Đôi khi, người ta cứ nghĩ rằng tình yêu này qua đi để nhường chỗ cho 1 người đến sau tốt đẹp hơn. Cuộc đời là vậy, chẳng có cái gì là bất biến. Thế nên, mỗi khi đọc được những câu chuyện về một chuyện tình đẹp, hai người đồng hành với nhau cả một chặng đường dài, ta lại thấy cuộc sống thêm tươi sáng hơn.
Chuyện cô "hoa khôi" Hải Phòng được "đặt gạch" từ khi 16 tuổi
"Ngày ấy, bà đẹp lắm, đẹp có tiếng khắp cả vùng nội thành Hải Phòng. Ông cũng chẳng kém, đẹp trai tuấn tú và cư xử đúng mực. Nhà ông bà chỉ cách nhau vài bước đi bộ. Ba, mợ (cách gọi bố mẹ ngày xưa) của ông còn đích thân sang trải chiếu nhà bà (nhận vợ cho con) khi bà mới 16 tuổi.
Hằng ngày, ông qua nhà bà ngồi trò chuyện mà cũng phải xin phép mẹ bà cẩn thận. Ngày ấy làm gì cũng phải giữ kẽ, để ý từng ly, từng tí một.
Bà là giáo viên cấp 1, ông giáo viên cấp 2, cả hai đều là giáo viên giỏi cấp thành phố. Hằng ngày, ông qua bà chơi rồi nói những câu chuyện chỉ vỏn vẹn vài câu như: 'Hôm nay anh dạy học thế nào?', 'Giáo án ra sao?', 'Học trò có quậy không?'.
Thời gian qua đi, bà theo ông về làm dâu trong sự tiếc nuối của biết bao chàng trai trong vùng. Đi đâu người ta cũng ca ngợi ông bà bởi cặp đôi đẹp quá, trai tài, gái sắc.
Khi đó vẫn còn chiến tranh mọi người đều sơ tán cả. Ông về Vĩnh Bảo dạy học, bà thì ở Núi Vọ, Kiến An. Mỗi tuần vào chiều thứ bảy, ông lại đón bà về trên chiếc xe Phượng Hoàng cũ.
Ông yêu bà lắm, chưa bao giờ làm bà buồn dù chỉ một lần. Ông còn nhớ cả ngày bà "đến tháng" rồi viết thư hỏi han, nhắc nhở. Lúc nào cũng một điều anh, hai tiếng em.
Bà sinh em bé, bà càng đẹp gấp nhiều lần. Bà đi đâu ai cũng nhìn. Bà làm gì ai cũng để ý. Người ta bảo ông: 'Vợ đẹp thế, không cẩn thận mất vợ như chơi'. Ông cười nhẹ nhàng: 'Tôi tin vợ tôi, vợ chỉ chung thủy với mình tôi thôi'. Mà sự thật là vậy, bà chẳng bao giờ như thế, nhiều đồng nghiệp ở trường bà còn e ngại khi tiếp xúc.
Mất chồng giữa lưng chừng thanh xuân và quyết định của người đàn bà bản lĩnh
Thấm thoắt ba năm trôi qua, tình yêu của ông bà vẫn thế và còn hơn thế. Con trai đầu lòng được 3 tuổi thì đau thương ập đến.
Người ta hay nói 'hồng nhan bạc phận' quả không sai. Vào ngày thứ bảy định mệnh 7/10/1967, ông đón bà về nhà sau khi tan lớp.
Trước lúc về, ông bà rủ nhau rán bánh xèo ăn. Đang nói chuyện thì máy bay thả bom. Nó thả ngay cái ao gần đó, nước áo bắn tung toé như hắt cả xô nước đầy vào mặt, những mảnh bom vỡ văng khắp nơi, văng cả vào mặt vào người. Bà ngất đi trong sự vô thức, ông thì ra đi vĩnh viễn...
Năm đó ông 28, bà 23 tuổi. Bây giờ ông vẫn 28. Bà 78 tuổi, bà vẫn có ông, người chồng duy nhất của bà.
Cả tháng trời bà điều trị trong bệnh viện lúc mê lúc tỉnh. Bà gọi tên ông, hỏi ông mãi. Mọi người không dám tiết lộ điều gì, mẹ bà không cho phép ai vào thăm, không cho ai nói gì về ông vì sợ bà sốc, ảnh hưởng sức khỏe.
Rồi bà tỉnh, câu đầu tiên vẫn là hỏi về ông. Mẹ bà xót xa quá chỉ dám trả lời qua loa: "Con ơi, lúc con ngủ thì chồng con có đến nhưng giờ chồng con tranh thủ về dạy học rồi con ạ".
Phải mấy tháng trời sau đó, bà mới biết ông đã ra đi...
Thời gian cứ thế trôi mau, chẳng chịu chờ ai bao giờ, hoà bình độc lập, bà cũng dần già đi theo năm tháng. Bà lúc nào cũng vậy, tình cảm luôn hướng về ông. Bà không lấy chồng, cả đời bà hết mực vì chồng, vì gia đình chồng vì con cái cháu chắt.
Ông hy sinh về thể xác, bà hy sinh tuổi xuân, hy sinh sự hạnh phúc, sự ích kỷ bản thân để toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Bà là vậy, bà nấu ăn ngon, bà cẩn thận, bà chăm chút con cháu từng tí một. Bà vẫn nhớ về tình yêu dành cho ông và có lẽ giữa hiện thực bây giờ khi mọi thứ phát triển, tân tiến chắc sẽ khó để tìm thấy một tình yêu tuyệt vời đến như thế".
Đây là câu chuyện về mối tình của người bà đã 78 tuổi do cô cháu dâu tên Trang kể lại. Bà là Nguyễn Nguyệt Ảnh, ông là Trần Văn Khánh. Họ đã chia xa được 55 năm nhưng trong trái tim bà, tình yêu của ông vẫn luôn cháy bỏng.
"Bà hay kể về chuyện tình của ông và bà lắm. Mỗi lần kể bà đều khóc. Nói vậy thôi chứ đến tận bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ bà vẫn không quên được những gì xảy đến với mình và chồng.
Ông bà có nhiều thư viết cho nhau vì thời chiến dạy học mỗi người một nơi nhưng nhiều bức thư bà cất giấu các cháu, thậm chí con trai duy nhất của bà cũng không được đọc.
Bà nhớ nhiều về ông lắm, nhớ tính cách, sự ân cần, tâm lý và luôn nhẹ nhàng với bà. Ông cũng vẽ đẹp, có những dịp 20/11 ông toàn vẽ báo tường cho bà thôi", Trang chia sẻ.
Sau khi ông mất, bà cũng nhận được nhiều lời khuyên nên " đi bước nữa " vì còn quá trẻ nhưng bà đều gạt phắt đi hết. Bà dành tình yêu một đời cho ông và giờ không đón nhận thêm ai nữa.
Chị Trang cho biết thêm: "Nhiều người muốn đến với bà, có cả những người chức quyền nhưng bà toàn gọi 'chú cháu' trong khi người ta chỉ hơn bà 2, 3 tuổi. Bà không muốn cho họ cơ hội nào.
Nhiều gia đình cũng vào thưa chuyện với mẹ của bà. Mẹ bà cũng từ chối luôn: 'Tôi chỉ gả con gái một lần trong đời, bây giờ để nó tự quyết'. Các cô giáo ở trường cũng khuyên bà lấy chồng nữa. Thầy hiệu trường hay ba mẹ chồng cũng động viên nhưng bà nhất định không.
Khi được cháu hỏi về chuyện có bao giờ tiếc nuối không, bà lắc đầu: 'Không bao giờ, bà chỉ tiếc chồng bà thôi chứ cuộc đời bà chẳng có gì phải tiếc'. Hiện tại, bà vẫn khỏe, hằng ngày làm việc nhà rồi vui vầy tuổi già bên con cháu".
Đúng là một mối tình khiến người ta phải cảm động mãi không thôi. Người phụ nữ đã dành cả một đời và dành trọn tình yêu cho người chồng đã mất. Nếu như có ai thắc mắc về một tình yêu trăm năm thì đó chính là ví dụ điển hình. Đọc được câu chuyện về những mối tình thế này càng khiến người ta thêm tin tưởng vào sự đẹp đẽ của tình yêu thuần khiết, vĩnh cửu.
Theo An Thanh (Helino)