Cầu mong một năm buôn may bán đắt
Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Ngày nay, mùng 10 Âm lịch hàng tháng được chọn làm ngày Thần Tài. Song ngày quan trọng nhất vẫn là ngày 10 tháng Giêng. Gia chủ làm ăn kinh doanh chú tâm chuẩn bị cho lễ cúng đủ đầy với mong muốn một năm sung túc, may mắn, được Thần Tài gõ cửa.
Thông thường, trong ngày vía Thần Tài, nhiều người thường tránh việc sinh sự, gây gổ. Lúc làm lễ, không nói lời thô tục, mắng chửi người khác sẽ khiến Thần Tài mất lòng trách phạt.
Một trong những thói quen tồn tại bấy lâu này của người dân Việt mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch chính là đi mua vàng để thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt”.
Bài trí ban thờ chuẩn phong thuỷ
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia phong thuỷ Tuấn Kiệt cho biết, ban thờ truyền thống của gia tiên hoặc ban thờ Phật nên có ánh sáng tốt. Gia chủ có thể dùng ánh sáng điện hoặc đèn để tạo không gian tươi sáng cùng nhiều màu sắc, tượng trưng cho những năng lượng hội tụ khác nhau.
Về màu sắc, bạn nên thay hoặc sơn sửa lại những màu chống ẩm mốc hay u ám. Cũng có thể thay bằng những miếng lụa, khăn lót hoặc đồ vật có màu sắc tươi sáng như vàng, đỏ, trắng. Sự thanh tịnh này sẽ góp phần thu sinh khí tốt.
Gia chủ cũng nên bổ sung những vật dụng, đồ cúng lễ có biểu tượng tốt lành như hình hoa sen, cá chép, nút thắt cát tường, biểu tượng âm dương. Những biểu tượng này có tác dụng chiêu cảm những năng lượng tốt lành và đem lại sinh khí cho ban thờ cũng như toàn bộ ngôi nhà của mình. Thậm chí gia chủ có thể tự đeo lên người những biểu tượng đó.
Ngoài ra, tiêu chí quan trọng của một ban thờ tốt lành về phong thủy còn là sạch sẽ, ngăn nắp. Về phần đồ ăn, mọi thứ nên tươi mới, không để quá hạn và không để hương rơi rụng vào.
Ông Tuấn Kiệt chia sẻ: "Đồ cúng trên ban thờ không cần nhiều nhưng phải chất lượng và thanh tịnh. Đồng thời khi bày biện cũng nên phủ đều khắp bàn, không nên để chỗ trống gây mất cân đối. Khi cúng dường xong thì hạ lễ, hóa tán ban thờ chứ không nên để quá lâu khiến đồ ăn, đồ uống mốc meo".
Mâm cúng ngày vía Thần Tài gồm những gì?
Tùy vào phong tục từng vùng miền mà lễ vật cúng Thần Tài sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo truyền thống, cúng vía Thần Tài thường gồm các lễ vật sau:
Bộ Tam sên: Gồm thịt lợn luộc (thịt lợn phải có cả mỡ, nạc, da), 3 quả trứng luộc, 3 con tôm.
Cá lóc nướng hoặc heo quay bánh hỏi (có thể có hoặc không tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình).
Hũ gạo, hũ muối (đặt ở giữa ông Thần Tài và ông Địa).
Nến (đèn cầy)
Hương thắp (nhang)
3 cốc nước
3 cốc rượu
Tiền vàng mã
Thuốc lá
Hoa tươi (có thể hoa cúc vàng, hoa đồng tiền…)
Tiền lẻ
1 đĩa bánh kẹo
Trầu cau (1 quả cau, 1 quả trầu)
Xôi đậu xanh
Sau khi cúng lễ xong, đồ cúng bằng muối và gạo có thể giữ lại trong nhà cho có lộc. Rượu và nước sau khi cúng xong phải đem tưới xung quanh nhà. Bánh kẹo đã cúng xong thì giữ lại một nửa để ăn, còn một nửa đem đi phát lộc.
Vàng thật thì nên cất giữ để lấy may. Tiền vàng mã đem đốt ở ngoài cổng để cầu xin Thần Tài phù hộ cho cuộc sống gia đình sung túc, bình an, phát tài phát lộc và may mắn cả năm.
Theo Đức Mạnh (Lao Động)