Trải nghiệm đặc biệt của một người ngoại quốc sống ở Việt Nam, qua những dịch vụ kinh khủng và anh rút ra: Người Việt nghe chửi mà vẫn ăn được thì chặt chém là bình thường.
Michael (hiện đang làm việc tại một công ty thiết kế nội thất ở Việt Nam) có khá nhiều trải nghiệm với việc bị “chặt chém”. Anh cho rằng, nạn chặt chém không chỉ có ở Việt Nam và anh nhìn “chặt chém” ở Việt Nam theo một kiểu khác.
“Có một số mặt hàng, ví dụ chai nước suối ở Việt Nam, cùng dung tích nhưng giá chưa bằng 1/5 ở một số nước. Cùng một người mua, ví dụ là tôi, không thể xem đó là bị “cắt cổ”, vẫn xem là bình thường.”
“Vậy điều làm cho nó trở nên không bình thường, theo những gì tôi biết, đó chính là không gian mua bán, tâm lý người mua, thái độ của kẻ bán. Những điều này góp phần làm mọi thứ trở nên rối roạn”, Michael nói.
Mua bằng mọi giá là căn nguyên của sự "chặt chém". Ảnh: Internet |
“Tuy nhiên, rất nhiều người bán hàng ở Việt Nam đang lấy những nơi đó ra làm chuẩn cho giá để tăng giá vô tội vạ, không cần biết người mua của mình là ai và hoàn toàn tỏ những thái độ kinh khủng khi họ bị đụng chạm”
Michael lần đầu sang Việt Nam, anh tới Hà Nội. Trải nghiệm đầu tiên của anh chính là sự “thân thiện” của các cô gái quang gánh bên bờ hồ, mời anh ghé vai vào gánh để chụp ảnh.
Anh cảm thấy thú vị vì sự ngộ nghĩnh nhưng mọi thứ biến mất hoàn toàn khi các cô gái đó “chém” anh 1 triệu đồng cho một lần đứng vào gánh. Rồi các cô tiếp theo thi nhau đặt gánh lên vai anh để "ép gánh" chụp ảnh lấy tiền.
Taxi Hà Nội với Michael, có thời điểm thành “thảm họa”. Đi đến một địa điểm, dù bạn anh nói chỉ mất 2km nhưng người tài xế đánh nguyên một vòng thành phố, vừa làm khách mất thời gian, lại vừa lấy của khách một khoản tiền rất lớn.
Đứng sắp hàng trên nắp cống chỉ để ăn phở Bát Đàn. Ảnh: Internet |
Đừng mua bằng mọi giá
Tuy nhiên, với bản tính của một người thích khám phá, Michael trải nghiệm hết tất cả các dịch vụ để xem mình bị “chém” tới cỡ nào. Anh cho rằng, cũng có nhiều nơi không "chém", nhất là ăn uống dù hơi mất vệ sinh chút ít.
Tuy nhiên, chính từ việc ăn uống giúp anh lý giải vấn đề tại sao một số người bán ở Việt Nam có thể cho mình cái quyền được "chém" và người mua chấp nhận chịu "chém" một cách dễ dàng đến thế.
“Họ dùng ghế ngồi để làm bàn ăn, chen nhau quanh một cái ghế, mắm muối đổ tứ tung. Dưới gầm ghế là giấy vệ sinh lau xong dồn lại thành một lớp như cái chăn cỡ lớn. Họ có thể ngồi bất cứ đâu để ăn, kể cả trên nắp cống mà xung quanh là lũ chuột đang nháo nhác”
“Họ có thể ngồi ăn dưới mưa hoặc đang ăn thì cái xe máy chạy qua làm nước bắn tung tóe. Hoặc cũng có thể ngồi ăn mà không cần biết những người làm công việc trật tự hè phố có thể đuổi bất cứ lúc nào, kể cả khi đang ăn giở”
“Nhưng cái tôi bất ngờ nhất là người Việt có thể chịu đựng được việc bị người ta chửi mà vẫn đứng vào để ăn, vẫn cố mà mua”
Anh kể lại, một người bạn dẫn anh đi ăn một quán bún gần bờ hồ Hoàn Kiếm, anh rất ngạc nhiên khi thấy bà chủ luôn nhăn nhó hết với người này người nọ. Miệng bà không nghỉ giây nào.
Khi người bạn “phiên dịch” lại cho anh một số đoạn thì anh thực sự bị sốc. Người bạn đó cho anh biết rằng, ở Hà Nội, việc nghe chửi mà ăn, nghe chửi để được ăn, ăn vì thích nghe chửi, với một số người đang thành bình thường.
Sau 1 năm, anh hoàn toàn được trải nghiệm các thực tế ấy. Nào là rồng rắn đứng trên nắp cống và chịu nghe cáu giận để được mua Phở Bát Đàn; bị chửi để được ăn bánh trung thu Bảo Phương, bị xúc phạm để ăn bún, ăn cháo...
“Khi người mua đàn áp được bạn về mặt tinh thần, tức là bị “chặt chém” về mặt tự trọng, thì chẳng mấy ngạc nhiên khi họ bóc lột bạn về mặt tài chính. Nếu mua bằng mọi giá như thế, thì đừng hỏi tại sao không bị người mua đè nén, chặt chém.”
“Tức là người ta có thể mua, bán hàng ở bất cứ không gian nào dù nó rất tồi tệ, và người mua có thể chịu đựng bất cứ thái độ nào của kẻ bán miễn là được mua”
Michael lý giải, với tâm lý chịu đựng được sự đè nén, chấp nhận được tất cả những sự tồi tệ khác quanh việc mua hàng, thì việc “chặt chém” vốn rất bất thường với cả thị trường lẫn xã hội, đột nhiên thành bình thường.
“Bán hàng thì cần tôn trọng người mua. Tăng giá một cách vô lý không cần biết đến cảm xúc của người mua, không phải là một cách buôn bán chuyên nghiệp. Nó tạo ra hình ảnh xấu xí cho cả người mua lẫn kẻ bán”