Mỗi năm sau những ngày Tết, người người, nhà nhà lại cẩn thận chuẩn bị chu đáo để cúng bái vào ngày Rằm tháng Giêng. Có thể nói trong năm, ngoài Rằm tháng Tư và Rằm tháng Bảy thì Rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém. Trong dân gian vẫn hay có câu nói: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, vậy cũng đủ hiểu từ xa xưa, ngày này quan trọng đến thế nào trong văn hóa của người Việt ta.
Tại sao Rằm tháng Giêng lại quan trọng đến như thế?
Ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên. Tết Nguyên tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc, là đêm rằm đầu tiên của một năm mới. Khác với Tết Trung Nguyên và Hạ nguyên, ngày Tết Thượng tiêu được xem là ngày tết hướng thiên cầu phúc, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, no đủ.
Tiếp theo là ở quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt” của người Việt ta từ xưa, những gì là điều đầu tiên thường rất được coi trọng. Do đó, trong tháng đầu tiên của năm mới, có 2 tiết sóc vọng cần được chú trọng là mồng một và ngày rằm. Mồng một là ngày đầu tiên của năm mới, đã được cúng kiếng chu đáo và ngày còn lại - ngày rằm - cũng được chú trọng giống hệt như vậy.
Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines… Rằm tháng Giêng cũng là một trong những ngày lễ thiêng liêng, quan trọng nhất vào đầu năm mới. Vào ngày này, mọi người thường sẽ bày mâm cỗ cúng bái, thực hiện những nghi thức truyền thống để mong cả năm gặp may mắn, bình an, sung túc.
Vào ngày này, ở nước ta, mâm cỗ bao gồm những món ăn quen thuộc, tùy theo từng vùng miền sẽ gồm những món ăn khác nhau. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là bánh chưng, xôi gấc, hoa quả, gà luộc, chân giò và đặc biệt là không thể thiếu bánh trôi chay với mong muốn mang đến một năm mới mọi sự trôi chảy, thuận lợi.
Theo Newben (Helino)