"Tôi năm nay 29 tuổi. Thất nghiệp. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy việc từ bỏ công việc hiện tại lại đúng đắn đến như thế. Tôi là y tá. Sau khi học xong tôi được làm việc trong một bệnh viện tại Hà Nội, rồi tôi làm tư tại một phòng khám sản gần bệnh viện. Mỗi ngày không biết có bao nhiêu bệnh nhân tới khám, già có, trẻ có, học sinh cũng có. Tôi tiếp xúc với bao nhiêu người chính bản thân tôi còn không thể nhớ nổi.
Mức lương cũng chỉ đủ ăn, nhưng những thứ tôi chứng kiến hàng ngày khiến tôi day dứt. Những ngày đầu tiên dù đã được học và thực hành nhiều nhưng khi chứng kiến những ca nạo hút từ chính những người mẹ, vì một lý do nào đó phải bỏ sinh linh trong người đi, vì lựa chọn giới tính hay lỡ không phòng tránh, tôi ám ảnh và sợ hãi lắm. Dù mỗi lần thực hiện một ca nào đó, bác sĩ đều thắp nhang trước nhưng tôi vẫn cực kỳ mất bình tĩnh, tay chân không kiểm soát được. Ngày thứ 2, thứ 3 và những ngày sau ấy, tôi cố gắng quen dần với công việc của mình nhưng không được. Tôi không thể quen nổi! Càng không quên được những ca đặc thù từ những hoàn cảnh đặc biệt.
Lần đầu là khi một em học sinh cỡ tầm chưa hết cấp 3 tới bệnh viện khi đã 19 tuần. Em bé ấy còn không biết là mình đã có mà cứ nghĩ mình béo. Sau khi thăm khám bác sĩ, hỏi em suy nghĩ kĩ chưa, em ấy lạnh lùng trả lời cô làm cho cháu đi đừng hỏi nhiều. Tôi ám ảnh tới nỗi không còn dám nhìn khi thấy hình ảnh sinh linh đã thành hình không còn nguyên vẹn. Tôi khóc rất nhiều và có mang bé cho hội bệnh viện sự sống xin chôn cất em, còn mẹ em thì lạnh lùng, không thèm nhìn lại con lấy một lần. Lúc mang bé đi, tôi đã xin nghỉ một tuần. Tôi muốn bỏ việc ngay lập tức nhưng tôi còn mẹ, còn em cần nuôi, không thể bỏ việc cũng không thể không kiếm tiền dù chỉ một ngày.
Tôi quay lại và thay vì chỉ làm y tá, tôi nhận thêm cả việc gói gém các em gọn gàng thay vì vứt bỏ như bình thường để cho hội thiện nguyện mang các em đi an táng. Dù muốn hay không thì điều đó cũng xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ. Có những lần tôi đã khuyên được mẹ các em giữ lại các em hoặc nhờ sự trợ giúp của các đơn vị tình nguyện mà các em đã ra đời dù sau đó có phải vào các tổ chức thiện nguyện. Bẵng đi mà tôi đã theo công việc này 4 năm.
Ngày mùa đông rét mướt giữa dịch bệnh, một em 19 tuổi vào phòng khám khi đã gần 30 tuần tuổi. Em xin bác sĩ cho em được bỏ bằng mọi cách. Em khóc lóc, năn nỉ, em nói em không còn bố mẹ, đang ở với ông bà nên không có khả năng nuôi dưỡng. Em xin bác sĩ hãy bỏ giúp em nhưng bác sĩ nói chỉ có khả năng cho sinh non vì đã quá lớn rồi. Tôi cũng khuyên em ấy là để sinh rồi gửi con đi nhưng em ấy không nghe. Hôm đó tôi đã bằng mọi cách để cứu lấy đứa bé. Khi em được ra đời tôi đã xin đưa em lên bệnh viện cấp cứu và nói với bệnh viện rằng đó là một ca sinh non. May mắn là đứa bé đã cứu được, ròng rã 6 tháng liền tôi ở bệnh viện.
Chăm sóc một bé sinh non khó khăn tốn kém hơn một ca đủ ngày nhiều. Tôi định khi em ổn định sẽ gửi vào chùa hoặc tổ chức nào đó, nhưng ngày ngày nhìn em, một bé gái hồng hào khỏe mạnh bị chính người mẹ của mình từ bỏ, giành giật sự sống và từng ngày lớn lên, tôi đã xin nghỉ việc.
Mẹ em đã rời đi sau khi bỏ lại em, còn tôi làm mẹ bất đắc dĩ tuổi 29. Sau khi hoàn tất thủ tục, tôi đã cùng con về quê sống. Những điều tôi đã làm chỉ mong được bù vào bằng việc chăm sóc con nuôi của tôi. Một sự sống suýt bị tước đi vì sự từ chối của ba mẹ. Mà tới giờ tôi vẫn không quên được những ngày đã qua, tôi phải làm gì bây giờ?"
Đó là tâm sự của một cô y tá mới tự bỏ công việc của mình trong hoàn cảnh gia đình chẳng hề khá giả. Nguyên nhân cũng vì những hình ảnh thấy hàng ngày cứ liên tục ám ảnh và gặm nhấm lấy lương tâm của cô gái 29 tuổi. Dù cũng đã cố gắng thuyết phục những người tới bỏ con, cố gắng cho những sinh linh tội nghiệp có một nơi an nghỉ, thậm chí tự tay cưu mang một đứa trẻ thế nhưng lòng cô vẫn đầy hoang mang tội lỗi.
Câu chuyện đã lấy đi nhiều nước mắt và sự đồng cảm của cư dân mạng. Vẫn biết những người tới bỏ con cũng có rất nhiều hoàn cảnh éo le nhưng hơn ai hết, những đứa trẻ mới là vô tội nhất.
- Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất mà con cái là duyên nợ của cha mẹ. Tại sao lại có những người nhẫn tâm được đến như vậy?
- Lúc chơi hết mình nhưng lúc về thì không hề nghĩ tới hậu quả. Ý thức trân trọng sinh mệnh của nhiều người còn kém quá! Thậm chí đối với bản thân mình cũng chẳng có trách nhiệm gì!
- Người mong không được người thì bỏ đi. Họ phải nếm trải qua nỗi đau khi khao khát được làm mẹ nhưng bất lực thì họ mới biết được hành động hiện tại khủng khiếp tới mức nào!
- Đọc thôi cũng thấy nổi cả da gà nhưng em ủng hộ hành động của chị, cũng khâm phục sự lương thiện và kiên cường của chị. Khi mà điều kiện kinh tế khó khăn, không phải ai cũng dám nhận một đứa trẻ không phải con mình về nuôi đâu.
Dung (Nguoiduatin.vn)