"Người Việt các bạn chắc bận rộn lắm nhỉ, khéo phải bận rộn nhất thế giới", Daniel trả lời khi tôi hỏi anh nghĩ gì về đất nước chúng tôi?
"Bận rộn nhất? Ý anh là sao. Tôi không nghĩ vậy đâu, tại sao anh lại có suy nghĩ này", tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Người Việt vì quá bận rộn nên phả cố chen lấn từng mét đường. Ảnh minh họa. |
"Vì tôi thấy cuộc sống của các bạn gấp gáp, con người luôn cố gắng chen lên phía trước trong mọi hoàn cảnh. Hẳn phải bận rộn lắm người ta mới tìm cách chen ngang khi mọi người đang xếp hàng ở sân bay.
Hẳn phải bận lắm người ta mới tìm mọi cách để vượt đèn đỏ, chen lên, luồn lách thoát khỏi đám đông bằng mọi giá. Chắc cuộc sống phải bận rộn vô cùng, người Việt mới thiếu kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh.
Thang máy mở cửa, tôi thấy nhiều người cố tràn vào trong khi người trong thang vẫn chưa đi ra ngoài. Chắc họ phải bận lắm. Có lần tôi rút tiền ở cây ATM, có người chạy từ đâu tới chen lên trước mặt tôi. Chắc anh ta đang rất bận mới không để ý tôi đã xếp hàng ở đó từ trước.
Nhịp sống của các bạn gấp gáp đến chóng mặt. Tôi thấy taxi dừng giữa đường để đón và trả khách rồi lại vội vã phóng đi. Tôi thấy nhiều xe chạy ngược chiều, chạy sang làn đối diện để thoát. Tôi nghĩ chắc họ phải bận rộn vô cùng".
Daniel quả là người lạc quan. Tôi cảm ơn anh vì đã có một góc nhìn thật bao dung cho những sự lộn xộn ở Việt Nam. Phải, bận rộn. Quả là một lý do vô cùng hợp logic để nghĩ khác đi về sự vô ý thức của một bộ phận người Việt.
Thấy Daniel cởi mở, tôi cũng chia sẻ thật với anh: Thi thoảng những người rất bận rộn mà anh nhìn thấy, họ cũng vô cùng rảnh rỗi.
Người Việt chúng tôi ra khỏi cơ quan buổi trưa, vượt tất cả các chốt đèn đỏ thật nhanh để đến quán ăn ngồi nhậu đến tận chiều với bạn bè. Họ đang ăn cắp thời gian của nhà nước.
Người Việt không bận rộn đến vậy đâu vì vẫn có thời gian nhậu trưa. Ảnh minh họa. |
Tôi thấy nhiều người chen chúc bẹp ruột ở các sân bay, cố làm thủ tục thật nhanh rồi ngồi lì suốt cả tiếng trong phòng chờ chơi game.
Tôi thấy nhiều người vô cùng bận rộn với chiếc điện thoại của họ khi máy bay cất cánh. Họ dường như có cả trăm người phải gọi trong lúc đó, nhưng lúc ngồi chờ máy bay thì lại không có nhu cầu gọi cho ai cả.
Tôi thấy nhiều người bận rộn tới mức không vào nổi các bến xe để mua vé, phải đứng vật vờ ngoài đường, thậm chí đứng cả trên cao tốc chờ xe.
Nếu căn cứ theo góc nhìn của Daniel, người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc… quả là những người rỗi rãi, vô tích sự nhất. Chắc phải là tỷ phú thời gian người ta mới xếp hàng chờ taxi, xếp hàng lên tàu, xếp hàng lên cả thang cuốn...
Chắc phải thảnh thơi lắm nên người Nhật khi lái xe mới nối đuôi nhau, dù làn đối diện chẳng có xe nào cả. Ở xã hội bận rộn như Việt Nam, kiểu gì chả có vài tài xế vì quá bận nên lấn tạm sang làn ngược chiều chạy, khi gặp Cảnh sát lại tạt vào cướp đường của xe đi đúng chiều.
Chắc phải chán sống nên lúc sơ tán vì động đất, người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng. Thật kỳ cục, giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc như vậy mà người ta vẫn xếp được hàng. Chắc họ rỗi rãi và chán sống rồi.
Người Nhật chắc hẳn là "rảnh rỗi" nhất thế giới |
Sau trận động đất khủng khiếp năm 2011, người dân chịu thiệt hại vì động đất xếp hàng nhận cứu trợ. Người ở gần nhường cho người ở xa nhận trước, mình chịu thiệt nhận sau.
Chắc mấy người nhường nhau chẳng thương vợ con ở nhà đang chịu đói đâu nhỉ? Lẽ ra phải chen lên mà lấy nhanh nhất có thể, chứ xếp hàng thì đến bao giờ mới có thức ăn, nước sạch?
Cuộc nói chuyện giữa tôi và Daniel vừa thật, vừa đầy mỉa mai. Một bức tranh sống động về những sự đối nghịch hiện ra.
Tôi nhận mình là người quá rỗi rãi, vô công rỗi nghề nên đành chịu thiệt xếp hàng ở những nơi mà người ta chẳng xếp, dừng đèn đỏ, đi đúng làn trong khi những người bận rộn đều luôn nhanh hơn tôi vài bước...
Theo Bảo Nam (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)