Người giàu không ngẫu nhiên mà họ có tài sản, cơ ngơi đồ sộ. Ngoài một phần là do may mắn thì rất nhiều trong số họ trở thành người giàu là bởi sự nỗ lực, cố gắng suốt cả đời.
Chủ đề những bài học từ người giàu có gần đây được quan tâm nhiều trên mạng xã hội Zhihu. Hai ý kiến dưới đây đã nhận được sự ủng hộ từ mọi người.
Chúng ta là con người, mà người thì phải cạnh tranh chứ không phải dựa vào sự bố thí của người khác
Nhờ nỗ lực làm việc cả đời, ông tôi đã tạo ra được một cơ ngơi đồ sộ. Ông có đến 5 đời vợ và bà của tôi là người vợ đầu. Cả hai đã chia tay nhau sau một thời gian chung sống. Tính bà ngay thẳng, không nịnh nọt, không luồn cúi. Bà không giàu như ông nội nhưng bản thân bà cũng là một người giỏi kinh doanh.
Bà mở quán ăn riêng, là nhà hàng bán thức ăn Nhật đầu tiên ở thành phố tôi. Rồi hơn 30 năm trước, bà lại mở thêm 3 cửa hàng trà sữa trong thành phố nữa. Thế nhưng bà không muốn con gái mình và các cháu gái chỉ biết mở quán ăn hay may quần áo.
Bà nói rằng công việc kinh doanh của phụ nữ không nên chỉ giới hạn trong lĩnh vực ăn uống hay may vá. Bà muốn chúng tôi tiếp xúc với những ngành nghề mà mặc định dành cho nam giới.
Điều bà hối tiếc trong đời là không tham gia khai thác mỏ khi còn trẻ. Lúc đó, nhiều người rủ rê nhưng vì con còn nhỏ, bà không thể bỏ con đi làm xa nên đã từ bỏ cơ hội. Vậy là sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã theo học ngành công nghệ thông tin – một ngành rất ít nữ giới tham gia. Khi đi làm, ban đầu chỉ có tôi và một bạn nữ nữa trong công ty nên bọn tôi khá là bị chèn ép. Sau đó có thêm một vài cô gái mới tốt nghiệp đại học.
Và rồi sau đó chúng tôi thành lập một công ty nhỏ cũng về công nghệ thông tin. Tôi nhận ra chỉ cần làm việc chăm chỉ thì ngành nghề nào chúng ta cũng sống sót được. Nhiều bạn thực tập sinh dần trở thành trụ cột, nhân viên xuất sắc trong công ty và may mắn, chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ.
Trong quá trình cạnh tranh, phát triển và giành lấy thị phần, chúng tôi không sử dụng bất kì mối quan hệ cá nhân nào, kể cả người thân. Bởi vì tôi nhớ bài học bà đã dặn: Chúng ta là con người, mà người thì phải cạnh tranh chứ không phải dựa vào sự bố thí của người khác.
Càng giàu, càng phải chăm lo cho gia đình thật tốt
Tôi có một người chú rất giàu có, là người có thể kiếm được hơn 176 triệu đồng đến hơn 352 triệu đồng mỗi ngày. Chú dặn tôi làm gì cũng phải tập trung cho một việc, luôn phải có bản lĩnh, thay vì đố kị với người khác thì tốt hơn hết nên dành vài năm trong đời để kiên trì học tập.
Điều tôi học được từ chú của tôi, đó là lối sống đơn giản. Ngoài việc mời khách hàng đi ăn, phải đến những nhà hàng sang trọng, chú sẽ dùng bữa đơn giản một mình hoặc về nhà ăn cùng gia đình. Sự giản dị của chú có lẽ là ảnh hưởng từ những lời răn dạy của bà tôi.
Bản thân chú sống giản dị nhưng với mọi người, chú không bao giờ keo kiệt mà còn rất hào phóng. Chú mua một chiếc đồng hồ hơn 350 triệu cho vợ, quyên góp gần 10 triệu đồng để làm đường trong làng và đó là số tiền được góp nhiều nhất làng.
Nhiều năm trước bác của tôi bị ốm nặng, không thể ra khỏi giường được, chú đã bỏ tiền thuê người đến chăm nom bác suốt 10 năm trời. Tất cả những điều chú làm đều là tự nguyện chứ không phải do bị ép buộc. Chú bảo gia đình là gốc rễ của mỗi người, càng giàu, càng phải chăm lo cho gia đình thật tốt.
Chú khuyên tôi dù nam hay nữ cũng phải chú ý đến hình ảnh và khí chất của mình. Bạn có thấy rằng hầu hết những người giàu có đều trẻ hơn so với những người khó khăn cùng tuổi với họ không? Không hẳn là vì họ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thế nào mà ngược lại, họ biết cách ăn mặc và có tinh thần minh mẫn.
Chú và ba tôi cách nhau 1 tuổi nhưng trông chú như một người đàn ông ngoài 40 tuổi, còn bố tôi thì như người ngoài 60. Bố tôi bị mất 1 cái răng còn chú thì không. Chú bảo hàm răng rất quan trọng đối với một người. Khi giao tiếp, mà hàm răng ngả màu, không sạch sẽ thì chẳng ai còn thiện cảm với mình nữa.
Và còn nhiều, nhiều điều nữa mà tôi không thể kể hết được. Tôi lớn lên và nghe những câu chuyện về chú ấy, xem chú như hình mẫu của mình.
Theo Đại Lâm Mộc (Pháp Luật & Bạn Đọc)