Người bà yêu dấu của tôi mất vào năm 1984. Một vài tháng sau ngày tang lễ, dì tôi, cậu tôi và bố tôi, cùng nhau trở về căn nhà cũ nơi họ từng sống cả quãng đời ấu thơ để sắp xếp lại di vật của bà. Đó là một công việc chẳng mấy dễ dàng gì khi cả gia đình tôi vừa trải qua một khoảng thời gian khó khăn, mệt mỏi khi đối diện với một mất mát quá lớn.
Rồi ba người họ vào trong căn bếp nhỏ, ngồi xung quanh chiếc bàn cũ kỹ, cùng ăn bánh mì và ôn lại kỷ niệm thân thương ngày bà còn sống. Bỗng nhiên, cậu út tôi đưa ánh mắt đau buồn nhìn về phía chiếc tủ lạnh và nói: “Em vẫn còn nhìn thấy mẹ đang đứng ở đấy, rót cho em một cốc sữa. Anh chị còn nhớ điều ngọt ngào mà mẹ vẫn thường làm mỗi lần bà rót sữa cho chúng ta không? Bà sẽ nhấp trước một ngụm nhỏ để chắc rằng sữa không bị hư. Mẹ là vậy đó, bà lúc nào cũng lo lắng cho chúng ta tất cả mọi thứ”.
Bố tôi nghe xong liền nhướn mày nói: "Không”, ông hắng giọng. “Cậu sai rồi. Mẹ không phải thử sữa đâu mà bởi vì lần nào rót sữa ra, bà cũng rót quá đầy đấy thôi. Thói quen đấy của mẹ từng làm anh phát điên lên".
Rồi đến lượt người dì của tôi lên tiếng. Dì nhìn hai người anh em của mình với đôi mắt đầy vẻ thương tiếc nói: “Hai người sai hết cả rồi. Mẹ chỉ là trộm một ít sữa của chúng ta đấy mà”.
Tôi đã biết được điều gì về bà mình sau cậu chuyện này? Liệu bà là một người mẹ tận tâm, một người chẳng có khái niệm về không gian, hay một người mẹ thích uống sữa của con mình? Cả thế giới này chắc chẳng ai có thể biết được sự thật. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là sự thật có quan trọng hay không?
Tôi không nghĩ vậy.
Những năm sau này khi tôi càng trưởng thành và va chạm nhiều chuyện trong cuộc sống, tôi lại càng mất dần đi hứng thú muốn tìm hiểu rõ ngọn ngành tất cả những sự thật trong cuộc đời mình. Cái tôi quan tâm đó là cách nhìn nhận của chúng ta về sự thật mà bản thân đang nhìn thấy. Bởi cho đến cuối cùng thứ quan trọng nhất không phải là những gì đã xảy ra mà là cách chúng ta đối mặt với chúng như thế nào. Thế giới mà chúng ta nhìn nhận cuối cùng chính là thế giới mà chúng ta sẽ sống.
Tôi không nói rằng chúng ta cứ nhắm mắt đi mà sống mặc kệ tất thảy mọi thứ. Chắc chắn một lúc nào đó trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận đối mặt với sự thật dù nó rất khắc nghiệt. Nhưng sự thật là sự thật và nó chỉ dừng ở đó mà thôi.
Chẳng hạn như mọi người trong nhà tôi đều nhớ rõ về thói quen của bà sau khi rót sữa cho các con là sẽ uống trước một ít. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng việc bà uống sữa là để làm gì? Lúc này tất cả đều tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người và từ đó chúng ta sẽ có thể đưa ra muôn vàn cách giải thích về hành động kỳ lạ của bà tôi.
Đây cũng là lý do trong cùng một hoàn cảnh nhưng với những người khác nhau - ở đây là bố, dì và cậu tôi - họ sẽ có những cảm nhận riêng và cách nhìn hoàn toàn không giống nhau. Một sự tổn thương có thể biến một người thành anh hùng, cũng có thể làm người khác trở thành kẻ xấu xa. Một sự việc xảy ra với người này là một điều may mắn nhưng với người khác lại vô cùng tệ hại. Điều tôi cho rằng đó là lời khen nhưng rất có thể bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm.
Chẳng ai trong chúng ta có khả năng điều khiển được số phận mình, đó là sự thật không thể chối cãi. Bạn có thể cảm thấy cuộc đời mình may hoặc không may, hoặc là sự kết hợp của cả hai. Vấn đề ở chỗ, nếu bạn cứ cho rằng cả thế giới mắc nợ mình, bạn sẽ mãi mãi sống cuộc đời này như một nạn nhân, căm hờn và bất mãn. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng mỗi ngày trôi qua mình vẫn còn có thể cảm nhận được cuộc sống một cách tròn vẹn nhất, bạn sẽ thấy rằng mình thật hạnh phúc và may mắn biết nhường nào.
Vậy nên bạn ơi, hãy nhìn vào cuộc sống này với đôi mắt thật bao dung và rộng lượng. Bạn muốn nhìn thấy sự thật, cũng tốt thôi, nhưng sau đó hãy đưa sự thật đó qua một lăng kính tích cực nhất, vậy thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Bạn cứ thử đi, tôi hứa với bạn rằng, thế giới bạn đang sống sẽ từng ngày trở nên xinh đẹp hơn.
Theo Đinh Hương (Helino)