Bị chỉ trích vì thuê người chăm sóc cha mẹ ốm
Ở làng, ai cũng bảo bà Nguyễn Thị Nga (ở Hưng Yên) là người may mắn và có phước. Bà có hai người con, một trai và một gái. Cả hai đều thành đạt. Ngày bà còn khỏe, các con sống trên thành phố muốn đón bà ra cùng nhưng bà vẫn muốn ở lại với căn nhà cũ vì không muốn xa quê.
Các con nói mãi bà không chịu đi. Chiều ý mẹ, con trai đành để bà ở quê và tìm người giúp việc ở cùng cho mẹ có người bầu bạn. Hằng tháng, các con đều góp tiền phụng dưỡng bà. Vào những ngày cuối tuần sắp xếp được công việc, anh Bảo (con bà Nga) lại đưa các con về chơi với bà. Ai nhìn vào cũng đều hết mực khen các con của bà có hiếu.
Cách đây hơn một năm, bà Nga phát hiện bị ung thư dạ dày. Thời gian đầu bà bị bệnh, con gái ở trong Nam ra chăm sóc bà được một thời gian rồi lại phải vào lo việc gia đình. Mọi việc phải dựa vào vợ chồng anh Bảo. để chăm sóc mẹ, vợ chồng anh thay nhau xin nghỉ việc.
Trải qua một khoảng thời gian vất vả khi chăm sóc mẹ, mà sức khỏe bà Nga chưa được cải thiện nhiều, vẫn phải nằm một chỗ. Nghĩ mẹ nằm viện lâu dài trong khi nhà neo người, hơn nữa, anh chị cũng không thể nghỉ việc suốt được nên đành thuê người chăm sóc. Hàng xóm, họ hàng lên thăm bà Nga không thấy vợ chồng anh Bảo ở đó chăm sóc mẹ mà chỉ có một “người lạ” ở bên hàng ngày nên quay sang chê trách vợ chồng anh Bảo tham công tiếc việc, bỏ mặc mẹ lúc đau ốm… Thế nhưng, những nhân viên y tế ở phòng bà Nga và hơn ai hết chính bà Nga mới hiểu rõ lòng hiếu thảo của vợ chồng anh Bảo. Họ đã chăm sóc mẹ trong thời gian dài khi không thể nghỉ được đành phải thuê người chăm để đi làm lo kinh tế chữa trị cho mẹ.
Vợ chồng chị Lưu Thị Oanh (ở Hà Nội) cũng bị mọi người dè bỉu “cậy có tiền”, tìm cách thoái thác việc chăm sóc bố cho những người khác. Vợ chồng chị đã rất khổ tâm nhưng không biết phải làm cách nào.
Chồng chị Oanh có một cơ sở sản xuất lớn, công việc tất bật từ sáng tới tối. Còn chị Oanh làm việc trong một công ty của Nhật Bản. Những ngày cuối năm công việc nhiều, đang thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, bố chồng chị không may bị tai biến phải vào viện điều trị. Sau trận ốm đó, ông nằm liệt giường. Vợ chồng chị Oanh phải chạy như “con thoi” để lo việc ở công ty rồi chăm sóc bố. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị vào bệnh viện chăm bố sau đó lại trở về công ty làm việc bình thường. Bố chồng nằm viện lâu, chị Oanh quá “oải”, nên bàn với chồng thuê người chăm sóc ở bệnh viện.
Hiếu nghĩa ở tâm
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn) cho rằng, ngày nay thời gian các thành viên dành cho gia đình bị phân chia quá nhiều công việc và các mối quan hệ vô cùng khác trước kia. Thời gian con cháu dành cho các bậc ông bà, cha mẹ cũng ít đi đáng kể.
Chữ hiếu bây giờ cũng cần phải nhìn đa chiều. Trong thời đại quá bận rộn này, không nhất thiết phải trực tiếp chăm sóc cha mẹ bằng đôi tay của con cái mới tròn chữ hiếu. Nếu những người con quá bận rộn với công việc, họ có thể thuê người chăm sóc cha mẹ. Cốt lõi vẫn là ở thái độ đối xử với cha mẹ, ở tấm lòng thành kính hiếu thảo, ở cách sống và kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau.
Người con cũng có nhiều cách để thể hiện chữ hiếu của mình. Người con ít khi biểu hiện tình cảm với cha mẹ qua ngôn ngữ, cử chỉ... có thể biểu hiện tình cảm bằng cách khác. Như góp thêm tiền bạc cho cha mẹ sinh sống, biết cha mẹ có nhu cầu vật chất gì thì cố gắng đáp ứng trong khả năng của mình hoặc đơn giản hơn làm được một điều gì đó mà cha mẹ kỳ vọng để cha mẹ vui cũng là thể hiện sự hiếu lễ.
“Người già vẫn quan trọng về tinh thần, luôn mong muốn con cái trò chuyện, quan tâm. Đôi khi con cái bận rộn thì chỉ cần gọi điện thoại về hỏi thăm “bố mẹ khỏe không, ăn cơm chưa?” là đã cảm thấy sự quan tâm của con cái với mình. Để cha mẹ vui cần hiểu cha mẹ muốn gì để lựa chọn cách báo hiếu chân thành nhất từ dịch vụ hay trực tiếp từ chính mình. Người con có hiếu sẽ luôn tìm mọi cách để nghĩ về cha mẹ, có cách chăm sóc cha mẹ dù là nhỏ nhưng kịp thời để các bố mẹ vui lòng”, ông Nguyễn An Chất cho hay.
Đại đức Thích Trí Thịnh – Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Công Viên tâm linh Lạc Hồng Viên) cho hay, trong Phật giáo, Đức Phật luôn luôn đề cao tâm hiếu hạnh. Đức Phật cũng đã dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật và trong hàng trăm hạnh thì hạnh Hiếu vẫn luôn là đứng đầu. Tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo luôn đề cập đến “tứ trọng ân” bao gồm ân Tam Bảo,Sư trưởng; ân quốc gia, xã hội; ân cha mẹ và ân chúng sinh vạn loại.
Cuộc sống hiện nay, thực tế là nhiều người phải sống xa cha mẹ, không có nhiều điều kiện để trực tiếp bên cạnh chăm lo cho cha mẹ hằng ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa là, chỉ ở bên cạnh chăm sóc thường xuyên mới là có hiếu. Bởi tâm hiếu mới là quan trọng nhất.
Một người con muốn báo hiếu cho cha mẹ theo đúng nghĩa, đúng cách, ngoài vật chất, cung phụng cha mẹ về vật thực, vật phẩm, thuốc thang khi cha mẹ ốm… cần phải đảm bảo cả mặt tinh thần. Nếu mình ở xa vẫn có thể nuôi dưỡng và thực hiện được tâm hiếu của mình hàng ngày bằng cách thường xuyên vấn an sức khỏe, hỏi han, động viên cha mẹ.
Sống tốt, vững chắc trong cuộc sống để cha mẹ không phải lo lắng, đau khổ vì mình cũng là báo hiếu cho cha mẹ. Người con có thể làm việc thiện, bạn bố thí, cúng dường và hồi hướng phước đức cha mẹ, ông bà cả trong hiện tiền hay đã quá vãng... Những điều này đều là tâm hiếu. Còn nếu ở bên cạnh mà khiến cha mẹ buồn lòng, cãi lại lại mang tội bất hiếu.
Ai cũng có công việc, cũng phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh nhưng phận làm con đừng quá mải mê kiếm tiền hay những cuộc vui mà sao nhãng việc quan tâm chăm sóc bố mẹ. Hiếu thảo với cha mẹ là hiếu quanh năm chứ không phải chỉ riêng một mùa Vu Lan và cũng đừng chỉ đợi đến khi cha mẹ gần đất xa trời.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)