Tục ngữ có câu: "Trời nổi giông bão ắt có mưa, người ngông cuồng quá ắt rước họa vào thân".
Phúc khí của một người có liên quan rất lớn tới tính cách của người đó. Người càng ngông cuồng tự đại thì càng dễ rước hoạ vào thân, người càng chăm chắp nghe lời thì càng dễ mất đi nguyên tắc, người càng khinh người thì càng dễ gặp nhiều thất bại.
Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đều vận hành theo quy luật nhân quả. Vậy tại sao có những người lại có thể tích được nhiều phúc khí như vậy?
Đó là bởi họ hiểu được đạo lý đối nhân xử thế với mọi người. Còn những người ít phúc hoặc vô phúc, nguyên nhân phần lớn là bởi họ không hiểu đạo lý làm người. Dưới đây là 3 đặc điểm nổi bật của những người càng sống càng đánh mất phúc khí của bản thân.
1. Tài hèn sức mọn nhưng lại thích diễu võ dương oai
Khổng Tử từng nói rằng: "Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên", ý muốn nói: dẫu có tài cán đến đâu thì xung quanh chúng ta nhất định luôn có người tài giỏi hơn, đáng để chúng ta noi theo học tập. Ngay cả Khổng Tử còn hành động như vậy nữa là kẻ phàm phu tục tử chúng ta?
Bên cạnh đó, luôn có những người tài mọn học ít, dù bản thân chẳng có tài cán gì nhưng thái độ lại vô cùng kiêu căng, lúc nào cũng khoe khoang khắp nơi, lại không biết mình đã trở thành trò khôi hài cho người khác.
Nếu cứ tiếp tục như vậy thì họ không những không gây được ấn tượng tốt cho người ta mà còn giậm chân tại chỗ, mãi mãi không tiến lên được.
Kiểu người này thường sẽ không có tiền đồ hay gây dựng nên thành tựu to lớn gì. Hơn nữa dù cho phúc khí ngự ngay bên cũng sẽ dần dần tan biến, về lâu về dài họ sẽ trở thành một người vô phúc.
Chỉ khi chúng ta không ngừng nâng cao bản thân, biết khiêm tốn, học hỏi mọi người xung quanh mọi lúc mọi nơi, thì mới có thể tiến bộ, phúc khí xung quanh khi ấy mới có thể tích góp ngày một nhiều hơn, cuộc sống cũng từ ấy mà trở nên phong phú và ý nghĩa hơn.
2. Dễ đánh mất nghị lực
Không sợ cuộc sống chán nản, tẻ nhạt, chỉ sợ vì những trở ngại ấy mà đánh mất ý chí nỗ lực của bản thân.
Người có phúc thật sự thì cho dù cuộc sống hiện tại có khó khăn quẫn bách đến đâu, họ cũng sẽ không vì thế mà đánh mất đi ý chí, họ sẽ kiên trì đến kết quả cuối cùng, để tận hưởng thành quả "mây tan thấy trăng thanh" thuộc về riêng họ.
Còn những người vô phúc thì cho dù cuộc sống thuở ban đầu không có gì sai lệch, nhưng nếu cứ mãi chán nản, bất mãn với thử thách khó khăn, họ sẽ dần sa vào cảnh chán chường, ý chí nghị lực cũng từ đó vơi đi, rơi vào cảnh mất phương hướng và động lực để tiến về phía trước. Chính bởi thế, những người này rất khó để có được đột phá lớn trong cuộc đời.
Kiểu người hay đổ lỗi cho cuộc sống không theo ý muốn mà dần mất hết nghị lực vươn lên, cuộc đời họ khó mà có được thành tựu to lớn và cuộc sống của họ cũng sẽ dần trở nên mờ mịt.
Thứ gọi là phúc khí đối với họ cũng chỉ là kiểu "có cầu mà chẳng thấy".
Vì vậy, muốn thoát khỏi cuộc sống sa sút mất tinh thần, chán nản khốn khó, chúng ta phải một lòng tích cực hướng về phía trước, không ngừng cải thiện bản thân, làm được như vậy ta mới có thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại, dần cải thiện cuộc sống, từ đó phúc khí ắt sẽ tự tìm đến với ta.
3. Coi thường người khác
Phúc khí của một người có quan hệ chặt chẽ với thái độ cư xử với người thân bằng hữu xung quanh của người đó. Người có phúc thật sự thì dù có ở trong hoàn cảnh nào cũng đều không khinh thường người khác, ngược lại còn trở nên tôn trọng và đồng cảm với họ hơn.
Đáng buồn là những người vô phúc lại thường có những ngôn từ hành động xem thường người khác. Đặc biệt là trong một tập thể hay đám đông, họ luôn tự nhận bản thân hơn người, thậm chí còn cười nhạo đối phương. Loại hành vi này trong mắt người đời chính là kiểu "lươn ngắn còn chê trạch dài".
Kiểu người này nhân phẩm chắc chắn cũng chẳng cao thượng gì. Mà loại nhân phẩm thấp kém này thường hình thành trong hoàn cảnh phức tạp lâu ngày. Kiểu người này nếu không sinh ra đã sống trong nhung lụa thì chắc chắn sẽ phải trải qua cuộc sống khốn cùng và dễ bị bị mọi người tẩy chay.
Chỉ khi biết nhìn vào điểm mạnh của người khác, luôn giữ thái độ khiêm nhường, mới có thể nâng cao phẩm hạnh và cảnh giới của bản thân. Khi ấy phúc khí cũng ắt tìm đến.
Vậy nên muốn biết một người có phúc khí hay không, chỉ cần nhìn vào hành động, cử chỉ hay lời nói của họ, ta sẽ nhìn ra phúc khí của người đó sẽ càng ngày càng nhiều lên hay càng ngày càng ít đi.
Tương tự, nếu muốn có phúc khí tốt thì phải học được cách từ bỏ lối tư duy và hành động tiêu cực. Khi chúng ta biết khiêm tốn, thầm lặng, tích cực vươn lên, chúng ta chắc chắn sẽ trở thành một người giàu phúc khí.
Theo Khánh An (Pháp luật & Bạn đọc)