Người mẹ khóc cạn nước mắt kêu cứu vì bị chồng hờ "cướp" con gái mới 8 tháng tuổi

02/09/2016 07:26:00

Trong đơn thư, chị Hằng khẩn thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để chị được đoàn tụ với cô con gái mới 8 tháng tuổi.

 
Trong đơn thư, chị Hằng khẩn thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để chị được đoàn tụ với cô con gái mới 8 tháng tuổi.
 
 
Trong đơn thư gửi đến Báo điện tử Trí Thức Trẻ vào ngày 1/9 với tâm trạng lo lắng, chị Bùi Thị Hằng (SN 1981, thường trú tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho hay, con gái chị là cháu D.A (SN 11/12/2015) đang bị người khác chiếm giữ trái phép.
 
Chị Hằng viết: “Tháng 5/2015 tôi và anh Lương Ng (SN 1987) sau một thời gian tìm hiểu đã về sống chung với nhau như vợ chồng tại địa chỉ xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa mà không đăng ký kết hôn. Trong thời gian này tôi đang mang thai con gái tôi là cháu D.A. 
 
Khi về sống chung tôi thường xuyên bị anh Lương Ng mắng chửi, đánh đập. Tìm hiểu kỹ hơn tôi mới được biết trước khi lấy tôi anh Ng đã có hai đời vợ, nhưng không người vợ nào có thể sống chung được với anh Ng do anh có thói vũ phu, thường xuyên rượu chè, chửi bới, đánh đập vợ. Biết vậy nhưng vì nghĩ cho đứa con nên tôi vẫn cố gắng chịu đựng”. 
 
mẹ trẻ
Chị Hằng mong sớm giành lại quyền nuôi con

Chia sẻ với PV về mối quan hệ của hai người, chị Hằng bày tỏ nỗi ân hận: “Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên vào mạng, quen anh ấy rồi cũng thấy có những điểm tương đồng. Nào ngờ được những khuất tất về cuộc sống của anh ta, chỉ đến khi về chung sống và tôi có thai thì lúc ấy đã muộn”.
 
Chị Hằng trình bày tiếp: “Đến tháng 12/2015 thì tôi sinh cháu D.A. Tuy nhiên, trong thời gian này, anh Ng vẫn thường xuyên chửi mắng đánh đập tôi. Điều này khiến tôi vô cùng đau khổ và tủi nhục. 
 
Không còn sức để chịu đựng những trận đòn vô cớ của anh Ng, tôi đành mang con lánh tạm về nhà bố mẹ đẻ của mình. Nhưng sau đó anh Ng cũng cho người đến tận nhà tôi để cướp cháu D.A và không cho tôi gặp con, nuôi con". 
 
Theo chị Hằng, sự việc đến nay kéo dài đã hơn 1 tháng, và lần nào chị về cũng bị anh Ng mắng chửi, đuổi đi không cho gặp con. Điều này khiến chị Hằng vô cùng lo lắng, hoang mang vì thương đứa con còn nhỏ.
 
“Tôi vô lo lắng cho sức khỏe và số phận của con, bé mới 8 tháng tuổi không được gần mẹ sẽ rất thiệt thòi. Ngày đêm tôi chỉ khóc và thao thức, mong được đón con về để nuôi. Tôi đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề”, chị Hằng chia sẻ.
 
Con dưới 36 tháng tuổi phải được giao cho mẹ trực tiếp nuôi
 
Liên quan đến việc nuôi dưỡng bé gái, Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VP Luật sư Interla – Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, mối quan hệ giữa chị Hằng và anh Ng tuy có chung sống với nhau như vợ chồng và có con chung nhưng họ lại không có đăng ký kết hôn, thì hiện nay pháp luật không còn công nhận hôn nhân thực tế nữa.
 
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, về mặt pháp luật, anh Ng và chị Hằng không phát sinh quan hệ vợ chồng”, Luật sư Hòe cho hay. 
 
Ông Hòe giải thích: “Tuy anh Ng và chị Hằng không phát sinh mối quan hệ vợ chồng, nhưng mối quan hệ cha - mẹ - con với cháu D.A vẫn phát sinh và phải được tôn trọng đúng theo quy định tại khoản 2 điều 68 luật hôn nhân và gia đình “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình”. “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”, yêu thương con cái và tạo điều kiện để con có thể phát triển". 
 
Luật sư Hòe nhấn mạnh: “Về việc nuôi dưỡng bé, theo quy định tại khoản 3 điều 81 thì “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Như vậy, chị Hằng sẽ là người được phép trực tiếp nuôi dưỡng con. Còn anh Ng, tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con như trông nom, chăm sóc, cấp dưỡng, giáo dục con…”. 
 
Về hành vi “cướp” con từ tay người mẹ của anh Ng, Luật sư Trương Quốc Hòe nhắc lại, cha mẹ đều có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cái ngang nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ đang nuôi dưỡng, chăm sóc con thì bố đến không hề hỏi ý kiến, cũng không xem xét đến tình hình của đứa trẻ mà “bắt” con đi.
 
Mặt khác, việc chị Hằng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé là đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của cháu bé, hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, chị Hằng không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền đối với con nên không ai có quyền tước đoạt quyền nuôi con của chị Hằng. 
 
bé gái
Bé D.A đang được anh Ng nuôi dưỡng tại nhà
 
Ông Hòe dẫn chứng: Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2004 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi chiếm đoạt trẻ em. Các quy định của pháp luật hiện hành cũng đã nêu rõ con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, bởi đây là thời kỳ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cháu bé. Việc cháu bé bị "cướp" đi, không được sự đồng ý của người mẹ, là có dấu hiệu giữ người trái pháp luật. 
 
công văn
Công văn của Thanh tra công an tỉnh Thanh Hóa trả lời công dân

Được biết, Công an Tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận đơn thư của chị Bùi Thị Hằng, ngày 25/8 đơn vị này đã có công văn trả lời và thông báo về việc chuyển đơn thư của chị Hằng đến Thủ trưởng cơ quan CSĐT công an huyện Tĩnh Gia để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
Theo Thế Long (aFamily.vn/Trí thức trẻ)