Nghệ nhân 45 năm giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống

20/09/2018 09:57:00

Những ngày này, gia đình ông Đỗ Văn Kì (ở xóm Phố, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang hối hả làm những sản phẩm đèn dân gian cung cấp cho thị trường dịp Trung thu sắp tới…

Nghệ nhân 45 năm giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống
Người nghệ nhân đang hoàn thiện chiếc đèn Thỏ ngọc. Ảnh: Nguyễn hiếu

Thăng trầm với nghề truyền thống

Về xã Duyên Thái nhắc đến nghệ nhân Đỗ Văn Kì không ai không biết. Ông là nghệ nhân già chuyên làm các loại đèn Trung thu còn lại duy nhất của làng quê nơi đây. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Kì cho biết: “Gia đình tôi đã có truyền thống làm nghề này hơn 60 năm qua. Bản thân tôi thì đã 45 năm chuyên làm các loại đèn để phục vụ cho nhu cầu Tết Trung thu của thiếu nhi. Nhiều sản phẩm độc đáo do gia đình tôi làm như: Đèn Thỏ ngọc, đèn Ông sư và đèn Bướm… Mỗi dịp cao điểm đến Trung thu là cả nhà thức trắng đêm làm để kịp cho các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Với đặc thù là làm thủ công nên đòi hỏi người làm nghề phải khéo tay, kiên nhẫn và tỷ mỉ mới cho ra được những sản phẩm đẹp, chất lượng”.

Theo ông Kì, từ đầu tháng 6 Âm lịch hàng năm, các chủ cửa hàng tại phố Hàng Mã (Hà Nội) đã rục rịch gửi đến đơn đặt hàng. Nhiều lúc đơn hàng quá lớn, ông phải ngồi cả ngày để cắt, dán sản phẩm, thậm chí có khi thức đến 2-3h sáng. “Có hôm vừa làm, vừa ngủ gật nhưng vẫn phải cố gắng. Một năm mới có một lần, trẻ con còn háo hức huống hồ những người làm đồ chơi Trung Thu như chúng tôi. Với đồ chơi truyền thống này, khéo tay thôi chưa đủ mà cần có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Lớp trẻ nhiều người cũng muốn học, nhưng thấy ngồi cả ngày cắt với dán là nản”, ông Kì chia sẻ.

Ngay từ năm lên 9 tuổi, ông Kỳ đã được bố truyền cho nghề này. Ông cho biết: “Khi mới học nghề, chuyện vót tre làm khung đứt tay là bình thường, hoặc ngồi cả ngày để dán xong một chiếc đèn Ông sư hay đèn Thỏ ngọc là đau hết cả lưng. Thậm chí, bẻ khung hỏng, dán không được đẹp mắt là phải bỏ đi ngay và làm lại từ đầu. Nên đến bây giờ, có nhắm mắt tôi cũng bẻ khuôn chuẩn xác và nhìn lướt qua là biết chiếc đèn có đẹp hay đáp ứng được yêu cầu hay không”.

Để làm ra được một sản phẩm đèn Trung thu chất lượng, gia đình ông phải chuẩn bị nguyên liệu từ đầu tháng 6 Âm lịch. Nguyên liệu chủ yếu là cây đay, cây bồ đề, giấy bóng màu, hồ dán. Cây đay dùng để làm thân đèn nên phải được chọn lọc kỹ lưỡng, sau đó chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi để chống mọt. Cây bồ đề phải chọn hàng đạt chất lượng để làm bánh xe cho đèn. Từ việc làm khung đến cắt giấy, hoàn thiện sản phẩm, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công nên đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ trong từng chi tiết. Giấy dán đèn cũng phải chọn lựa cẩn thận. Những nguyên liệu của gia đình ông Kì hoàn toàn lấy từ thiên nhiên, thậm chí hồ dán cũng được cô đặc từ bột sắn để không ảnh hưởng đến môi trường hay sức khỏe của các em thiếu nhi.

Bà Đỗ Thị Xuân (vợ của nghệ nhân Đỗ Văn Kì) cho biết thêm: “Tôi về làm dâu ở làng này cũng được hơn 30 năm. Xác định đây là nghề truyền thống của gia đình chồng nên tôi hết sức ủng hộ công việc và niềm đam mê của chồng. Còn nếu làm nghề này mà tính kinh tế thì thật sự không đáng là bao so với làm việc khác”.

Theo lời bà Xuân, để làm được một chiếc đèn Ông sư hay đèn Thỏ ngọc phải trải qua 10-12 công đoạn và gần 1 giờ đồng hồ mới xong. Trong đó, việc làm khung, làm khuôn theo sản phẩm là công đoạn khó nhất để tạo ra một chiếc đèn đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó là pha keo dính và dán giấy lên khung cây đã ghép hình cũng cần phải được làm khá công phu và tỉ mỉ.

Trăn trở giữ nghề

Nghệ nhân 45 năm giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống - 1
Những chiếc đèn Ông sư sau khi được hoàn thiện.

Theo ông Kì, gia đình ông có 3 người con nhưng chẳng ai có đam mê nghề ông cha để lại. Dù vậy, ông vẫn hy vọng sau này sẽ định hướng cho 2 cháu ngoại kế nghiệp mình. Ông chia sẻ: “Trước lúc mất, cụ thân sinh tôi đã dặn dò, sau này dù khó khăn như thế nào cũng phải giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình. Ngày trước, cả làng có 6 gia đình làm nghề này nhưng vì thu nhập bấp bênh nên họ đã bỏ dần. Chỉ còn mỗi gia đình tôi gắn bó đến ngày hôm nay cũng là vì đam mê và tình yêu đối với nghề. Thấy những đứa trẻ cứ đến dịp Trung thu háo hức cầm trên tay những chiếc đèn do tôi làm ra để đi chơi là tôi thấy hạnh phúc, mọi mệt mỏi cũng theo đó tan đi”.

Vất vả là thế, nhưng giá thành mỗi sản phẩm do ông Kì làm ra đều ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, tùy kích cỡ lớn nhỏ. “Chúng tôi lấy công làm lãi thôi vì làm đồ chơi Trung thu chỉ mang tính thời vụ, thu nhập chẳng được bao. Cứ 4h sáng là tôi phải dậy lọ mọ đi nhập hàng cho các cửa hàng trên phố Hàng Mã. Vì là đồ hàng mã nên khi vận chuyển phải cẩn thận, nếu không hàng hỏng, bẹp là coi như công toi”, bà Xuân cho hay.

Ngoài việc làm vì yêu nghề thì điều mà ông Kì thấy vui là nhà ông gần trường tiểu học nên mỗi lúc tan trường, một nhóm học sinh lại ùa đến nhà ông xin được cắt dán cho thỏa trí tò mò. “Tôi biết nghề này lớp trẻ chẳng mấy mặn mà nữa, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại những ký ức tuổi thơ cho các cháu. Đó là lý do vì sao bao đời nay, gia đình tôi vẫn làm nghề đèn Trung thu Thỏ ngọc. Đến dịp này, không được tự tay làm ra các sản phẩm đèn lồng, đồ chơi Trung thu là tôi lại cứ cảm thấy bứt rứt trong người”, ông Kì cười nói.

Hơn 45 năm qua tình yêu của ông Kì với những chiếc đèn Trung thu vẫn như ngày đầu, dù biết nghề không cho mình sự giàu có. Ông nói sẽ theo nghề đến khi tìm được người kế nghiệp và khi không còn sức để làm nữa mới thôi.

Theo Nguyễn Hiếu (Giadinh.net.vn)

Nổi bật