn trắng của bà kéo dài đến 18 năm. Tuy nhiên, quyết định thôi nghề giáo của bà bắt nguồn từ những bi kịch chồng chất mà bà không hề lườn trước được. Bà chia sẻ trong một chương trình Phật Pháp vào năm 2017 rằng bà được yêu thương từ nhỏ không biết khổ là gì nên khi bước ra đời, sóng gió ập tới khiến bà gần như gục ngã.
2. Tháng năm bi kịch, nước mắt của một người mẹ có con trai bị bệnh nặng
Cột mốc bi kịch đầu tiên của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chính là việc mẹ bà bị bệnh tim qua đời. Rồi cả người con trai út cũng lâm bệnh nặng khi chỉ mới vài tuổi. Khi ấy, gia đình nhỏ của bà vô cùng khó khăn, mức lương giáo viên hoàn toàn không đủ để bà phụ giúp chồng nuôi dưỡng gia đình con cái. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà không cách nào khác là phải làm thêm việc ngoài giờ trên bục giảng.
Với đôi tay khéo léo, bà tham gia dạy nấu ăn, đan len, móc áo, thêu thùa, may gia công... Có những ngày bà phải vắt sổ đến 500 cái áo. Cơ cực là thế nhưng cái khổ vẫn chưa thôi đeo bám bà. Tình trạng bệnh tình của con trai út ngày một nặng. Mãi đến khi bà đưa con đến gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bà mới phát hiện ra con trai bà bị bệnh tim.
Để cứu sống con, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân phải giã từ sự nghiệp làm giáo viên, đưa con sang Úc chữa trị, đó là năm 1989. Ngày bà ôm con trai út yếu ớt ra phi trường, trong túi bà chỉ có đúng 5 đô la, bà cũng không hề biết tiếng Anh. Nghĩ lại, bà thấy ngày đó mình thật sự can đảm, nhưng vì để con được sống mà chẳng còn sự lựa chọn nào. Bà nói: "Chỉ cần con sống, bà có thể mất tất cả cũng được".
Sang đất Úc vào ngay thời điểm mùa đông, bà nhớ như in cái lạnh cắt da cắt thịt mà từ bé đến lớn chưa bao giờ bà gặp phải. Thời điểm ấy vì không có tiền, hai mẹ con bà chẳng có lấy một chiếc áo ấm. Rồi trong suốt 1 năm ở Úc, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho con trai út, vừa phụ giúp gia đình nuôi con trai cả ở Việt Nam. Bà làm đủ thứ nghề đến mức sức khỏe giảm sút vì lao lực. Bà chia sẻ, năm đó, đều đặn hàng ngày bà ra khỏi nhà từ lúc tờ mờ sáng mãi đêm khuya mới trở về, mỗi ngày kiếm được vỏn vẹn 6 đô la.
3. Bén duyên với nghề bếp, trở thành gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ
Sau một năm ở Úc, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đưa con về Việt Nam. Lúc này đây, gia đình bà vẫn ở trong tình trạng nghèo khổ, cuộc sống chồng chất khó khăn. Đã thế bà muốn quay lại nghề giáo nhưng không được, chồng bà cũng thất nghiệp. Có những tháng, bà đi chợ 30 ngày là hết 30 ngày mua nợ. Bà buộc phải tiếp tục sự nghiệp làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con ăn học. Được ít lâu bà xin vào hẳn Trung tâm Dạy nghề Tân Bình để dạy làm bánh, dạy nghệ thuật nấu ăn.
Năm 1993, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cần một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho chương trình "Khéo tay hay làm". Nhờ sự khéo léo, giọng nói truyền cảm, gương mặt phúc hậu và ăn hình, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân được mời đảm nhận vai trò giáo viên ấy. Và thế là bà một bước trở thành gương mặt quen thuộc của hàng triệu khán giả Việt. Mỗi khi chương trình phát sóng, nghe giọng bà "Xin chào tất cả các bạn, hôm nay tôi…", là ai nấy từ già trẻ lớn bé đều chăm chú theo dõi.
Việc trở thành người dạy nấu ăn trong chương trình "Khéo tay hay làm" cũng mở ra cho Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nhiều cơ hội mới. Bà trở thành người truyền bá cho ẩm thực Việt Nam ra thế giới lúc nào không hay. Bà đã có hai năm sống và làm việc ở Bắc Kinh và thường xuyên được một trường dạy nấu ăn ở Mỹ mời đến thỉnh giảng, thậm chí còn được nhiều nước khác mời tham dự giới thiệu món Việt trong các chương trình ẩm thực.
Có thể nói bà đã đi tiên phong trong việc quảng bá ẩm thực Việt vươn xa ra thế giới bằng cái tâm, cái tài và sự khéo tay của chính mình. Sau đó, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn bắt tay vào viết sách, đến nay bà đã có hơn 40 đầu sách được xuất bản. Sách của bà được nhiều chị em phụ nữ yêu thích, học tập làm theo để giữ lửa gian bếp gia đình. Ngoài ra, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn sở hữu 3 nhà hàng ăn nên làm ra tại Sài Gòn.
4. Rút lui ở ẩn và bị thêm một nỗi đau xé lòng trước khi quyết định xuất gia
Những năm đầu thập niên 2010, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đột ngột rút lui dần khỏi màn ảnh nhỏ, thay vào đó bà chỉ tham gia vào một số chương trình dạy nấu món chay và tích cực đi từ thiện, làm việc công đức cho nhà Chùa. Bà Quy y Tam bảo vào năm 2012. Cứ tưởng cuộc sống của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân từ đây sẽ yên bình bên hai con trai. Đáng tiếc, bi kịch lại ập đến ngay cả khi bà đã có trong tay gần như là tất cả.
Năm 2014, con trai của bà đang khỏe mạnh bỗng đột ngột bị tai biến mạch máu não rồi qua đời sau thời gian hôn mê sâu. Quả thật, cả đời Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân hy sinh tất cả vì con nên cú sốc này là quá sức chịu đựng với bà. Nhiều tháng sau khi con mất, bà vẫn trong tình trạng mất ngủ triền miên, bà thương nhớ con day dứt. Mãi cho đến khi bà gặp được Sư Ông Thích Thanh Từ tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt bà mới ngộ được nhiều chân lý về cuộc đời. Bà kể, Sư Ông gặp bà, đặt tay lên trán bà và nói đúng 1 câu: "Buông đi con, sao mắt con buồn vậy". Khi về nhà, bà suy nghĩ nhiều đêm mới hiểu được câu nói ấy.
Từ đó về sau, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân gần như buông bỏ tất cả, không cố gắng níu giữ bất cứ thứ gì, mọi chuyện đến và đi với bà chỉ như cái duyên. Và đến nay, khi cái duyên của bà với cửa Phật đã đủ chín, bà quyết định xuống tóc xuất gia, bỏ lại sau lưng những phiền não của cuộc sống.
Phấn đấu cả đời, dù có danh vọng, tiền tài nhưng trong một khoảnh khắc nào đấy, khi đã sống đủ một số tuổi nhất định, chúng ta chợt nhận ra bạn bè xung quanh chỉ chúc nhau một chữ "An" và chợt hiểu ra vật chất trong cuộc đời không có nhiều ý nghĩa lớn lao như ta tưởng.
Cuối cùng, bất cứ ai cũng phải tàn phai theo năm tháng. Sắc đẹp, tiền tài phấn đấu cả đời chỉ là những thứ vô nghĩa. Khi nằm xuống, một cọng cỏ cũng không thể mang theo. Đoạn đường tiếp theo, bà chọn sống bình an cho thân tâm thanh tịnh trong màu áo nâu của cửa Phật. Và chắc chắn, những người yêu quý bà sẽ luôn cầu chúc cho bà có những tháng ngày an lạc như chính con đường bà chọn, ngay lúc này.
Thiết kế: Mộng Mộng
Theo Min (Trí Thức Trẻ)