"Hôm nay ngày lành tháng tốt, được sự đồng ý của hai bên gia đình và sự góp mặt đông đủ của anh em bạn bè, hai đồng chí Xuân và Định tổ chức hôn lễ. Đại diện cho cơ quan, chúng tôi chúc các đồng chí vui duyên mới không quên nhiệm vụ, hoàn thành tốt các công việc của đơn vị".
Một tràng pháo tay được nổ ra, họa cùng tiếng lách tách của hạt dưa, tiếng bóc kẹo, tiếng bi bô của trẻ con sau lời phát biểu của ông bí thư chi đoàn. Đám cưới của bố mẹ tôi, cặp đôi Xuân - Định những năm 80 cũng là điển hình của ngày cưới thời bấy giờ đã mở đầu như thế.
Khung cảnh hôn trường giản dị nổi tiếng đến mức đi vào sử sách: "Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ phúc to đùng, bên kia là tên cô dâu chú rể lồng nhau treo dưới cái đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là 'Vui duyên mới không quên nhiệm vụ'.
Câu này không thể thiếu ở bất kỳ đám cưới nào, thường được treo ở phông chính như một huấn thị của cấp trên. Chẳng biết nhiệm vụ gì, cứ phải không được quên, hi hi. Câu thứ hai là 'Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn'.
Câu này đám có đám không, thường treo bên nách hoặc ở cuối hôn trường." - Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nhớ lại một thời trong tạp văn Chuyện đời vớ vẩn một cách dí dỏm như vậy.
Thời bố mẹ tôi, đám cưới có sự tham gia của đoàn thể, ủy ban là một niềm tự hào lớn lao. Mọi người tất bật lo căng phông bạt, kê bàn ghế, rót nước và mời kẹo khách khứa giúp cô dâu chú rể.
Lắm khi bác cán bộ nói hăng quá, từ đôi lời giới thiệu biến thành cái báo cáo trồng trọt, sản lượng hợp tác xã từ bao giờ. Chẳng có nhẫn cưới, vòng vàng. còn trang phục thì cũng đơn giản lắm:
"Sát ngày cưới, bố mày mới đi mượn ông Hưng cái áo sơ mi. Cả đời lần đầu tiên được đeo cà vạt, có biết thắt thế nào đâu! Về sau cái áo truyền thống đấy còn qua tay ông Hải, ông Đường, mấy anh em chung một cái áo ngày cưới cả." - Mẹ tôi nhớ lại.
Trình tự sẽ như thế này: cặp đôi sẽ đi đăng ký kết hôn và báo cáo với xã, lãnh đạo sẽ cấp giấy để mua đồ cưới ở cửa hàng thương nghiệp, hai vợ chồng sẽ được mua bánh bích quy, kẹo cứng, thuốc lá Điện Biên, thuốc lá Sông Cầu mời khách khứa, chỉ vậy thôi.
Nếu được ông bà nội ngoại hỗ trợ, hai bên sẽ đi vay tem phiếu vải, thịt, bột mì... để chuẩn bị cho các con. Nhưng trường hợp này khá hiếm vì ai cũng nghèo, chẳng ai có tem phiếu để mà vay hay đổi. Bố tôi bảo có mét vải làm chăn, mua được cái chiếu trên phố Bạch Đằng là tươm tất lắm rồi, đòi hỏi gì nữa!
"Người ta không mừng cưới bằng phong bì như bây giờ, chẳng khá giả gì nên quà cưới cũng cứ tiêu chí thực dụng, hữu ích thôi, nào là đôi gối, ruột phích, bộ bát đĩa, cái mâm, đèn đóm hoặc quyển sổ. Tiền nào có được bao nhiêu, tình cảm là chính ông nhỉ?" - Mẹ tôi kể lại.
Ô tô thì chẳng mơ nên rước dâu bằng xe đạp đã trở thành cái mốt thời ấy. Xe Pegeout cá vàng nào có phải phổ thông gì, cho nên trong ngày trọng đại chú rể bằng mọi giá mượn được chiếc xe đạp để đi.
Bạn của bố tôi - ông Đại còn lặn lội đạp xe từ Hà Nam sang Thái Bình đón dâu, sau đó cả hai lại tiếp tục đi từ Hà Nam lên vùng Lạng Sơn để lập nghiệp. Cả quãng đường đều chỉ dùng xe đạp!
Sau này, khi kinh tế đã khá giả hơn, đám cưới cuối những năm 80 mới có sự xuất hiện của xe ô tô hoặc xe Super Cub.
Rước dâu xong, anh em bạn bè chụp ảnh cùng cô dâu chú rể. Nếu ngày nay là phòng cưới được chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ với ga đệm trắng tinh cùng khăn gấp thiên nga thì thời xưa là một căn phòng tập thể, ba cặp đôi cùng chia nhau...
Đám cưới thời khó khăn nên âm nhạc cũng vì thế mà đượm một màu phấn đấu, quyết tâm. Những bản nhạc như Tôi là người lái xe, Trường Sơn đông Trường Sơn Tây, Đôi bờ cứ thế thấm vào từng đôi lứa nên ước mơ thời ấy cũng chỉ giản dị như Tình ca trên thảo nguyên mà thôi:
Em đưa anh qua núi
Đêm đêm anh nghe em đàn
Năm tháng đi qua êm ấm
Trong căn nhà nhỏ chênh vênh ồ lêu ồ lêu
Đôi khi tình yêu vẫn thế, yêu nhau chỉ vì yêu … nhau.
Nhìn lại một thời đã qua, trong ký ức của hai cụ nhà tôi hay những con người xưa cũ vẫn dấy lên một niềm xúc động vô cùng. Đám cưới thời bao cấp - thời của đám cưới "ba không": không nhẫn, không xe sang, không phong bì nhưng không bao giờ thiếu tình thương yêu, đùm bọc cho đôi lứa!
Theo Tưởng Kỳ (Helino)