Mẹo đối phó với trẻ lười ăn, hay khóc đêm của mẹ Việt gây sốt MXH

03/04/2017 09:12:00

"Bố mẹ hãy cho con quyền được đói. Khi đói, bé sẽ ăn".

"Bố mẹ hãy cho con quyền được đói. Khi đói, bé sẽ ăn".
 

Ở bài trước, chúng tôi đã giới thiệu thực đơn ăn dặm kiểu Nhật do chị Phượng Lê chia sẻ. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục chia sẻ câu chuyện mà chị tâm sự về việc đối phó với chứng lười ăn của con nhỏ.

meo doi pho voi tre luoi an, hay khoc dem cua me viet gay sot mxh - 1
Bé Thỏ, con gái chị Phượng Lê. Ảnh NVCC

Dưới đây là đoạn chia sẻ của chị Phượng Lê:

Khi thảo luận về vấn đề dinh dưỡng cho con với thầy giáo (chuyên gia dinh dưỡng), chính mình đã đặt câu hỏi làm sao để bé chịu ăn, ăn ngon miệng vì ở Việt Nam mình có mấy đứa em họ khá lười ăn.

Thầy giáo loay hoay bên máy chiếu một lúc rồi chỉ lên hai tấm ảnh, trước khi nói thầy nhìn hai tấm ảnh xin lỗi vì đã tự tiện sử dụng ảnh trên mạng mà chưa được sự cho phép.

Một tấm ảnh các em bé châu Phi da bọc xương gương mắt nhìn ám ảnh, một tấm ảnh là một chiếc thuyền xơ xác, trên thuyền có duy nhất một người sống sót đang cầm một cái cốc.

Sau khi giải thích một hồi, thầy nói, con người vốn dĩ đơn giản, đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, mệt thì muốn nghỉ ngơi... trẻ con cũng vậy thôi.

Ví dụ như hai số phận trong ảnh minh hoạ kia, lúc này mang ra một khay cơm, đồ ăn và một khay bánh kẹo, hoa quả, họ sẽ chọn khay nào? Có khi nào bố mẹ tước mất quyền được đói của con không?

Mình nhớ ngay trong đầu những hình ảnh quen thuộc gặp ở Việt Nam, bà bế, mẹ rong, bố cầm trống múa may quay cuồng cho con để nhét từng thìa cháo vào miệng bé. Hay mẹ bế con đi rong khắp ngõ, gặp ai cũng nhờ "Bác ơi bác quát nó đi để nó sợ nó há mồm ăn".

Nhìn trước mắt mình các em bé Nhật khá ngoan ngoãn ngồi ăn từ tốn, lớn thì tự xúc, bé thì mẹ xúc cho. Cũng có bé không chịu ăn cơm mà đòi uống sữa. Mẹ bảo: "Suất buổi trưa là cơm, sữa là bữa phụ buổi chiều. Con đòi sữa vào buổi trưa, vậy buổi chiều sẽ không có gì cả. Con sẽ phải chờ tới bữa tối". 

meo doi pho voi tre luoi an, hay khoc dem cua me viet gay sot mxh - 2

Bé Sóc, con trai chị Phượng Lê hiện đang được 3 tháng tuổi. Ảnh NVCC

Những gì mình đúc kết được trong buổi thảo luận này là:

- Tạo thói quen ăn uống đúng giờ giấc cho bé.

- Tạo hứng thú cho bé về các món ăn. Mẹ có thể trang trí cơm, thức ăn thành các hình dễ thương hoặc màu sắc bắt mắt để kích thích trí tò mò của trẻ.

- Nếu bé không muốn ăn thì đừng ép (điều này hình thành thói quen ghét đồ ăn ở bé).

- Đừng sợ bé đói, bé sút cân mà vô tình hình thành luôn căn bệnh lười ăn của bé. Nếu bé không ăn, mẹ hãy dọn đồ đi và chỉ cho bé ăn vào bữa tiếp theo.

Ở Việt Nam mình không khó để bắt gặp hình ảnh ông bà cuống quýt khi cháu không ăn cơm, vội vàng mang ra nào là bánh kẹo, sữa, hoa quả hoặc các đồ ăn khác thay thế. Đương nhiên tới bữa kế tiếp, kế tiếp nữa nó cũng sẽ vẫn lười ăn như vậy. Bố mẹ, hãy cho con quyền được đói. Khi đói, bé sẽ ăn.

- Đối với các bé trong độ tuổi ăn dặm còn ti mẹ thì tập cho bé ti đúng giờ. Ti vặt nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước bữa ăn cũng là nguyên nhân khiến bé lười ăn hoặc bỏ ăn vào bữa chính.

- Hình thành thói quen ăn uống kỷ luật, tôn trọng đồ ăn cho bé.

Ví dụ cho bé ngồi ghế ăn, đeo yếm, rửa sạch tay trước khi ăn. Khi ăn phải ngồi ngay ngắn, hoặc như các bé Nhật sẽ nói câu mời trước khi ăn và câu cảm ơn sau khi ăn xong”.

Hy vọng, với chia sẻ trên đây của chị Phượng Lê, những bà mẹ đang “bế tắc” trong câu chuyện con lười ăn, con biếng ăn sẽ sớm tìm ra được giải pháp cho riêng mình.

meo doi pho voi tre luoi an, hay khoc dem cua me viet gay sot mxh - 3
Ảnh NVCC
 

Chị Phượng Lê chia sẻ thêm một số mẹo khi chăm con:

1. Con lười uống hoặc không chịu uống sữa tươi?

Ở Nhật, trẻ trên 1 tuổi sẽ được khuyên uống sữa tươi thay vì sữa công thức. Tuy nhiên không phải bé nào cũng chịu hợp tác uống ngay từ đầu. Nên mẹ cần kiên nhẫn giúp con quen dần với vị sữa tươi.

Có thể trước đây con chỉ quen mùi sữa mẹ hoặc sữa công thức mà chưa uống sữa tươi bao giờ nên bé không thích nghi kịp. Mỗi ngày một ít, mẹ cho sữa tươi vào nấu cùng các món ăn dặm của bé.

Ở Nhật rất hay dùng sữa tươi để nấu ăn với cả món người lớn và món của trẻ nhỏ. Ban đầu mẹ cho ít thôi, sau đó tăng dần lượng sữa cho vào thức ăn. Sau cùng sẽ cho con uống trực tiếp, lúc này bé đã quen vị rồi, bé sẽ uống hợp tác cùng mẹ.

2. Cai sữa

Bé nào ti mẹ cũng sẽ nghiện và mẹ nào nghiện cho con ti thì khoảng thời gian cai sữa sẽ là cực hình với cả hai mẹ con. Các mẹ thử áp dụng như sau:

Tầm tuổi cai sữa là bé đã uống bổ sung sữa tươi rồi nên mẹ sẽ tăng lượng sữa tươi này lên. Mỗi lần bé đòi ti, mẹ hãy đánh lạc hướng bé, cho bé chơi đồ chơi, chơi đuổi bắt với mẹ, cho bé hoa quả... Sau khi cho bé uống sữa tươi no, mẹ hãy cho bé ngậm ti.

Trước khi ti mẹ bôi vào đầu ti nước ép quả yuzu (ở Việt Nam thì có thể thay thế bằng quả chanh), một là bé vừa uống sữa no, hai là bé ngậm ti thấy chua, bé sợ sẽ không ti nữa.

Cần lặp lại nhiều lần. Bé sẽ nhớ là ti sẽ bị chua, bé dần bỏ ti.

3. Bé khóc đêm, ngủ đêm ít

Trừ trường hợp những bé đặc biệt khó ngủ còn lại hầu hết các con dưới 1 tuổi thì công việc sẽ là ăn, chơi và ngủ.

Ban ngày mẹ hãy cho bé vận động thật nhiều. Mẹ chọn các vận động chân tay thích hợp theo từng độ tuổi cho bé. Hãy để bé vận động bận rộn cả một ngày.

Mẹ tập dần cho bé ngủ theo cữ vào ban ngày, với mình thì mình vừa cho con ti mẹ trực tiếp, vừa vắt ra bình để con ti bình nữa. Mẹ tập cho bé dậy vào giờ cố định buổi sáng, tắm nắng.

Ban ngày bé nhà mình dậy vào lúc 7h sáng, sau khi cho con vận động mình cho bé ti mẹ, thường ti mẹ thì bé sẽ ti vặt chứ không được no bụng. Chính vì vậy mà bé hay ngủ nhưng cũng hay thức dậy đòi ti.

Ở cữ buổi trưa, mẹ muốn bé ngủ sâu nên mình vắt sữa đủ ra bình và cho con uống hết. Nếu đang uống mà con lăn ra ngủ, mình sẽ cho bé ợ hơi, đặt xuống giường kỳ buồn, trêu bé để bé dậy bú tiếp, cứ vậy cho đến khi bú đủ cữ trong bình thì con sẽ ngủ sâu.

Buổi chiều tương tự như vậy, mẹ cho bé vận động thật nhiều, cho ti mẹ trực tiếp. Ở cữ từ 5h chiều, mình sẽ cho con ti bình, 7h tối bé sẽ ngủ, 10h mình đánh thức con dậy cho ti no cữ cuối. Bé nhà mình sẽ ngủ thẳng tới 6,7h sáng hôm sau luôn. Mẹ nào tầm 3, 4h đánh thức con dậy cho ti lần nữa cũng được, nhưng mình thì mình để con ngủ xuyên đêm luôn. Nếu bé khóc, mẹ có thể kiểm tra xem là bé đói, hay bỉm ướt, hay bé bị mẩn ngứa ở đâu không, có bị tắc mũi không...

Nếu con hoàn toàn bình thường mà vẫn gào khóc vô cớ thì mẹ cứ để cho bé khóc thoải mái, khóc là một cách xả stress hiệu quả của các con. Khi bé nguôi nguôi mẹ hãy bế nựng, ôm ấp, xoa đầu hay massage tay chân cho bé nhưng tuyệt đối không nên rong rẩy bé. Ban ngày vận động mệt, đã khóc xả hết stress trong người, đêm đc bú đủ no, bé sẽ khò khò các mẹ ạ.

Các mẹ Nhật cho rằng khóc cũng là một công việc của bé giống như ăn, ngủ, tiểu tiện, đại tiện. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trẻ em cũng bị stress và khóc là cách xả stress hiệu quả của các bé. Quan trọng nhất là sau khi bé nguôi khóc, mẹ hãy ôm nựng, xoa đầu hoặc massage chân tay cho con, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe để bé cảm nhận được tình yêu thương của mẹ.

Tuyệt đối tránh việc rong rẩy hoặc tập cho bé những thói quen không tốt như là phải rong rẩy thì mới ngủ hoặc phải bế suốt thì mới ngủ... mẹ hãy kiên nhẫn tập cho bé thói quen tự chìm vào giấc ngủ. 

4. Tập thói quen đi đại tiện buổi sáng cho con

Các mẹ Nhật bạn của mình có mẹo rất hay là cho con uống yogurt hoa quả sau bữa sáng nửa tiếng. Yogurt vốn nhuận tràng, giúp con đi đại tiện dễ dàng. Mình áp dụng với Thỏ và vô cùng thành công.

Sau khi cho con uống yogurt 15 phút, mình dẫn bé vào tolet, cho ngồi bệ người lớn (có vòng bô đệm của bé đặt bên trên). Lúc đầu con không chịu, hai mẹ con lại chạy đi chơi.

Khi bé có dấu hiệu buồn đại tiện là mình dẫn ngay vào cho ngồi bồn cầu. Tập một tuần trời như vậy, giờ Thỏ đã quen, sáng nào cũng tầm 9h, 9h15 là vào tolet ngồi đại tiện. Có thể con chưa buồn đi nhưng mẹ vẫn dẫn vào ngồi.

Còn cậu Sóc mới hơn 3 tháng, ngày trước bé hay đại tiện đêm nên mình đã tham khảo cách sao cho bé quen đại tiện ngày. Buổi sáng khi bé ngủ dậy, mình lấy khăn ấm lau phần bụng cho con và matxa nhẹ theo chiều kim đồng hồ. Lúc nào bụng đói mình lại tranh thủ massage cho con như vậy, nếu chưa đại tiện thì buổi chiều vừa tắm cho con mình vừa mát xa bụng, như thế sẽ giúp bé dễ chịu hơn.


Theo V.Nga (Khampha.vn)

Nổi bật