Phút lặng lẽ của những "sứ giả truyền tin" của bệnh viện
"Bệnh viện xin thông báo tin buồn, người thân của anh/chị đã không qua khỏi vì Covid-19" - đó có lẽ là cuộc điện thoại mà không một ai muốn nghe, và cũng không ai muốn gọi. Nhưng dù vậy, khi đã gánh trọng trách trên vai, những sứ giả truyền tin vẫn phải làm tốt nhất trong khả năng của mình, để gửi lời chia buồn đến gia đình người tử vong.
Một đoạn clip ngắn được trích từ video do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, quay lại cảnh một người báo tin đang thực hiện công việc đầy thử thách của mình. Chị xác nhận nhân thân của người đã khuất. Tiếng vang ở đầu dây bên kia run rẩy: "Em là con gái của bệnh nhân" như chờ đợi tin lành, nhưng đáp lại, người báo tin nói: "Bệnh viện xin thông báo tin buồn, trường hợp của bệnh nhân... đã mất...".
Tiếng khóc văng vẳng từ đầu kia nghe rất nhỏ, sau đó là sự im lặng đến nặng trĩu kéo dài. Chờ đợi một lúc, kiên nhẫn lắng nghe và chờ con gái bệnh nhân bình tĩnh, "sứ giả truyền tin" tiếp tục giải thích rằng, trường hợp này, quân đội sẽ hỗ trợ đưa hài cốt bệnh nhân về nhà.
Thủ tục báo tin đã xong, nhưng chị vẫn nán lại ít lâu chỉ để nghe đầu dây bên kia khóc và một lần nữa, nói lời chia buồn với gia đình. Đoạn clip ngắn nhưng đã khiến trái tim tất cả xao động, thương cho thân nhân người đã ra đi, mà cũng thương cả người nhận lãnh nhiệm vụ báo tin nữa.
Phút nghẹn ngào của sứ giả truyền tin cho thân nhân người mắc Covid-19 |
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 diễn tiến nặng và nguy kịch. Để đảm bảo an toàn, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Bệnh viện hồi sức Covid-19 (ở thành phố Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, tất cả bệnh nhân đều không có người thân đi cùng để chăm sóc. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mất hết mọi liên lạc với người thân.
Bộ phận hỗ trợ tìm kiếm và cung cấp thông tin cho người nhà bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức COVID-19 qua Fanpage Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và Zalo (số 0888561080), vì thế được thành lập từ tháng 7/2021.
Những người được giao nhiệm vụ đó luôn phải đối diện với áp lực công việc rất lớn khi tìm kiếm và thông báo tình trạng bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho thân nhân, đặc biệt là khi phải thông báo tin buồn. Nhưng những "sứ giả truyền tin" này cũng cực kỳ quan trọng, vì suy cho cùng, được hay tin tức về người thân, dù tin tốt lành hay tồi tệ, gia đình cũng được an ủi hơn là thấp thỏm lo âu, không biết người nhà mình đang ra sao.
Công việc khó khăn của người mang trái tim nóng và cái đầu lạnh
Người phụ nữ làm công tác "sứ giả truyền tin" tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có mặt ở video trên là chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy). Chị Tuyết Hằng vốn là chuyên viên, nhưng thời gian gần đây kiêm việc liên hệ, báo tin buồn cho người nhà, hướng dẫn thủ tục làm giấy báo tử, liên hệ công an, tổng lãnh sự quán trong trường hợp bệnh nhân là người nước ngoài...
Chị kể, công việc của mình trước hết là xác nhận thông tin người đang tiếp chuyện có phải là người nhà bệnh nhân không, có quan hệ thế nào, sau khi khớp thông tin, chị sẽ báo tin buồn cho họ, rõ ràng ngày, giờ tử vong.
"Một số trường hợp người ta cũng bình tĩnh, nhưng đa số là bất ngờ, bị sốc và khóc rất nhiều. Có người ngất, phải đưa điện thoại cho người khác để tiếp tục tiếp chuyện với mình. Có khi mình lặng theo người ta luôn. Chỉ đến khi thân nhân bình tĩnh để cảm xúc lắng xuống, mình mới tiếp tục"- chị Hằng nói.
Việc thông báo tin buồn cho người thân tử vong vì Covid-19, với chị Tuyết Hằng cũng có nhiều thách thức. Chị tâm sự, có những người nhất định không tin đó là sự thật. Chị nhớ, cách đây chưa lâu có một trường hợp gia đình "cầu cứu" chị nhiều lần, vì chồng của bệnh nhân quá sốc trước tin người vợ của mình đã qua đời.
Anh thậm chí đến trước cổng bệnh viện, nằm ở đó 3 ngày mà không chịu về. Người nhà và nhân viên hỗ trợ đều lo ngại anh có thể nhiễm bệnh cũng như không chấp nhận sự thật. Dù đã báo tin trước đó, chị Hằng phải nhắn tin vào điện thoại thêm lần nữa để người chồng bệnh nhân đọc và chấp nhận sự mất mát của mình.
"Có khi, mình chỉ hỗ trợ cho một gia đình có bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Nhưng sau đó, nguyên cả xóm biết số điện thoại, người ta liên tục gọi hỏi thăm thông tin về người nhà. Lúc đó mình đang ở nhà, nhưng vẫn nghe điện thoại, cố gắng trả lời cho người ta. Mình nghĩ, họ cũng giống như mình, có người nhà đi nằm viện điều trị mà không biết thông tin thì rất lo lắng. Mình thông cảm với thân nhân, và cũng đau xót cùng với họ"- sứ giả truyền tin của Bệnh viện Chợ Rẫy trải lòng.
Theo Bích Chi (Pháp Luật & Bạn Đọc)