Tần Lan sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh ở Quý Châu (Trung Quốc). Người dân ở đây ít học và bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng mê tín dị đoan.
Khi sinh ra, Tần Lan đã bị người làng xa lánh, gọi là “sao chổi” vì không có những đường chỉ tay.
Người làng quan niệm, những người có lòng bàn tay như vậy sẽ mang lại xui xẻo cho gia đình, thậm chí cho cả làng. Họ thuyết phục cha mẹ vứt bỏ Tần Lan. Tuy nhiên, mẹ của Tần Lan quyết tâm giữ lại con.
Khi Tần Lan 7, 8 tuổi, cha cô đột ngột qua đời. Điều này càng làm tăng thêm thành kiến của dân làng. Họ cấm con cái lại gần Tần Lan, thấy cô ở đâu đều tránh xa.
Chuyến tàu định mệnh
Thời gian trôi qua, Tần Lan và em trai dần trưởng thành, suy nghĩ duy nhất của họ là thoát khỏi ngôi làng này và đi đến một nơi không có định kiến.
Một ngày nọ, có người về làng tuyển công nhân đến làm việc ở Tân Cương. Tần Lan vui mừng khôn xiết, cô quyết định đăng ký và nhận được công việc trong một nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa với mức lương 15 tệ mỗi tháng.
Tần Lan báo tin cho mẹ và đề nghị dẫn em trai 14 tuổi đi cùng để gia đình có thêm thu nhập.
Nhìn thấy ánh mắt háo hức của con gái, mẹ Tần Lan liền lấy hết tiền tiết kiệm đưa cho con để mua vé tàu đến vùng đất mới. Nhưng ra đến ga, vừa định mua vé lên tàu, Tần Lan phát hiện tiền trong túi đã bị mất trộm.
Cô hốt hoảng vì đó là tất cả tiền tiết kiệm của mẹ. Hơn nữa, nếu hai chị em tay không trở về thì sẽ bị cả làng cười chê. Vì vậy Tần Lan cùng em trai bàn nhau lẻn lên tàu. Mỗi người núp ở một góc để tránh sự kiểm tra của người soát vé.
Tiếc rằng sự thông minh của hai đứa trẻ không qua được mắt người lớn. Khi đến một trạm dừng của tàu, Tần Lan đi tìm em trai thì không thấy đâu. Hỏi hành khách, Tần Lan mới biết em trai mình đã bị đuổi xuống vì không có vé.
Tin này như sét đánh bên tai Tần Lan. Cô vội vã xuống tàu, đến điểm dừng trước để tìm em nhưng không thấy.
Trong lúc tuyệt vọng, Tần Lan xin làm bồi bàn trong một nhà hàng ở ga. Hàng ngày cô rửa bát, dọn dẹp nhà hàng đồng thời hỏi thăm tin tức của em trai.
Suốt bốn tháng như vậy, Tần Lan vẫn không tìm thấy em. Chủ nhà hàng biết chuyện đã thuyết phục cô về nhà xem sao, có lẽ em trai đã về nhà rồi. Ông chủ đưa cho cô một ít tiền để đi lại và ăn uống. Tần Lan lau nước mắt, cảm ơn ông chủ rồi vui vẻ về nhà.
Nhưng số phận lại đùa cợt cô gái nhỏ này. Ngay lúc Tần Lan xuống đổi tàu ở ga Thành Đô, cô bị ngất đi.
Khi tỉnh dậy, cô đã ở trong một căn phòng nhỏ tồi tàn. Trước mặt cô có hai người đàn ông, một người ngoài bốn mươi tuổi, người kia đã ngoài sáu mươi.
Nhìn thấy Tần Lan tỉnh lại, người đàn ông lớn tuổi nói: "Ta mua ngươi về làm vợ của con trai ta!"
Lúc này Tần Lan mới nhận ra mình đã bị bắt cóc và bị bán. Cô hoảng sợ không thể tin đó là sự thật. Cô cầu xin: "Em trai tôi đi lạc, tôi đi tìm em, xin hãy thả tôi ra!".
Người đàn ông bên cạnh lập tức biến sắc, tiến tới đấm đá túi bụi vào người Tần Lan.
Sau nhiều lần bị đánh như thế, cô bình tĩnh lại và quyết định nghe lời những người này trước, rồi tìm cơ hội trốn thoát sau.
30 năm tìm đường về nhà
Tần Lan được đưa đến một ngôi làng hẻo lánh. Một lần, nhân lúc vắng người, Tần Lan bỏ chạy, không ngờ bị người làng bắt lại. Cô bị đánh tới mức nằm liệt suốt 10 ngày liền. Thấy không thể trốn thoát, Tần Lan cầm thuốc trừ sâu lên uống nhưng được dân làng giải cứu.
Thấy cô gái không nghe lời, hai người đàn ông quyết định bán Tần Lan cho một người đàn ông khác ở trong núi sâu.
Tần Lan lúc này đã trở thành một xác chết biết đi, chấp nhận số phận ở vùng núi nghèo khó. Cô sinh cho gã đàn ông đã mua mình một con gái và một con trai.
Một lần, mẹ chồng nói với Tần Lan: "Cô có thể viết một bức thư cho gia đình, đừng để gia đình lo lắng. Hãy nói rằng cô đang có một cuộc sống tốt đẹp!".
Nghe đến đây, nước mắt của Tần Lan chảy dài. Cô cầm bút lên muốn nói rất nhiều điều, nhưng cuối cùng chỉ viết một câu: “Con đang ở Hắc Long Giang, con đã kết hôn và có con, cuộc sống của con rất tốt”.
Sau khi gửi thư đi, Tần Lan ngày nào cũng đợi ở bưu điện, nhưng hai năm trôi qua vẫn không nhận được thư trả lời. Đến khi bố chồng hấp hối, Tần Lan đi tìm đồ cho bố thì mới phát hiện bức thư cô gửi cho gia đình vẫn còn nằm ở đó.
Tần Lan cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Ý nghĩ muốn chạy trốn lại bừng tỉnh, cô muốn tìm cơ hội trốn khỏi đây.
Cô quyết định bắt lũ trẻ chăm chỉ học hành để có cơ hội ra khỏi núi. Hơn 30 năm kể từ khi Tần Lan bị bắt cóc, con gái và con trai của cô đã sống đúng như mong đợi của mẹ. Chúng đều đã ra khỏi làng. Con gái tìm được việc và con trai thì đỗ vào trường đại học với số điểm xuất sắc.
Khi thấy mẹ muốn tìm lại gia đình, con gái Tần Lan đã lên mạng nhờ người giúp đỡ mẹ. Cuối cùng, Tần Lan đã tìm được em trai của mình. Hóa ra lần đó sau khi bị đuổi khỏi xe, người em đã tìm đường trở về nhà.
Tiếc rằng, khi Tần Lan về thì mẹ của cô đã mất cách đó 5 năm. Từ khi Tần Lan mất tích, bà luôn sống trong lo lắng. Trước khi chết bà vẫn thốt lên hai tiếng "Lan, Lan".
Theo Linh Giang (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/ngay-ve-trao-nuoc-mat-cua-co-gai-bi-bat-coc-o-ga-tau-30-nam-truoc-2020264.html