Không như tưởng tượng của phụ nữ, ngày Quốc tế Nam giới 19/11 năm nay không hề trôi qua lặng lẽ. Từ sáng sớm, mạng xã hội đã rần rần lời kêu gọi… bình đẳng và than thở không được quà của đấng mày râu.
Các chị em sửng sốt, ơ hóa ra đàn ông cũng… đòi quà trong ngày này ư?
Thật ra, kiểu đòi quà của các anh cũng thật hài hước, chủ yếu là tếu táo cho vui, nhưng cũng không ít anh... đòi thật, thế mới hoảng. Phụ nữ thì một năm có mấy ngày đặc biệt được tôn vinh, 20/10, 8/3… Bọn đàn ông mua vui được “vài trống canh” trong cái này cũng đặc biệt không kém và “đau khổ” không kém, khi mà ngày dành riêng cho các anh lại “chẳng may” cũng là ngày thế giới tôn vinh cái “toilet”.
Từ đầu ngày, mấy anh mạnh miệng cà khịa vợ, người yêu… để đòi công bằng, bình đẳng. Rằng đàn ông phải có quà mới xứng đáng công sức bấy lâu họ bỏ ra chăm lo cho vợ con, gia đình.
Tuy nhiên, các chị em có vẻ đã quá ngán cái kiểu hô hào bình đẳng nhưng thực tế phái yếu vẫn ở “vế sau”. Này nhé, vợ chồng sáng sáng đến chỗ làm, giải quyết hàng núi việc. Tan làm, anh chồng có thể vô tư tấp vào quán làm vài chai bia với bạn bè, đồng nghiệp. Cuộc vui của mấy anh có thể đến tận nửa đêm. Trong khi vợ ra khỏi công ty là chạy ào một mạch ghé chợ, quơ quào đủ thứ hầm bà lằng về nấu một mâm cơm “ngập mặt” cho chồng con.
Rồi tắm cho bọn trẻ, cho ăn, ôn bài, lùa chúng đi ngủ. Rồi tiện tay ủi đồ, rửa chén, lau nhà… trong khi mâm cơm trên bàn nguội ngắt, bụng sôi "ọc ọc" mà vẫn cố chờ chồng về ăn cùng.
Tôi cam đoan rằng, trước khi ngộ ra chân lý "việc quái gì phải chờ chồng", không chị em nào chưa trải qua cảnh đó. Trong khi anh chồng thoả sức bụng bia nhấm nháp toàn món ngon vật lạ ngoài quán, bia được tiếp viên dâng tận miệng, thì vợ vạ vật như con ma đói ở nhà.
Hoặc hôm nào đó đẹp trời, anh chồng cao hứng về sớm, không lôi iPad cày game thì cũng giành tivi hô hào mấy anh cầu thủ đang vờn nhau quả bóng. Khi bụng sôi, ngó vô bếp chưa thấy vợ cắm cơm, lại quát ầm như đụng phải ổ kiến lửa. Vợ nào mà không hụt hẫng?
Mấy anh trong công ty khúm núm trước mặt sếp, ra quán thì "em ơi em à" ngọt xớt với mấy em tiếp viên, về nhà thì mở miệng ra dùi đục mắm cáy, thậm chí “mắm thúi” với người vợ tào khang.
Ồ, bình đẳng đó ư mấy anh? Chưa kể, tôi từng gặp rất nhiều anh chồng đưa vợ đi đẻ. Trong khi vợ quằn quại thậm chí ngất xỉu trong cơn đau đẻ, anh chồng vẫn vô tư nằm ngoài ghế đá chơi game Liên minh huyền thoại. Bình đẳng đấy!
Cũng may, chị em vẫn còn đủ tỉnh táo để “đáp lễ” đòi hỏi của đấng mày râu, một cách dí dỏm nhưng sâu cay, khiến các anh phải im lặng nín nhịn, không dám hó hé.
Ví như, một anh đăng status cảm thán không thấy quà trong ngày này, hội chị em nhảy vào comment rất nhiệt tình, khuyên rằng anh ta hãy “mạnh mẽ tự mua quà tặng mình”, hoặc “muốn bình yên hãy ngoan ngoãn im lặng”…
Những phụ nữ hài hước cũng có cách làm đấng mày râu cảm thấy vui vẻ mà không hề tủi thân. Như một cô nhà văn đã nhanh tay đăng ảnh mấy trái bắp đủ màu sắc, ngụ ý rằng đàn ông nhiều quá, phải tặng quà như này mới chia cho đủ. Thôi thì, mỗi anh vài hạt bắp nhai cho vui cả làng. Có quà rồi, bình đẳng rồi nhé mấy anh!
Đó là phần mấy anh trung niên. Còn đám tuổi teen, chúng bắt trend nhanh như chớp. Vào các fanpage trường lớp của học sinh, sinh viên, ai nấy được đãi “mười thang thuốc bổ” với đủ kiểu khoe quà, đơn giản có, tình cảm có, chín chắn có nhưng độ “lầy” thì… miễn bàn!
Mới đây, dân mạng được dịp nghiêng ngả với hình ảnh khoe quà của một trường nọ. Tấm ảnh rất bình thường. Quà là những hộp đựng giày đặt ngay ngắn trên bàn, kèm theo một ly nước bên trên. Thành viên nhảy vào đoán già đoán non mới khiến người xem té ngửa: “Biết đâu bên trong mấy hộp giày là một suất cơm hộp!”.
Mà thật, ai khi không tặng đôi giày hiệu đi kèm… ly nước! Nhận món quà này, các nam sinh chắc chắn sẽ được trận cười vỡ bụng vì mừng hụt! Ở một vài nơi khác, một số nam sinh khoe quà 19/11 là mấy cái… quần sịp! Một món quà cho nam giới rất… nam tính! Tâm lý quá còn gì!
Thế đấy, có một ngày cho đàn ông mà biết bao chuyện bi hài. Trong khi đàn ông nhặng xị lên chuyện quà cáp, chủ yếu là rùm beng lên để chị em phụ nữ quan tâm hơn, ghi nhận công lao của các anh, thì chị em cứ bình chân như vại.
Này các anh, mạnh mẽ lên! Thế giới đã ghi nhận công lao của các anh góp phần làm tăng dân số hàng năm rồi, còn muốn công bằng chi nữa. Bình đẳng ư, vâng, các anh có quyền đòi bình đẳng, sau khi giải quyết đống chén bát dơ, đống quần áo bốc mùi chua loét, và kỳ cọ toilet cho bằng sạch, hoặc biết… đẻ thay phụ nữ đi, rồi hãy vùng lên đòi bình đẳng!
Chào quyết thắng, các anh!
Theo Trần Huyền Trang (Phunuonline)