Nguồn gốc của ngày Quốc tế thiếu nhi
Ngày Quốc tế thiếu nhi được đề xuất lần đầu tiên tại Hội nghị thế giới về phúc lợi của trẻ em vào năm 1925. Sau đó vào năm 1954, Liên hợp quốc đề ra ngày tôn vinh trẻ em toàn cầu, được chào mừng vào 20/11 với tên gọi Ngày thiếu nhi Thế giới, nhưng cũng để cho các quốc gia thành viên được quyền tự chọn ngày Thiếu nhi cho riêng mình.
Một số quốc gia thuộc Khối Xô Viết cũ đã chọn 1/6 làm ngày Quốc tế thiếu nhi nhằm tưởng nhớ rất nhiều trẻ em bị sát hại bởi phát xít Đức trong 1 cuộc vây bắt tại Tiệp Khắc. Ra đời từ năm 1950, cho tới nay có rất nhiều quốc gia cũng chọn ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi của nước mình.
Tuy vậy, vẫn có một số quốc gia tổ chức chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi vào ngày riêng của họ. Ví dụ như Nigeria vào ngày 27/5, Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 5/5, Hồng Công vào ngày 4/4, Tunisia vào ngày 11/1, Parkistan vào ngày 1/7, Đức vào ngày 20/9, Brazil vào ngày 12/10, Sudan và Nam Sudan vào ngày 23/12.
Ý nghĩa của Ngày quốc tế thiếu nhi
Việc chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi có ý nghĩa tôn vinh những mục tiêu được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc về phúc lợi trẻ em toàn cầu, và thường kèm theo việc kêu gọi các chính phủ hành động để đáp ứng 8 mục tiêu về nhu cầu của trẻ em được ghi trong Hiệp ước quốc tế về nhân quyền năm 1989.
Ngoài ra, Ngày quốc tế thiếu nhi không chỉ đơn thuần là tôn vinh trẻ em mà còn làm cho mọi người nhận thức được sự bất hạnh của trẻ em trên khắp thế giới gây ra bởi chiến tranh, bạo lực, bạo hành, bóc lột và phân biệt đối xử; những trẻ em đang phải làm nô lệ, lao động chân tay, sống lay lắt trên đường phố, bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến, bị đấu tố vì tín ngưỡng tôn giáo, phân biệt đối xử vì thuộc dân tộc thiểu số hoặc bị tàn tật.
Nếu bạn để ý, bạn có thể thấy những cuộc diễu hành của các tổ chức phi chính phủ vào ngày này để khiến người dân nhận thức được những điều đã nêu ở trên. Và đó là ý nghĩa của Ngày quốc tế thiếu nhi.
Theo Nam (Helino)