Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học khá thu hút các bạn trẻ trong vài năm trở lại đây. Logistics tạm dịch là Hậu cần. Tuy nhiên, chức năng của ngành Logistics cũng không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển hay công tác hậu cần thông thường, nó là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa...
Người làm công việc này giống như “chiến binh thầm lặng” phía trong “hậu trường”, có thể nắm được bức tranh toàn cảnh của cả một hệ thống để đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và “phân bổ hàng hóa” tới tay khách hàng ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh nhất.
Nếu một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực và thời gian, giúp giá thành sản phẩm hạ thấp, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong xu thế toàn cầu hoá mạnh mẽ, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất nhập khẩu, là nghề không thể thiếu trong guồng quay kinh tế.
Không lo thiếu việc làm
Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán nguồn lực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giai đoạn 2016-2020, ngành Logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao; đến năm 2025, con số này ước đạt 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, đáp úng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu trường Đại học Ngoại thương, khoảng 60 – 80% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết sự sẵn có của nhân lực logistics lành nghề ở tất cả các cấp từ công nhân lao động trực tiếp đến đội ngũ nhà quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều chủ yếu ở mức trung bình thấp.
Trong Logistics có rất nhiều mảng việc làm bạn có thể theo đuổi, chẳng hạn bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, công ty vận tải hay các phòng ban như: phòng mua, phòng bán, phòng xuất nhập khẩu, phòng cung ứng vật tư, phòng dịch vụ khách hàng, phòng quản lí kho vận,... của hàng trăm doanh nghiệp có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhỏ.
Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học Logistics, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết đến Logistics và quản trị chuỗi cung ứng như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm…
Thu nhập "không phải dạng vừa"
Theo công bố của Công ty TNHH Robert Walters Việt Nam - thuộc một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới Robert Walters, mức lương của những người làm trong lĩnh vực Logistics hiện nay khá cao và không ngừng tăng lên theo từng năm do nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng cũng như nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của Logistics ngày càng cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là "điểm ngắm" của các doanh nghiệp.
Cũng theo số liệu công bố trong Vietnam Salary Guide 2019 của FirstAlliances, mức lương trung bình của nhân lực Logistics tại TP. Hồ Chí Minh ở vị trí nhân viên dao động từ 500 USD – 1.500 USD/tháng và cấp quản trị từ 800 - 5.000 USD/tháng.
Rất nhiều vị trí trong ngành Logistics cho bạn cơ hội được đi công tác, có thể là đi công tác nước ngoài. Mặc dù đây là những chuyến đi giải quyết công việc nhưng nó sẽ góp phần mở rộng kiến thức và kinh nghiệm của bạn một cách đáng kể.
Cơ hội thường xuyên rèn luyện các kỹ năng mềm
Bản chất của Logistics là khá rộng. Thế nên bên cạnh việc học chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, quản lý logistics, sinh viên ngành này còn được học nhiều kiến thức liên quan khác, từ quản trị hệ thống phân phối, vận tải đa phương thức, cho đến tài chính –kế toán, marketing quốc tế, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự,…
Đó là chưa kể đến, khi theo học Logistics, bạn còn có cơ hội thường xuyên rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng tin học, kỹ năng lập kế hoạch và tính toán, kỹ năng quản lý và làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định và tự chịu trách nhiệm, kỹ năng tự học,… Đây đều là những kỹ năng bổ trợ mà bất kỳ ai cũng cần, đặc biệt là trong thời đại hội nhập hiện nay.
Quả là một ngành học không thể bỏ qua phải không? Nếu bạn là người thích lập kế hoạch, thích tính toán, thích điều phối sự việc hoặc con người xung quanh, thì ngành học Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics chính là một lựa chọn hoàn hảo đấy!
Một số trường đào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể tham khảo như:
Tại Hà Nội:
+ Đại học Kinh tế Quốc dân (tuyển sinh từ năm 2018)
+ Đại học Thương mại
+ Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (năm 2020 bắt đầu tuyển sinh)
Tại TP. HCM:
+ Đại học Ngoại thương
+ Đại học Bách khoa TP.HCM
+ Đại học Kinh tế TPHCM
+ Đại học Giao thông vận tải TP.HCM
+ Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
+ Đại học Ngân hàng.
Theo Khải Phong (Gia Đình)