Tết Nguyên Đán cũng là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc. Truyền thống đón Tết được duy trì từ đời này qua đời khác nhưng ít người biết, Tết có từ bao giờ.
Trong tiếng Hán, tháng có ngày đầu năm gọi là Nguyên nguyệt và ngày đầu của tháng ấy gọi là Nguyên Đán.
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.
Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần để tổ chức Tết. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết.
Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười.
Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) đặt ngày Tết vào ngày đầu tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua các thời đại, không còn ông vua nào thay đổi thêm về thời gian của tháng Tết.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.
Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng âm lịch.
|
Giống như ở Việt Nam, người Trung Quốc đón Tết rất linh đình.
|
Tên gọi của Tết âm lịch tại Trung Quốc có khá nhiều. Vào đời Tần, dịp lễ đầu tiên của năm mới được gọi là Thượng Nhật, Cải Tuế. Tên gọi Tam Triều, Tuế Đán xuất hiện vào đời Tây Hán. Nhà Đường gọi Tết âm lịch là Tết Nguyên Đán, Tân Chính, Tân Nguyên…
Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên hiện nay, Tết Nguyên Đán được tổ chức ở một số quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nepal, Bhutan…
Trước đây, Nhật Bản cũng tổ chức Tết âm lịch nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) nước này đã chuyển sang dùng lịch dương cho các ngày lễ tương ứng trong lịch âm.
Ý nghĩa của dịp Tết Nguyên Đán
|
Ngày Tết là dịp để cả gia đình sum vầy, con cái chúc phúc ông bà cha mẹ. |
Nguyên có nghĩa là khởi đầu và Đán có nghĩa là trọn vẹn. Vì thế, Nguyên Đán mang một hàm nghĩa rất nhân văn, đó là sự “khởi đầu trọn vẹn”. Đây cũng là dịp lễ tết đầu tiên của một năm tại những nước duy trì nét truyền thống này.
Chính vì hàm nghĩa nhân văn nói trên nên ngày Tết là dịp để mọi người hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ.
Trong những ngày này, người người hân hoan tay bắt mặt mừng và dành nhiều thời gian đến thăm họ hàng, bạn bè... Ngày Tết còn là ngày khởi đầu cho một hy vọng mới, một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai.
Theo Nguyễn Nhung (Thegioitre.vn/Infonet.vn)