Méo mặt vì “chạy sô” tiệc tất niên

29/01/2016 10:27:27

Được ăn tưởng phải sướng, thế mà nhiều “quý ông” lại méo mặt vì…tiệc tất niên. Vì tất niên mà nhiều gia đình suýt tan cửa nát nhà, đó còn chưa kể hậu quả về sức khoẻ do bia rượu, ăn uống quá độ.

Được ăn tưởng phải sướng, thế mà nhiều “quý ông” lại méo mặt vì…tiệc tất niên. Vì tất niên mà nhiều gia đình suýt tan cửa nát nhà, đó còn chưa kể hậu quả về sức khoẻ do bia rượu, ăn uống quá độ.

Cuối năm là dịp các cơ quan, đơn vị tổ chức tiệc tất niên để mọi người gặp gỡ, đối ngoại và tri ân nhau. Tuy nhiên tiệc tùng liên miên cũng làm nảy sinh nhiều hệ luỵ.
 

Một nhà hàng trên đường Trương Định, Q3 quá tải khách dự tiệc cuộc năm, xe của khách xếp trên vỉa hè, chiếm hết lối đi   

 
Trong bữa tiệc tất niên với đối tác, anh Nguyễn Văn Đào, 48 tuổi, giám đốc kinh doanh của một công ty vật liệu xây dựng tại quận Tân Bình, TP.HCM vừa nâng ly mời bia mọi người, vừa chia sẻ: “Nói thật với các bạn, đêm qua mình đi tiếp khách tới 12h mới về tới nhà, say quá ói ra sạch rồi lăn ra ngủ. 9h sáng nay còn chưa hồi thì lại tất niên tiếp. Ăn chẳng ăn được, toàn uống, cồn hết cả ruột. Xong ca này mình lại phải chạy sô khác, anh em bên đó đang chờ nên xin phép cạn ly rồi đi luôn cho kịp”.

Thông cảm với anh Đào, anh Trí, chủ đại lý bán đồ nội thất tâm sự: “Cuối năm, tiệc tùng liên miên, cả tuần này tôi chẳng ăn cơm với vợ con bữa nào. Sáng cả nhà kẻ đi làm, người đi học. Tôi đi tới đêm mới về, chân nam đá chân chiêu, nôn ói đầy nhà khiến bà xã nổi giận, bỏ luôn nhà ngoại”.

Đó còn chưa kể nhiều đơn vị tổ chức thời điểm tất niên trùng nhau làm cho khách mời vắt chân lên cổ chạy.

Anh Nguyễn Đức, kỹ sư xây dựng, làm việc tại quận 5 kể: “3 cái tất niên vào một buổi trưa. Chủ bữa tiệc nào cũng quan trọng, mình không đi thì khiếm nhã, sau này ai thèm quan hệ nữa. Thế là phải cố. Đi cả 3 bữa tiệc nhưng tới đâu cũng chỉ kịp húp chén súp, hoặc gắp tí gỏi, còn lại là cả bụng bia rượu, hại dạ dày không tả nổi. Mang tiếng đi ăn tiệc mà đêm nào về cũng lục cơm nguội vì đói. Hôm qua uống say quá, vứt cái cặp da ở đâu không biết, mất hết cả bóp tiền lẫn chứng minh thư, giấy tờ đăng ký xe”.

Trường hợp anh Cường, biên tập viên tờ báo T, dự tiệc tất niên tại công ty G đến 1 giờ sáng, do uống say, trên đường về tự ngã trẹo tay, phải nằm viện mấy ngày. Bạn bè chưa kịp vào viện hỏi thăm, thì vài ngày sau đã thấy anh xuất hiện tại buổi tiệc tất niên một công ty khác, tay vẫn còn bó bột.

Tại bữa tiệc, anh Cường nói: tính sơ sơ, chỉ trong 1 tuần, phải dự khoảng 8 buổi tiệc tất niên vì…ngoại giao và đương nhiên quên mất cơm nhà trong cả tuần.
 

Hàng dài các xe ô tô trước cửa các nhà hàng nướng, lẩu trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội)

 
Không chỉ có khách mà chủ tiệc cũng... chạy sô, mệt mỏi vì tất niên. Một nhân viên truyền thông tại công ty hàng tiêu dùng lớn ở quận 7, TPHCM than: “Trong 3 ngày nay, em và sếp phải tiếp 8 đoàn khách ở cùng một nhà hàng. Nhìn rượu bia, món ăn mà ngán đến tận cổ rồi. Chắc năm sau gửi khách quà Tết và…phong bì cho nó gọn nhẹ”.

Nhà hàng “đuổi khách” vì quá tải

Những ngày cuối năm nay, đặt được nhà hàng là một may mắn với chủ tiệc tất niên.

Anh Phúc, nhân viên một công ty truyền thông kể: “Do sếp nổi hứng, cách đây 2 ngày (26/1) bảo tụi em tìm nhà hàng, mời 50 khách dự tiệc tất niên. Gọi điện thoại tới một số nhà hàng tại khu vực trung tâm quận 1, 3, 5 đều nhận được câu trả lời: “Xin lỗi anh chị, bên em kín bàn từ nay tới Tết, hoặc nhân viên nhà hàng sẽ xin số điện thoại để liên lạc lại. Cuối cùng công ty phải dời địa điểm sang Q7, cách xa trung tâm cả 8-10 km.
 

Tiệc tất niên cuối năm 

 
Còn Hà Nội, khảo sát một số nhà hàng lớn như Sen Tây Hồ, Nam Long, Vạn Tuế, Phù Đổng…cũng đã kín đặc khách, đối tượng chủ yếu là dân công sở hoặc những nhóm gia đình. Anh Lý - quản lí nhà hàng Nam Long trên phố Trấn Vũ cho biết: “Thời gian này khách rất đông. Toàn bộ tầng dưới là đã có người đặt chỗ trước rồi, chỉ còn phòng riêng trên tầng nhưng nếu đi số lượng đông mà không đặt chỗ trước thì chưa chắc gì đã có phòng".

Chủ nhà hàng chân gà mắm 162 Phố Huế cho biết: “Vì là dịp cuối năm, khách kéo nhau đi ăn tất niên rất đông nên thường phải đặt trước. Số lượng người phải chính xác và đặc biệt là đến đúng giờ. Nếu khách đã đặt nhưng đến muộn quá 15 phút, nhà hàng sẽ tự động hủy giao kèo, không cần giải thích..."

Chị Mai Trang, một thực khách của nhà hàng này chia sẻ: “Hôm trước mình và nhóm bạn rủ nhau đi ăn tất niên sớm, đến vào tối chủ nhật. Cứ nghĩ sẽ không đông lắm, ai ngờ đến nơi thấy mấy tốp liền đang phải đứng ngoài để chờ xếp bàn. Chờ gần nửa tiếng đồng hồ vẫn không có chỗ, bọn mình nản quá nên thôi kéo nhau đi tìm chỗ khác”

Còn chị Nga (quận Cầu Giấy) cũng đang đau đầu trong vấn đề đặt bàn ăn tất niên cho công ty và gia đình: “Bình thường đi đâu đông người tôi cũng cẩn thận đặt trước cho chắc. Dịp cuối năm, không đặt trước thì chỉ có nước quay về. Có trường hợp chốt lịch xong xuôi, đến nơi người ta còn "đuổi" về nữa. Thật quá khổ với tiệc tất niên kiểu này...".

Theo Thanh Huyền - Mỹ Linh (VietNamNet)

Nổi bật