Chúng ta chẳng thể làm hài lòng tất cả mọi người; cho nên, việc bị một đôi ba người ghét bỏ là khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là trong một môi trường phức tạp và đầy rẫy những thị phi, bon chen, đua tranh như công sở. Dân công sở thường khó tránh khỏi tình trạng bị đồng nghiệp không ưa; tuy nhiên, việc này vẫn chưa kinh khủng bằng việc bị sếp ghét bỏ.
Bởi lẽ, đồng nghiệp thường chỉ dính líu hoặc tác động một phần đến công việc của chị em công sở, yêu hay ghét cũng chẳng quá quan trọng. Tuy nhiên, với vai trò là người trực tiếp theo dõi, đánh giá công việc, nếu đã lỡ để sếp ghét thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn, con đường thăng tiến và thể hiện cũng vì đó mà mù mịt đi trông thấy.
Vậy nên, phải làm gì khi bị sếp ghét là câu hỏi mà rất nhiều chị em công sở vẫn ngày đêm đi tìm câu trả lời để có được giải pháp tháo gỡ cho bản thân mình. Không nằm ngoài mạch thắc mắc chung, vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở, một cô nàng đã có dịp dấy lên trăn trở: "Làm gì khi bị sếp soi mói và không ưa mình".
Ngay sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, nỗi niềm của nàng công sở ngay lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng bởi đây dường như là vấn đề "không của riêng ai". Rất nhiều ý kiến chia sẻ cũng như tư vấn của những cá nhân có kinh nghiệm đi trước đã được để lại bên dưới phần bình luận:
"Giờ như vầy, việc của sếp thì sếp làm, việc của mình thì mình cứ làm. Nếu chẳng làm gì sai trái thù cứ ngẩng cao đầu mà sống thôi. Mình đây lúc đầu cũng hay bị sếp soi nhưng dần dà, thấy mình làm tốt thì sếp tự cân nhắc lại. Đến giờ mình đã nghỉ rồi nhưng đồng nghiệp kể lại là sếp vẫn hay nhắc cũng như hỏi han công việc của mình thế nào, có tốt không?"
"Thì thôi cứ mặc kệ sếp, khi nào thấy quá đáng hoặc chẳng chịu đựng nổi nữa thì nghỉ việc. Bên mình còn "dằn mặt" sếp từ hồi mới vào làm: "Nhân viên chỉ bỏ sếp thôi chứ không bỏ việc nên anh mà ăn ở không tốt thì sẽ cô đơn một mình".
"Không việc gì phải quá lo lắng, bạn cứ thể quăng cục lơ xem sao! Còn cứ nhất mực minh oan cho mình, những người xung quanh sẽ có lòng tin ở sếp hơn ở mình. Do đó, cứ im lặng và tập trung làm tốt công việc của bản thân mình là được".
"Mình đã từng gặp trường hợp này và mình quyết định cãi nhau tay đôi với sếp. Không dừng lại ở đó, mình còn làm lớn chuyện cho Tổng giám đốc nắm rõ thông tin. Một ngày sau, mình quyết định dứt áo ra đi mặc dù sếp gọi lại và bảo lên công ty đi làm".
"Đối với trường hợp này, bạn có 2 sự lựa chọn: Một là, nịnh nọt hết mực để sếp thương lại mình (mình không ủng hộ lắm cách làm như thế này) hoặc là nghỉ việc, tìm chỗ làm mới nếu bản thân chẳng vướng bận tài chính hay chuyện gì đó khác".
Thật sự là chẳng ai trong số chúng ta mong muốn mình sẽ trở thành "cái gai trong mắt" của sếp. Tuy nhiên, có khi chỉ vì một vài chuyện nhỏ nhặt chẳng ai nghĩ đến mà chị em công sở lại bị sếp chẳng ưa. Đứng trước tình huống đó, chị em chúng ta đừng vội nản lòng cũng như có những suy nghĩ tiêu cực mà hãy xem đó là một trong những thử thách của công việc buộc chúng ta phải vượt qua nếu muốn mình trưởng thành. Điều cốt yếu là hãy tự hỏi bản thân để có cách hành xử hợp lý nhất, đừng quá cực đoan nhưng cũng đừng quá nhún nhường. Giữ cho đầu ngẩng cao và quanh minh chính đại trong mọi trường hợp.
Theo Louis (Helino)